Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Những dấu ấn thúc đẩy hợp tác giao lưu văn hóa Nhật - Việt 2019

24/01/2020 | 20:18

Có thể nói, năm 2019 là năm có nhiều dấu ấn thúc đẩy hợp tác, giao lưu văn hóa của Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam, không hoàn toàn ở số lượng hay quy mô, mà năm nay đánh dấu những dấu ấn giao lưu đủ sức lan tỏa đến bạn bè Việt Nam. Để nhìn lại những kết quả năm cũ và hướng đến năm mới, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Toshiki Ando - Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam.

Những dấu ấn thúc đẩy hợp tác giao lưu văn hóa Nhật - Việt  2019 - Ảnh 1.

- Thưa ông, một năm đã khép lại nhiều bận rộn của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội, xin Giám đốc cho biết những kết quả nổi bật năm 2019 trong hoạt động hợp tác, giao lưu, hội nhập văn hóa của Nhật tại Việt Nam?

Giám đốc Toshiki Ando: Trong năm 2019 vừa qua, chúng tôi đã tiến hành rất nhiều các hoạt động giao lưu văn hóa đa dạng. Đặc biệt, chúng tôi rất chú trọng giới thiệu các loại hình nghệ thuật Nhật Bản sao cho thu hút được sự quan tâm của đối tượng trẻ. Ví dụ, năm vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức sự kiện J-Dance lần 2 với sự tham gia của các vũ công trẻ, các nhóm múa và các vũ công chính của các nhóm múa. Tại sự kiện J-Dance được tổ chức vào tháng 11/2019, chúng tôi đã giới thiệu 4 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như múa đương đại và Butoh, với mong muốn được khán giả đón xem và thấy hứng thú với sự đa dạng trong các loại hình múa, ngôn ngữ hình thể của Nhật Bản ngày nay.

Theo tôi được thấy, các khán giả Việt Nam đã rất ấn tượng với các màn trình diễn đầy cá tính này. Bên cạnh đó, bản thân các vũ công Nhật Bản tham gia chương trình cũng cảm nhận được sâu sắc tình cảm quan tâm đặc biệt của các khán giả Việt Nam, xúc động trước sự theo dõi chăm chú từ họ và cũng rất mãn nguyện khi tham gia chương trình.

Những dấu ấn thúc đẩy hợp tác giao lưu văn hóa Nhật - Việt  2019 - Ảnh 2.

Tiết mục múa Butoh "Sanbaso" - Ishii Norihito trong chương trình J-Dance vol 2.

Đặc biệt là gần đây, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam rất chú trọng đến các hoạt động hợp tác giữa các nghệ sĩ Việt Nam với Nhật Bản, cũng như các quốc gia châu Á khác. Điển hình có thể kể đến hoạt động hỗ trợ cho Hòa nhạc Beethoven Symphony số 9 của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam vào tháng 12/2019 vừa rồi. Đây là một dự án do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam lên kế hoạch và tổ chức. Với sự kiện này, chúng tôi đã mời các nhạc công đến từ Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan đến biểu diễn nhạc phẩm của Beethoven cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cho các khán thính giả Việt Nam, Nhật Bản và các nước khác trên thế giới thưởng thức. Dàn hợp xướng trong chương trình cũng rất đa dạng quốc tịch như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ v.v. Tôi tin rằng, đó là một sự hợp tác mang đậm màu sắc quốc tế về mảng âm nhạc và các khán thính giả cũng rất thích thú khi thưởng thức chương trình.

Những dấu ấn thúc đẩy hợp tác giao lưu văn hóa Nhật - Việt  2019 - Ảnh 3.

Triển lãm "Tinh thần Võ đạo - Lịch sử Võ thuật Nhật Bản" tại Hà Nội

- Để văn hóa Nhật có thể đến gần hơn với công chúng Việt Nam, ông có thể cho biết các hoạt động dạy và học tiếng Nhật tại Việt Nam.

Giám đốc Toshiki Ando: Về mảng Hỗ trợ Đào tạo tiếng Nhật, trong năm 2019, dự án Bồi dưỡng Phương pháp giảng dạy tiếng Nhật đã được tiếp tục triển khai và đi vào quỹ đạo. Các hoạt động dạy và học tiếng Nhật ở Việt Nam đang ngày càng phát triển. Theo khảo sát nhanh của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam vào năm 2018, số người học tiếng Nhật ở Việt Nam là khoảng 174.000 người, nhiều thứ 6 trên thế giới. Việt Nam đã trở thành quốc gia có sự tăng trưởng về số lượng người học tiếng Nhật lớn nhất trên thế giới, vượt qua các quốc gia/vùng lãnh thổ lớn về giáo dục tiếng Nhật như Mỹ hay Đài Loan.

Sắp tới đây, việc cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cao, phù hợp với mục đích người học tiếng Nhật sẽ ngày càng trở nên thiết yếu. Để làm được điều đó, cốt lõi là phải gia tăng số lượng các giáo viên có trình độ sư phạm. Để giải quyết vấn đề đó, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đã phối hợp với Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội để tổ chức các khóa Đào tạo Phương pháp giảng dạy tiếng Nhật. Các khóa học trên đã đào tạo ra các giảng viên Đại học, giáo viên các cấp, cũng như góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao kỹ năng cho giáo viên tại các trung tâm tiếng Nhật cũng như các cơ quan phải cử thực tập sinh kỹ năng.

- Để phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2020 Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội có những định hướng gì thưa Giám đốc?

Giám đốc Toshiki Ando: Trong năm 2020 này, triết lý hoạt động của chúng tôi về cơ bản vẫn không thay đổi.

Tuy nhiên, cùng với sự thắt chặt mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, số lượng người Việt Nam quan tâm, có hảo cảm với nước Nhật ngày càng tăng lên, không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều tỉnh thành khác. Do đó, nếu có thể, chúng tôi rất muốn mở rộng hoạt động đến nhiều nơi khác nữa.

Về mảng Giao lưu Văn hóa – Nghệ thuật, với Liên hoan Phim Nhật Bản là một liên hoan trình chiếu rất nhiều bộ phim Nhật, chúng tôi chỉ tập trung tổ chức ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, với quy mô nhỏ hơn, chúng tôi muốn hợp tác với các trường đại học tại các địa phương, mở rộng các buổi chiếu phim Nhật Bản đến với nhiều địa phương. Tương tự như vậy, chúng tôi cũng rất muốn đem các triển lãm đến với địa phương. Chúng tôi rất muốn tạo cơ hội để thưởng thức văn hóa Nhật Bản cho các địa phương vốn ít được tiếp cận với văn hóa – nghệ thuật Nhật Bản.

Các hoạt động Đào tạo Phương pháp giảng dạy tiếng Nhật trước giờ vẫn chỉ được tổ chức chủ yếu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Quy mô số người học tiếng Nhật ở Việt Nam ngày càng lớn, số lượng người học ở các địa phương cũng ngày càng gia tăng. Để người học có một nền giáo dục tiếng Nhật chất lượng, vai trò của người thầy là rất quan trọng. Do đó, chúng tôi rất muốn có thể tổ chức các khóa Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho các giáo viên Việt Nam ở thật nhiều nơi trên khắp cả nước.

Chúng tôi hy vọng rằng, năm 2020 này sẽ là một năm để chúng tôi suy nghĩ thật tích cực cho các kế hoạch triển khai hoạt động ở các địa phương.

Cảm ơn ông!

Hiền Lê (Thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×