Những bước chuyển mình của ngành Thư viện trong năm 2018
02/02/2019 | 10:47Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, trong năm vừa qua, ngành thư viện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo sự chuyển mình mạnh mẽ; đồng thời đóng góp tích cực vào thành công của toàn ngành văn hóa.
Trong dịp này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bà Vũ Dương Thúy Ngà.
Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà. (Ảnh: Minh Khánh)
PV: Trong năm 2018, ngành thư viện đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa Vụ trưởng?
Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Năm 2018 là một năm ngành thư viện triển khai nhiều hoạt động. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo cùng với sự nỗ lực và tâm huyết của toàn ngành, mạng lưới thư viện đã được củng cố, kiện toàn, ngành thư viện đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Thứ nhất, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và quản lý nhà nước, ngành thư viện thực sự phấn khởi khi Quốc hội đã đưa Dự án Luật Thư viện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 (Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 8/6/2018 của Quốc hội). Theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì Dự án Luật Thư viện. Toàn ngành thư viện đã tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện. Cùng với việc triển khai Dự án Luật Thư viện, nhiều văn bản quản lý nhà nước đã được ban hành, chỉ ra định hướng phát triển ngành thư viện và tháo gỡ những khó khăn. Để giúp cho công tác phục vụ ngoài thư viện đạt hiệu quả, Bộ trưởng đã ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BVHTTDL ngày 15/10/2018 quy định về hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu.
Thứ hai, với việc triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngành thư viện đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Mạng lưới thư viện ở Việt Nam tiếp tục được duy trì và củng cố với sự phát triển của thư viện cấp xã và phòng đọc sách cơ sở sau nhiều năm có dấu hiệu sụt giảm. Tính đến tháng 12 năm 2018, tổng số thư viện phòng đọc sách, tủ sách cơ sở là 21.084, trong đó có: 2.970 thư viện xã và 17.385 phòng đọc sách cơ sở. Trong năm 2018, hệ thống thư viện công cộng đã đạt được kết quả với những con số ấn tượng có thể kể đến như: tổng lượt bạn đọc đến thư viện đạt hơn 36 triệu lượt, tăng 17% so với năm 2017; tổng lượt sách báo phục vụ của thư viện đạt 58,3 triệu lượt. Với các hoạt động nêu trên, hệ thống thư viện công cộng đã góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và phục vụ cho người dân học tập suốt đời. Hệ thống các thư viện đại học và trường học cũng có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động để thu hút người sử dụng đến với thư viện nhiều hơn.
Thứ ba, với việc tham gia các hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức: Chung kết Hội thi cán bộ thư viện giỏi tại thành phố Cần Thơ và các hội nghị, hội thảo "Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số, thực trạng và giải pháp", "Phát triển thư viện điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0", "Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện Việt Nam trong thời kỳ mới", ngành thư viện đã để lại những dấu ấn tốt đẹp. Nhiều sáng kiến cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện đã được đề xuất, những kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc được chia sẻ, các mô hình tốt được phổ biến. Qua các hoạt động này, người làm công tác thư viện trong cả nước có được các định hướng, học hỏi thêm kinh nghiệm, được truyền thêm nhiệt huyết gắn bó với nghề và tiếp tục đổi mới trong tổ chức và cung cấp dịch vụ.
Thứ tư, trong triển khai chương trình phối hợp công tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ đội biên phòng các thư viện đã nhận được sự phối hợp của các ngành để từ đó, đưa sách báo tới phục vụ cộng đồng, trường học, đồn biên phòng, trại giam...ngày một sâu rộng và hiệu quả hơn.
Thứ năm, trong công tác vận động xã hội hóa, ngành thư viện cũng đã nhận được sự chung tay của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nhờ đó, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ lưu động, vốn tài liệu trong các thư viện đã được tăng cường. Số lượng các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, tủ sách dòng họ và thư viện cộng đồng do dân lập tại thôn, xã, tủ sách lớp học tiếp tục gia tăng.
PV: Vụ trưởng có thể cho biết về tiến độ triển khai Dự án Luật Thư viện?
Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Dự án Luật Thư viện đã và đang triển khai theo đúng tiến độ. Ngày 24/9/2018, Dự thảo Hồ sơ Dự án Luật Thư viện đã được gửi tới các cơ quan, tổ chức có liên quan (Công văn số 4304/BVHTTDL-TV) và đăng lên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (28/9/2018) để lấy ý kiến rộng rãi. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý từ các đơn vị thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thư viện các trường đại học, các cơ sở đào tạo nghề thư viện, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực thư viện, dự thảo Luật Thư viện và các văn bản liên quan đã được hoàn thiện. Ngày 21/12/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi hồ sơ Luật sang Bộ Tư pháp thẩm định và ngày 03/1 Bộ Tư pháp đã thành lập Hội đồng thẩm định. Hiện tại Bộ đang hoàn thiện dự thảo và Hồ sơ Luật Thư viện để trình Chính phủ.
PV: Theo Vụ trưởng, sự ra đời của Luật Thư viện sẽ tác động như thế nào đến hoạt động thư viện nói chung và việc phát triển văn hóa đọc nói riêng?
Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thư viện; nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thư viện, tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng, phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện trong bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa cơ bản và học tập suốt đời của công dân, nâng cao trình độ văn minh xã hội và nâng cao tố chất khoa học, văn hóa cho công dân, truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Với việc ban hành Luật Thư viện, hệ thống khung pháp lý mới sẽ được thiết lập đảm bảo tính đồng bộ, góp phần nâng cao năng lực của thư viện trong Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Đồng thời, với việc ban hành Luật Thư viện, văn hóa đọc sẽ có điều kiện phát triển toàn diện và bền vững hơn. Trong Luật có những quy định về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương, của các thư viện và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong phát triển thư viện và văn hóa đọc sẽ tạo ra những cơ sở quan trọng giúp cho các hoạt động phục vụ nhu cầu đọc và sử dụng thông tin của người dân được tốt hơn.
PV: Để phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2019 Vụ Thư viện có những định hướng gì thưa Vụ trưởng?
Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Để phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2019, Vụ Thư viện sẽ chủ động triển khai các nhiệm vụ đã được lãnh đạo Bộ giao như: hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Thư viện trình Chính phủ và trình Quốc hội, xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật ngành thư viện; chỉ đạo các thư viện trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức hoạt động, triển khai đồng bộ các biện pháp để triển khai các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ phục vụ cho người dân học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Cùng với các nhiệm vụ gắn với công tác tham mưu, xây dựng văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động thư viện, Vụ Thư viện cũng sẽ đẩy mạnh công tác vận động nhằm huy động thêm nguồn lực góp phần nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ công cho các thư viện đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!