Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhu cầu nguồn lực dành cho các lĩnh vực VHTTDL là rất lớn để triển khai được các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra

28/09/2023 | 17:24

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, nhu cầu nguồn lực dành cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là rất lớn để xúc tiến, triển khai được các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.

Sáng 28/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành về công tác giám sát việc thực hiện nhiệm vụ năm 2023, dự kiến kế hoạch công tác năm 2024 đối với các lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ chủ trì cuộc làm việc.

Nhu cầu nguồn lực dành cho các lĩnh vực VHTTDL là rất lớn để triển khai được các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc

Nhu cầu nguồn lực dành cho các lĩnh vực VHTTDL là rất lớn

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính cho biết, công tác phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước năm 2023 đối với các lĩnh vực văn hóa thông tin, thể dục thể thao, du lịch, phát thanh, truyền hình, thông tấn thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; việc điều hành, quản lý chi Ngân sách nhà nước chặt chẽ theo đúng dự toán được giao.

Dự toán Ngân sách trung ương cùng với chi ngân sách địa phương, chi thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước đặt hàng, tài trợ, nguồn lực dành cho lĩnh vực này cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện các Nghị quyết, chính sách, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Nhu cầu nguồn lực dành cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là rất lớn để xúc tiến, triển khai được các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Tuy vậy, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước khó khăn, đề nghị các đơn vị cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực xã hội cùng tham gia hỗ trợ phát triển các lĩnh vực.

Nhu cầu nguồn lực dành cho các lĩnh vực VHTTDL là rất lớn để triển khai được các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra - Ảnh 2.

Đại diện Bộ Tài chính báo cáo tại buổi làm việc

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở tổng hợp số liệu tại Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kết quả phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cho các ngành, lĩnh vực do Ủy ban phụ trách là 90,94% so với kế hoạch năm 2022.

Như vậy trong 3 năm 2021 -2023, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 các ngành, lĩnh vực do Ủy ban phụ trách đã phân bổ đạt 50,05% kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (45%); trong đó ngành giáo dục – đào tạo đạt 46,61%; ngành văn hóa đạt 58,22%, ngành thông tin đạt 72,02%, ngành phát thanh truyền hình thông tấn đạt 69,66%, ngành thể dục thể thao đạt 51,18%, ngành du lịch đạt 51,09%.

Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư năm 2023, đến ngày 31/8/2023, ước tỷ lệ giải ngân của các cơ quan trung ương do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách đạt 10,64% kế hoạch, thuộc nhóm các cơ quan giải ngân thấp so với cả nước (tỷ lệ giải ngân cả nước bình quân là 42,35%). Nguyên nhân do tình hình thế giới, khu vực phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức; công tác chuẩn bị dự án; năng lực trong triển khai thực hiện còn yếu; một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi… Kỳ vọng 3 tháng cuối năm tốc độ giải ngân sẽ tăng lên.

Về những bất cập, hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa coi trọng việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa – thể thao – thông tin, giáo dục và đào tạo do lựa chọn thực hiện các dự án trực tiếp phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, điều này làm cho số vốn và tỷ trọng vốn ngân sách nhà nước bố trí cho các công trình thuộc lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 này còn thấp, chưa đáp ứng định hướng đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội theo chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

Ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực VHTTDL

Qua thảo luận, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cao Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, cho rằng nội dung của các báo cáo được chuẩn bị cơ bản bám sát đề cương Ủy ban đề nghị; cung cấp nhiều số liệu, thông tin vừa tổng thể, vừa cụ thể về tình hình phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, Kế hoạch đầu tư công năm 2022 trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách; đồng thời thể hiện được nguồn chi đầu tư phát triển; vốn chi sự nghiệp cả Ngân sách trung ương và địa phương; tình hình phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước từng lĩnh vực cụ thể và dự toán năm 2024 các lĩnh vực.

Nhu cầu nguồn lực dành cho các lĩnh vực VHTTDL là rất lớn để triển khai được các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra - Ảnh 3.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu tại buổi làm việc

Trong bối cảnh tình hình trong nước chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố phức tạp của thế giới và những khó khăn nội tại, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã nỗ lực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách về tài chính và đầu tư phát triển làm cơ sở khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, trong đó có các lĩnh vực thuộc Ủy ban phụ trách.

Lần đầu tiên Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp được: tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 phân bổ theo ngành, linh vực thuộc Ủy ban phụ trách (cả nguồn Trung ương và địa phương); Tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 tại các bộ, ngành cơ quan Trung ương thuộc thuộc Ủy ban phụ trách.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ mong muốn trong thời gian tới, sự phối hợp giữa Ủy ban và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ngày càng chặt chẽ để cùng làm tốt các nhiệm vụ chung. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch, thông tin – truyền thông, giáo dục – đào tạo, thanh niên, trẻ em.

Bên cạnh đó, quan tâm hoàn thiện cơ chế tự chủ trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, gắn tự chủ với trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra giám sát; ban hành cơ chế, chính sách xã hội hóa phù hợp hơn để tăng cường huy động các nguồn lực cho các lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa, giáo dục, trẻ em./.


Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×