Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhiều thách thức trong việc thực thi Quyền tác giả và Quyền liên quan tại Việt Nam

28/12/2016 | 15:39

Thói quen xài chùa, dùng miễn phí nhiều năm qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực thi hệ thống pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan, cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển của công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, muốn thay đổi được điều này chúng ta phải thực hiện một “cuộc cách mạng truyền thông” trên phạm vi quốc gia nhằm từng bước xây dựng ý thức thực hiện quyền tác giả và quyền liên quan, để mọi người dân có trách nhiệm khi thụ hưởng những sản phẩm của sự sáng tạo.

Hệ thống pháp luật – Quản lý – Thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam

Như đã đề cập, trong nền kinh tế sáng tạo, tâm điểm của nó chính là công nghiệp sáng tạo - những ngành công nghiệp sử dụng văn hóa như là nguyên liệu đầu vào và có xu hướng thiên về văn hóa. Tại Việt  Nam, 12 ngành CNVH bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan. Trong đó, Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL là cơ quan giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan (QTG, QLQ).



Ông  Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả. Ảnh: Minh Khánh


Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Quyền tác giả, trong lĩnh vực QTG, QLQ, hệ thống pháp luật Việt Nam đã bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quan hệ pháp luật mới, theo xu hướng quốc tế gồm: Luật Bản quyền tác giả; tham gia các điều ước song phương và đa phương như: Hiệp định Việt Nam – Thụy Sĩ về bảo hộ SHTT và hợp tác SHTT (1999); Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (2000); Công ước Berne bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học; Công ước Rome bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng; Công ước Geneva bảo hộ nhà sản xuất bản ghi ấm chống lại việc sao chép trái phép bản ghi của họ; Công ước Brucxell bảo hộ các tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh; Hiệp định TRIPs của WTO)… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký kết, kết thúc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong đó, có nội dung cam kết về QTG, QLQ như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -  Hàn Quốc; Liên minh kinh tế Á – Âu: Việt Nam – Nga – Belarut – Kazakhstan – Armenia; Việt Nam – EU…

Hệ thống thực thi với nhiều biện pháp từ tự bảo vệ, dân sự đến xử phạt hành chính, hình sự… đã được hoàn thiện. “Về cơ bản, hệ thống pháp luật về QTG, QLQ của Việt Nam đã tương đối đầy đủ để thực thi trong nước cũng như đáp ứng hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy thực thi QTG, QLQ để thực hiện các điều ước quốc tế mà chúng ta là thành viên”, ông Hùng cho biết.

Tuy nhiên, hiện nay, kết quả thực thi QTG, QLQ tại Việt Nam vẫn chưa được như mong muốn, một phần cũng bởi “vi phạm bản quyền nhiều quá … hóa quen”…



Vi phạm bản quyền nhiều quá … hóa quen. Nguồn: sanbanquyen.vn


Nhiều thách thức trong việc thực thi QTG, QLQ


Theo ông Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, việc thực hiện công tác bản quyền tại Việt Nam có 04 ưu điểm lớn.

Thứ 1 là cơ chế bộ máy thực thi QTG, QLQ rõ ràng hơn, đang tiến dần đến chuyên nghiệp, và có những người tâm huyết. Thứ 2 là Cục Bản Quyền đã biết gắn kết xã hội hóa để thực hiện công tác bản quyền (thông qua sự kết hợp với các hiệp hội nghề nghiệp), xé nhỏ những vấn đề phức tạp để làm. Thứ 3 là nhiều lĩnh vực quản lý bản quyền có nhiều tiến bộ như: âm nhạc, sao chép, xuất bản, phát thanh…Tất nhiên, giữa thế giới và Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa, nhưng so với chính mình và một vài nước trong khu vực thì chúng ta đã tiến bộ hơn. Thứ 4 là qua thực tiễn chúng ta có nhiều bài học để làm tốt hơn, từ nhận thức đến hợp tác, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, niềm tin, cách làm…



Ông Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam phát biểu tại Hội thảo quốc tế vai trò của quyền tác giả đối với phát triển kinh tế và văn hóa.
 Ảnh: Gia Linh


Ông Lê Doãn Hợp cũng chỉ ra 04 tồn tại trong thực thi QTG, QLQ tại Việt Nam hiện nay. Thứ 1 những gì chúng ta đã làm được rất khiêm tốn, so với những gì phải làm. Khuyết điểm lớn nhất của chúng ta là những điều đã làm không tương xứng với những điều mình đã biết, đặc biệt trong môi trường mạng. Bản quyền tức là tôn trọng trí tuệ. Một đất nước không tôn trọng trí tuệ thì không thể phát triển.

Thứ 2 là những thiếu sót về bản quyền do truyền thống để lại, mà cải tạo truyền thống lại không dễ dàng. Vi phạm bản quyền đến mức trở thành bình thường, trở thành hồn nhiên, trừ Trung ương đến địa phương, từ cá nhân đến tập thể. Tuy nhiên, cải tạo thói quen là không dễ.

Thứ 3, những người làm bản quyền là những người tâm huyết nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức chuyên sâu về bản quyền, tính chuyên nghiệp không cao.

Thứ 4, luật lệ chưa theo kịp thực tiễn Việt Nam. Do đó, cần tiếp tục đề xuất để luật lệ đầy đủ hơn, cụ thể hơn.

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng vi phạm QTG, QLQ hiện nay là do công tác truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật QTG,QLQ vẫn còn nhiều khó khăn do: Hiểu biết của công chúng nói chung, người có quyền và nghĩa vụ nói riêng về QTG, QLQ chưa đầy đủ, thiếu hệ thống. Đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của không ít cơ quan, tổ chức và cá nhân vẫn còn thói quen sử dụng tài sản trí tuệ không trả tiền bản quyền. Một phần cũng bởi công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về QTG, QLQ vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình phổ cập trong công chúng. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng đầu tư cho lĩnh vực QTG,QLQ chưa tương xứng, chưa nhận được sự quan tâm của xã hội.

Đứng trên góc độ cơ quan quản lý nhà nước về bản quyền tác giả, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho rằng để giải quyết thực trạng công tác bảo vệ QTG hiện nay cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Đây cũng là lĩnh vực khá mới nên cần nâng cao nhận thức của ngay bản thân cán bộ các cơ quan nhà nước, sau đó mới phổ biến tới toàn xã hội.



Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên. Ảnh: Minh Khánh

Việc bảo vệ quyền tác giả, bảo vệ sở hữu trí tuệ… các nước trên thế giới đã đi trước chúng ta từ rất lâu. Trước tiên, chúng ta cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và sau đó là hoàn thiện hệ thống luật pháp.

Hiện nay chúng ta đang hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác giả. Luật Sở hữu trí tuệ đã có rồi nhưng để đi vào cuộc sống còn nhiều vấn đề trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Bản thân Luật Sở hữu trí tuệ cũng có những vấn đề chưa thật chuẩn, và sẽ tiếp tục được phát triển cho phù hợp.

Tuy nhiên, để thực hiện được công việc nêu trên cần phải có lộ trình và đặc biệt rất cần sự hỗ trợ từ phía quốc tế, như các chuyên gia  tư vấn về luật pháp, văn bản, chế tài và các phương tiện kỹ thuật…/.

Gia Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×