Nhiều nguồn lực cho công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế
04/01/2022 | 09:44Từ đầu năm 2022, một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ được áp dụng cho tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có nhiều chính sách quan trọng cho công tác bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di sản; làm cơ sở, nền tảng vững chắc để phát triển Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng văn hóa…
Theo Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội, sẽ tiến hành thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2022- 2026. Cụ thể, gồm 6 cơ chế với ba phân nhóm: Bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản; quản lý tài chính ngân sách; và sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất. Trong 6 cơ chế, chính sách đặc thù này, có 2 nội dung quan trọng liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Đó là, cho phép giữ lại toàn bộ phí thu tham quan di tích trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc đầu tư trùng tu di tích. Thứ hai, là thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Đây là quỹ cấp quốc gia, được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, cơ chế này sẽ giúp cho địa phương chủ động trong công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị di sản. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nguồn thu từ bán vé tham quan của Quần thể di tích Cố đô Huế đã đạt gần 400 tỉ đồng. Theo quy định, nguồn thu này sẽ phải nộp vào ngân sách thì theo cơ chế đặc thù hiện nay, được giữ lại 100% để phục vụ trùng tu di sản. “Cơ chế đặc thù với việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản có thể huy động rộng rãi hơn các nguồn lực từ ngân sách qua sự hỗ trợ của các địa phương, từ các cá nhân, tổ chức… cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế”, ông Phan Thanh Hải nói.
Trong giai đoạn 1996-2020, tổng nguồn vốn đầu tư cho bảo tồn di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế khoảng 1.900 tỉ đồng; giai đoạn 2021-2025 cũng được phê duyệt 1.000 tỉ đồng (theo kế hoạch). Dù được Trung ương và địa phương quan tâm, song nguồn kinh phí cho công tác trùng tu, bảo tồn di sản Huế vẫn chỉ mới đáp ứng một phần trong nhu cầu. Hiện còn rất nhiều công trình di tích quan trọng ở khu di sản Hoàng cung Huế, các lăng tẩm đang xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Ngoài ra, cùng với việc thực hiện đề án di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế, cũng cần nguồn kinh phí cho công tác trùng tu, bảo tồn hệ thống di tích Thượng Thành, hộ Thành Hào… Do đó, với các chính sách đặc thù dành cho Thừa Thiên Huế, sẽ giúp cho địa phương bổ sung nguồn lực, phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin rằng, hiện nay tỉnh đã vận hành nội dung của cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã thông qua. Riêng việc thành lập và vận hành Quỹ Bảo tồn di sản thì phải có Nghị định, hiện tỉnh đang phối hợp với các Bộ, ngành hoàn chỉnh dự thảo trình Chính phủ. “Những cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã thông qua, là công cụ hỗ trợ khuyến khích và thúc đẩy Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội. Bảo đảm hài hòa giữa việc trăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và bảo đảm nguồn thu ngân sách bền vững”, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Cũng theo Nghị quyết 38 của Quốc hội, Thừa Thiên Huế cũng được thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù ở nhóm quản lý tài chính, gồm: Mức dư nợ vay được đưa trần từ 20% lên 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi, tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022; ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thừa Thiên Huế không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn. Ngoài những cơ chế trên, Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất khi sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh.