Nhiều di sản thế giới của Việt Nam trở thành điểm tham quan, nghiên cứu không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước
29/01/2020 | 08:43Năm 2019 cũng là chặng đường 60 năm của Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTTDL trong hành trình văn hóa dân tộc. Để nhìn lại những kết quả cũng như dấu ấn quan trọng đã đạt được, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa.
Năm 2019 đã khép lại, Cục trưởng có thể cho biết những kết quả nổi bật trong năm mà Cục Di sản văn hóa đã đạt được?
- Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền: Cục Di sản văn hóa trong năm 2019 đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch công tác trên cả ba lĩnh vực bảo tàng, di tích và di sản văn hóa phi vật thể, qua đó góp phần đưa hoạt động này ngày càng đi vào chiều sâu.
Trong năm qua, bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn một số kết quả nổi bật như: Có 66 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", 570 cá nhân (phong tặng và truy tặng) danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" vì đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, trình Thủ tướng Chính phủ 07 hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 27 hồ sơ hiện vật và nhóm hiện vật đề nghị xếp hạng di tích quốc gia; trình Bộ trưởng quyết định xếp hạng 37 di tích quốc gia và đưa 30 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đáng chú ý, ngày 12/12/2019, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bên cạnh đó, Cục cũng tiếp tục hoàn chỉnh các hồ sơ "Nghệ thuật Xòe Thái", "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" trình UNESCO ghi danh. Hướng dẫn hoàn thành Hồ sơ Nghề làm tranh Đông Hồ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Theo Cục trưởng, di sản văn hóa đã có đóng góp như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay?
- Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền: Nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thế giới của Việt Nam trở thành điểm đến tham quan, nghiên cứu không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước. Theo số liệu thống kê, năm 2019 chỉ riêng 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 19 triệu lượt khách (trong đó có gần 9 triệu lượt khách quốc tế) tới tham quan, nghiên cứu các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của Việt Nam. Doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng gần 3.000 tỷ đồng; góp phần quan trọng vào phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; giải quyết công ăn, việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương tại nơi có di sản; đồng thời góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, truyền bá các giá trị văn hóa, tinh thần của Việt Nam ra thế giới thông qua con đường du lịch, giao lưu văn hóa và hợp tác.
Với cương vị Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, điều khiến bà băn khoăn nhất trong ngành là gì?
- Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền: Vấn đề tôi băn khoăn nhất chính là nhận thức của xã hội về di sản văn hóa chưa thật sự sâu sắc và toàn diện.
Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và giá trị di sản văn hóa còn chưa đầy đủ và tương xứng với vai trò và vị trí của di sản trong đời sống xã hội, chưa coi việc bảo tồn di sản văn hóa là mục tiêu và động lực phát triển bền vững kinh tế xã hội, chưa chú trọng ưu tiên cho việc bảo tồn, giữ gìn di sản.
Tình trạng ưu tiên xây dựng các công trình khai thác, mà ít tập trung ngân sách cho việc bảo tồn, tu bổ vẫn còn diễn ra ở một số di sản. Còn nhiều di tích bị sửa chữa sai quy cách...
Việc bố trí kinh phí cho các hoạt động chuyên môn kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể còn thấp. Một thách thức lớn nhất mà hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể đều phải đối diện, đó là: Giới trẻ hiện vẫn chưa cảm nhận hết giá trị của di sản do ảnh hưởng của các trào lưu giải trí mới nên thiếu say mê để theo học, thực hành.
Trong lĩnh vực bảo tàng, nhận thức về yêu cầu khoa học và quy trình xây dựng, tổ chức hoạt động của bảo tàng còn có những bất cập, việc trưng bày và sưu tầm hiện vật chưa được quan tâm thỏa đáng.
Năm 2019 cũng là năm Cục Di sản văn hóa kỷ niệm 60 năm. Nhìn lại chặng đường 60 năm, bà thấy di sản văn hóa đã để lại dấu ấn quan trọng nào?
- Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền: Nhìn lại chặng đường 60 năm của Cục Di sản văn hóa có thể thấy những dấu ấn quan trọng: Đã từng bước xây dựng để hình thành nên một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối hoàn chỉnh về di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, Cục đã nghiên cứu, xác định giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam để xếp hạng, công nhận ở các cấp.
Về di tích với trên 4 vạn di tích đã được kiểm kê, trong đó có 08 di tích và thắng cảnh được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 105 di tích quốc gia đặc biệt, 3.498 di tích quốc gia, gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố.
Với di sản văn hóa phi vật thể: có 61.669 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh/thành phố được kiểm kê, trong đó, có 301 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.
Đặc biệt, qua 07 đợt xét chọn, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận 164 hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia. Hệ thống bảo tàng cả nước gồm 168 bảo tàng, trong đó có 125 bảo tàng công lập và 43 bảo tàng ngoài công lập.
Chặng đường 60 năm đã qua, Di sản văn hóa thể hiện một phần vai trò của mình như là một nguồn lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, khi được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác phát triển du lịch, các di sản của Việt Nam đã trở thành những điểm đến hấp dẫn khách du lịch quốc tế, trong nước tới tham quan, tăng mạnh theo thời gian, đem lại nguồn thu lớn từ vé tham quan và dịch vụ du lịch.
Nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thế giới của Việt Nam trở thành điểm đến tham quan, nghiên cứu không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước.
Bước sang năm 2020, Cục Di sản văn hóa sẽ hướng trọng tâm đến những vấn đề gì nhằm giữ gìn, phát huy được giá trị của di sản trong bối cảnh đất nước phát triển, hội nhập?
- Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền: Năm 2020, bên cạnh nhiệm vụ về nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa, Cục Di sản văn hóa sẽ hướng vào các nội dung trọng tâm: Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, quản lý nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực vật thể, phi vật thể, bảo tàng, di sản tư liệu, góp phần giải quyết tốt, hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội, gắn với phát triển du lịch. Tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành di sản văn hóa.
Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tư liệu hóa và từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
- Cảm ơn những chia sẻ của Cục trưởng!