Nhật Bản thúc đẩy phát triển du lịch hướng tới tương lai: Việt Nam có thể học hỏi
04/07/2023 | 09:36Ngành khách sạn và du lịch của Nhật Bản đang phục hồi nhanh chóng sau khi mở cửa lại biên giới cho du khách nước ngoài và dỡ bỏ hạn chế sau Covid -19.
Theo trang Weforum.org, vào tháng 10/2022, Nhật Bản đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế của đại dịch Covid-19 và mở cửa đón du khách quốc tế. Đây là một cơn gió thuận chiều và số lượng du khách đến Nhật Bản trong cùng tháng đã nhanh chóng phục hồi lên 1.827.500 – con số tương đương 66% so với trước đại dịch vào tháng 3/2019 và cao gấp 27,5 lần so với tháng 3/2022.
Theo thống kê, số lượng lớn khách du lịch đến Nhật Bản trong tháng 3 từ Hàn Quốc ghi nhận 466.800 lượt – tương đương 79,7% so với tháng 3/2019; tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) với 278.900; Mỹ với 203.000 và Hong Kong (Trung Quốc) với 144.900 lượt.
Ông Takahide Kiuchi, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura dự báo "nhu cầu du lịch nội địa năm 2023" sẽ đạt 4.958 tỷ JPY (khoảng 36,7 tỷ USD), nhanh chóng vượt qua mức 4.813,5 tỷ JPY (khoảng 35,7 tỷ USD) nhu cầu nội địa năm 2019.
Tuy nhiên, trong khi du lịch Nhật Bản đang được hồi sinh, một phần nhờ đồng yên thấp kỷ lục khiến Nhật Bản trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch nước ngoài, thì quốc gia này đang phải đối mặt với thách thức lớn khi mức độ sẵn sàng đón khách du lịch không theo kịp nhu cầu lớn từ du khách.
Thiếu lao động trầm trọng trong ngành khách sạn
Ngành khách sạn và nhà hàng ở Nhật Bản đang rơi vào tình thế đặc biệt khó khăn. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 1 do Teikoku Databank công bố, tỷ lệ các công ty du lịch ở Nhật Bản ghi nhận tình trạng thiếu lao động lên tới 81,8% trong ngành khách sạn và nhà nghỉ; 80% đối với nhà hàng.
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, ngành khách sạn và nhà hàng đã buộc phải giảm lực lượng lao động và hạn chế tuyển dụng mới, đồng thời nhiều nhân viên đã chuyển sang công việc khác. Hiện tại không dễ dàng để đưa nhân viên trở lại công việc như xưa và đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.
Ngành công nghiệp du lịch Nhật Bản hiện đang cố gắng giải quyết tình trạng thiếu lao động bằng cách tiếp nhận lao động bên ngoài. Theo số liệu từ Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản năm 2021, ngành khách sạn và nhà hàng chiếm gần 40% tổng số công việc bán thời gian cho sinh viên nước ngoài. Tuy nhiên, lực lượng sinh viên nước ngoài làm việc bán thời gian cũng đã giảm mạnh kể từ sau đại dịch.
Thêm vào đó, sự mất giá của đồng yên diễn ra từ nửa cuối năm ngoái đã làm giảm đáng kể tiền lương cho người dân Nhật Bản so với các quốc gia khác. Dù đã vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 và bắt đầu con đường phục hồi kinh tế nhưng Nhật Bản không còn hấp dẫn với tư cách là quốc gia để lao động nhập cư đến và không còn khả năng thu hút lao động nước ngoài mạnh mẽ như xưa.
Trong nỗ lực giải quyết vấn đề trong lĩnh vực khách sạn, công nghệ kỹ thuật số đang được phát huy để tăng hiệu quả. JTB, một công ty du lịch lớn của Nhật Bản đã phát triển một nền tảng liên kết với các công cụ kỹ thuật số như máy ATM để tiết kiệm nhân công khi trả phòng và các hoạt động khác, đồng thời hiện đang cung cấp hệ thống này cho các khách sạn.
Hay Tokyu Hotels, công ty điều hành 45 khách sạn tại Nhật Bản, cũng đã giới thiệu dịch vụ khách sạn thông minh, cho phép nhận phòng tự động bằng cách sử dụng nhận dạng khuôn mặt và mã QR, tại 39 khách sạn trên toàn quốc.
Khắc phục du lịch quá tải
Du lịch quá tải từ lâu đã là một thách thức đối với ngành du lịch Nhật Bản. Người dân địa phương ở các khu vực du lịch trọng điểm đã phải chịu đựng các vấn đề như tình trạng đông đúc, tắc nghẽn giao thông, nhiều rác và tiếng ồn. Vì vậy, ngành du lịch Nhật Bản đã tính đến khả năng đa dạng hóa điểm đến và thời điểm khám phá, xem đây là chìa khóa để ngăn chặn tình trạng du lịch quá mức đồng thời cho phép ngành du lịch hồi sinh.
Theo khảo sát của Cơ quan Du lịch Nhật Bản, hầu hết mọi người đi du lịch vào các ngày lễ chiếm 70% và chỉ có 16,5% lượng du lịch diễn ra vào các ngày trong tuần. Do đó, chính phủ đang tăng số lượng phiếu giảm giá dành cho các chuyến đi trong tuần theo chương trình hỗ trợ du lịch trên toàn quốc.
Thêm vào đó, da dạng hóa các điểm đến du lịch là một vấn đề quan trọng khác. Trước đại dịch, tỷ lệ lấp đầy các cơ sở lưu trú tại Osaka, Kyoto và Fukuoka - nơi tập trung nhiều khách du lịch - đã tăng lên gần 80%, và những tác động tiêu cực của tình trạng du lịch quá tải đang được chỉ ra.
Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh khác, tỷ lệ lấp đầy các cơ sở lưu trú chưa đến 50%. Trong tương lai, điều quan trọng là phải khắc phục những khác biệt khu vực này bằng cách quảng bá các điểm đến đa dạng của Nhật Bản và tăng số lượng người đến thăm các điểm du lịch không quá đông.
Hướng tới tương lai mới cho du lịch Nhật Bản
"Chỉ số năng lực phát triển Du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2021: Tái thiết vì một Tương lai Bền vững và Khả năng phục hồi" đã xếp hạng Nhật Bản ở vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển do tốc độ phục hồi của ngành du lịch và lữ hành nhanh chóng kể từ sau đại dịch.
Trong bối cảnh này, chuyên gia Atsushi Takahashi của công ty JR East Japan Planning Inc đã khuyến khích cách suy nghĩ mới về làm du lịch đối với Nhật Bản.
"Từ lâu chúng tôi đã đưa ra quyết định dựa trên trực giác, kinh nghiệm và các giả định. Chúng tôi đã đưa ra quyết định trong một thời gian dài mà không xem xét dữ liệu", ông Atsushi Takahashi nói.
Do đó, ông Atsushi Takahashi cho rằng các sáng kiến dựa trên dữ liệu du lịch tại Nhật Bản là rất cần thiết để giải quyết các vấn đề mà ngành phải đối mặt ngày nay đồng thời cung cấp các hình thức dịch vụ du lịch hoàn toàn mới.
Ngoài ra, triển lãm Expo Osaka Kansai 2025 – sẽ được tổ chức trong 6 tháng và xoay quanh chủ đề "Thiết kế xã hội tương lai cho cuộc sống của chúng ta" – dự kiến sẽ thu hút 3,5 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm 2025. Theo ông Atsushi Takahashi, trong tương lai, chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục khắc phục các vấn đề mà ngành du lịch và khách sạn đang phải đối mặt đồng thời tạo ra các dịch vụ du lịch mang lại giá trị mới./.