Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam thu hút du khách Pháp trong mùa Giáng sinh 2023
26/12/2023 | 14:57Nhật báo Le Figaro cho biết mặc dù kinh tế khó khăn khiến ai cũng phải "thắt lưng buộc bụng", chi tiêu dè sẻn, nhưng người Pháp không muốn từ bỏ sở thích đi du lịch.
Do đó nhiều người Pháp vẫn ưu tiên lễ ăn mừng Giáng sinh dưới ánh nắng Mặt Trời ấm áp của Á Đông, trong đó ba thị trường Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu của họ.
Các tour châu Á bán chạy
Hạ cánh trên bãi biển ở Koh Yao Noi, hòn đảo thiên đường nhỏ của Thái Lan. Tận hưởng không khí ngọt ngào ở Lanzarote, Tây Ban Nha... Dù chỉ vài giờ bay, hay đi đến nơi tận cùng thế giới, hàng trăm nghìn người Pháp đã có chuyến du lịch nước ngoài, nhân dịp nghỉ lễ Giáng sinh 2023 và đón Năm mới 2024. Bỏ qua những tour du lịch đắt đỏ trong nước, nhiều người Pháp đã quyết định ra nước ngoài để thay đổi “khẩu vị”. Dù khó khăn về kinh tế, nhưng người Pháp vẫn không muốn từ bỏ thói quen đi du lịch hoặc vui chơi giải trí trong kỳ nghỉ cuối năm. Tuy nhiên việc lựa chọn tour, tuyến được cân nhắc kỹ hơn.
Chủ tịch Hiệp hội các Công ty Du lịch, Valérie Boned, cho biết: "Do số lượng khách hàng tăng hơn so với năm ngoái, chúng tôi đã trở lại mức khởi đầu trước dịch COVID-19. Mặc dù giá cả tăng cao, người Pháp vẫn muốn tìm nơi khác để thay đổi không khí". Theo kết quả khảo sát dư luận được nền tảng công nghệ Orchestra thực hiện, chỉ số kinh doanh của các công ty du lịch đang tăng hai con số nhờ tăng giá: tăng 13% cho các điểm đến có đường bay trung bình, và tăng 35 % với các điểm bay đường dài. Nhu cầu tăng đã khiến một số chuyên gia phải ngạc nhiên. Các điểm đến ở xa - đắt nhất - lại được tìm kiếm nhiều nhất, với số lượng khách đi đường dài tăng tới 33%). Ở các tuyến tầm trung, kết quả không được như mong muốn (giảm 5%). Nhờ sự phụ hồi mạnh mẽ của du lịch châu Á, các chuyến bay đã trở lại nhịp độ bình thường như trước dịch COVID-19.
Sự trỗi dậy của châu Á, lạm phát và căng thẳng địa chính trị ở châu Âu và Trung Đông, đã dẫn đến việc thay đổi bản đồ du lịch của người Pháp.
Năm ngoái sự phục hồi của thị trường du lịch châu Á còn rất chậm, nhưng năm nay đang có sự trở lại mạnh mẽ. Ông Guillaume Linton, Tổng Giám đốc Asia, công ty điều hành tour du lịch hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương, nhớ lại: “Mùa đông năm ngoái, Nhật Bản hầu như không mở cửa trở lại. Thái Lan mặc dù làm tốt, nhưng cũng chỉ lấy lại được 70% lượng người du lịch đến trước COVID-19”. Năm nay, ngành du lịch của Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam đã phục hồi với kim ngạch cao hơn năm 2019. “Vào thời điểm Trung Đông đang trải qua những căng thẳng địa chính trị, châu Á trở thành điểm đến để an toàn”, ông Guillaume Linton nhận xét. Do đó mặc dù mức giá đã tăng từ 25% đến 30%, tùy thuộc vào điểm đến, lượng khách đăng ký vẫn cao. Ví dụ một tour du lịch Thái Lan 10 ngày 7 đêm của công ty Asia giá 2.100 euro (2.318 USD)/người, gói chỉ bao gồm vé máy bay, chỗ ở và đưa đón sân bay. Mức này sẽ giảm 30% từ ngày 15/1, nhưng lúc đó thì trẻ em lại không còn được nghỉ lễ nên lượng khách cũng giảm hơn... Hiện nay, giá vé máy bay vẫn cao là do các hãng hàng không vẫn đang chờ khách Trung Quốc quay trở lại, để lấy lại phong độ trước đại dịch.
“Đối tượng khách hàng đi nghỉ đông ở những vùng nắng ấm xa xôi thường thuộc giới trung lưu ở Pháp, những người có sức mua cao nhất vì đó là đối tượng ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát nhất”, Giám đốc văn phòng chuyên về du lịch Protourisme, Didier Arino, khẳng định. Các khách này có thể mua vé máy bay với giá hơn 1.000 euro/người. Và thậm chí kéo dài thời gian lưu trú cho đáng với đồng tiền bỏ ra. Do đó, các tour châu Á bán chạy trong mùa đông này, thường có thời gian lưu trú trung bình là 12 đêm, so với 9 đêm trước COVID-19.
Căng thẳng địa chính trị khiến nhiều điểm đến mất khách
Tương tự như vậy, ông Gilbert Cisneros, Giám đốc điều hành của Exottismes, một công ty du lịch chuyên có các tour đến các hòn đảo (Antilles thuộc Pháp, Cộng hòa Dominica, Reunion, Mauritius, Maldives, Seychelles...), giành được những khách hàng mong muốn phát huy giá trị đồng tiền của họ.
Ông cho biết: “Lượng khách đến với chúng tôi đã tăng 8% so với năm ngoái và doanh thu tăng 12%, một kỷ lục mới”. Nhưng do lạm phát, “điểm đến bằng đồng euro” được săn đón nhiều hơn “điểm đến bằng đồng đô la”, bởi vì chúng rẻ hơn đối với người Pháp. Đa số khách thích đến Martinique, Guadeloupe, Reunion và Mauritius, khiến các tour đi Maldives và Cộng hòa Dominica "ế ẩm".
Ông Didier Arino cho biết thêm: “Các hãng hàng không đã hạ một số mức giá nhất định, đặc biệt là các chuyến đến Antilles, khiến lượng khách đặt mua các tour này tăng lên rõ rệt trong kỳ nghỉ cuối năm”. Kết quả là lượng đặt chỗ đến quần đảo Antilles thuộc Pháp đã tăng 6% về lưu lượng và 15% về doanh thu. Nhìn chung, theo Liên minh các nhà điều hành du lịch Pháp (Seto), các chuyến khởi hành đến Caribe đang bị quá tải trong mùa đông này, trong khi Cộng hòa Dominica phải giảm các chuyến bay của Air France và Corsair.
Các điểm đến khác như châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông đã bị gián đoạn. Do lạm phát nên người dân thích đi du lịch trong nước Pháp hơn và các vùng núi vẫn là điểm nghỉ dưỡng ưa thích của người Pháp vào mùa đông.
Xung đột Israel-Palestine khiến nhiều điểm đến quan trọng đã bị xóa khỏi bản đồ, mặc dù chúng không nằm trong danh sách đỏ của Bộ Ngoại giao. Chủ tịch Seto, René-Marc Chikli, cho biết: “Tour du lịch Ai Cập đã sụt giảm ở mức kỷ lục. Nhiều người đặt chỗ trước đã hủy chuyến. Trong khi mấy tuần qua, hầu như không có đơn đặt hàng nào cho điểm đến này”.
Còn Lidl Voyages như bị dội gáo nước lạnh khi các điểm đến mà nhà phân phối này thường bán nhiều nhất vào mùa đông và dễ tiếp cận nhất trên thị trường, đang rơi tự do: giảm 42% đối với các điểm đến ở Tunisia, giảm 50% với Ai Cập và giảm 63% với Morocco. Bà Mélanie Lemarchand, quản lý Lidl Voyages thừa nhận: “Trong các tuyến tầm trung, chúng tôi chỉ bán được gói du lịch Tây Ban Nha và Canaries. Bù lại các tuyến du lịch đường dài như Tây Ấn, Thái Lan, Mauritius, lại đang hoạt động tốt, nhưng cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu của Lidl Voyages”.
Theo TTXVN