Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhận diện, bảo tồn bản sắc văn hóa sông nước ÐBSCL

11/05/2023 | 15:41

“Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa sông nước ÐSBCL trong bối cảnh mới” là chủ đề hội thảo khoa học do Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Ðại học Cần Thơ, vừa tổ chức.

Với mạng lưới sông rạch chằng chịch, trải qua hàng trăm năm môi trường sông nước đã hình thành cho vùng đất này bản sắc văn hóa riêng. Trong bối cảnh hiện đại, với những tác động của thiên nhiên và con người, việc bảo tồn bản sắc văn hóa ấy đặt ra nhiều thách thức.

Nhận diện, bảo tồn bản sắc văn hóa sông nước ÐBSCL - Ảnh 1.

Người dân Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) nuôi cá lồng bè trên sông Hậu kết hợp làm du lịch.

Nhận diện văn hóa sông nước ÐBSCL

Ngoài 2 sông lớn nhất là sông Tiền và sông Hậu cùng các chi lưu, ÐBSCL còn có nhiều sông lớn khác như Mỹ Thanh, Gành Hào, Cái Lớn, Cái Bé, Ông Ðốc, Bảy Háp... với chiều dài khoảng 26.550km. Ngoài ra, vùng đất này còn sở hữu hệ thống kênh đào dày đặc, điển hình là Vĩnh Tế, Rạch Giá - Long Xuyên, Cái Sắn, Xà No, Chắc Băng, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Chợ Gạo... Nghiên cứu vấn đề “Mối quan hệ giữa con người với môi trường sông nước ở ÐBSCL”, TS Nguyễn Trọng Nhân (Khoa KHXH&NV, Trường Ðại học Cần Thơ) cho rằng: Môi trường sông nước có tác động đến nhiều mặt của đời sống cư dân nơi đây. Ðó là tính cách cởi mở, hào sảng, phóng khoáng. Môi trường sông nước cũng cung cấp cho cư dân nguồn thực phẩm dồi dào từ cá tôm đến rau củ, từ đó hình thành nên tri thức đánh bắt cá, đặc trưng ẩm thực sông nước. Cư dân ÐBSCL nổi bật trong chuyện đi lại trên sông nước với đa dạng các loại phương tiện, phù hợp với từng địa hình sông nước. Có không ít hoạt động vui chơi giải trí của người dân ở ÐBSCL lấy môi trường sông nước làm nền tảng như lễ hội đua ghe ngo, hò chèo ghe...

TS Tạ Ðức Tú (Khoa KHXH&NV, Trường Ðại học Cần Thơ) khái quát rằng, có thể nói tính cách sông nước là một đặc tính độc đáo của người miền Tây Nam Bộ, được sản sinh từ môi trường sống đặc trưng. Thiên nhiên nhiều ưu đãi nhưng cũng là thách thức không nhỏ. Qua thời gian, cư dân ÐBSCL đã thích nghi, hiểu sông, ngóng nước, khai thác nguồn lợi tự nhiên từ sông nước. “Chẳng hạn như đóng đáy, đặt vó ở những khoảng sông rộng; đặt nò ở những con rạch cạn hơn. Vô những con mương liếp thì giăng lưới, cắm câu, hay mò đều có cá...”, TS Tạ Ðức Tú miêu tả. Cũng theo TS Tạ Ðức Tú, từ sự phong phú của cá tôm vùng sông nước, cư dân đã sáng tạo nên những món ăn đặc sắc, ngoài làm nguyên liệu tươi sống để chế biến, nhiều món ăn đặc trưng sông nước ra đời như mắm, khô...

Ở khía cạnh tín ngưỡng dân gian, ông Nguyễn Thanh Lợi (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh) qua nghiên cứu thực tiễn đã đánh giá rằng, các miếu thờ, đình thần ở Tây Nam Bộ ngày xưa hầu hết đều quay ra hướng sông rạch. Người miền sông nước thì hay có tập quán thờ Bà Cậu, Bà Thủy Long, Ðại Càn; hay những loài vật linh thiêng gắn với sông nước như Rái Cá, Cá Sấu, Cá Ông... Tác giả nghiên cứu cũng trình bày sâu về nghi thức, lễ hội, tục lệ liên quan đến sông nước. Ðó là tục cúng Việc lề, nghi thức thả bè chuối dưới sông; lễ cúng miếu, đình, nhà vuông nghi thức Tống ôn...

Ở khía cạnh lời ăn tiếng nói của người ÐBSCL, ThS Trần Minh Thương (Trường THPT Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) khẳng định: Trong số các từ liên quan đến địa điểm, nơi ở miệt Hậu Giang thì những từ chỉ địa hình gắn liền với sông nước chiếm tỷ lệ lớn và tần số xuất hiện nhiều hơn cả, đó là vàm, xẻo, sông, cồn, kênh, rạch, tắc, bàu... hay các địa danh: Ngã Tư, Ngã Năm, Ngã Sáu, Ngã Bảy, Nước Mặn, Nước Ngọt, Nước Trong, Nước Ðục... đã quen thuộc như hơi thở, như “cơm ăn áo bận” của người bình dân xứ này.

Bảo tồn bền vững gắn phát triển du lịch

Có thể nói, chợ nổi và hệ thống cồn nổi là hai giá trị văn hóa sông nước dễ nhận diện và mang tính biểu trưng cao nhất ở ÐBSCL. Ðây cũng là hai loại hình văn hóa sông nước được sử dụng như tài nguyên trong khai thác, phát triển du lịch, làm nên sản phẩm riêng có. Vấn đề là làm sao để vừa bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa một cách bền vững trong tiến trình đô thị hóa, phát triển du lịch.

Nhận diện, bảo tồn bản sắc văn hóa sông nước ÐBSCL - Ảnh 2.

Dấu ấn sông nước rất rõ trong chuyện di chuyển bằng ghe, xuồng, vỏ lãi của người ÐBSCL

Nghiên cứu về vấn đề này, qua trường hợp cụ thể là Chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ), tác giả Ðào Vũ Hương Giang, nghiên cứu viên Khoa KHXH&NV, Trường Ðại học Cần Thơ), cho rằng: Chợ nổi Cái Răng chịu nhiều tác động, dẫn đến bị thu hẹp và số lượng tàu ghe buôn bán cũng ngày càng ít. Có nhiều nguyên nhân về nhu cầu buôn bán hàng hóa, quá trình đô thị hóa, thiếu sản phẩm du lịch thu hút... Trong đó, tác giả nhấn mạnh về yếu tố lợi ích kinh tế từ phát triển du lịch tại Chợ nổi Cái Răng hiện tại vẫn chưa được chia sẻ đồng đều. Nghiên cứu cho thấy, mặc dù có lượng du khách đông nhưng du lịch lại không mang lại nhiều doanh thu cho thương hồ hay địa phương, mà chi trả chủ yếu cho các dịch vụ của công ty du lịch. Ngoài ra, hiện chưa có các văn bản về quản lý loại hình chợ đặc thù này khiến kinh phí đầu tư, tôn tạo và phát triển còn gặp nhiều khó khăn.

Nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững ở cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), ThS Nguyễn Thị Huỳnh Phượng (Khoa KHXH&NV, Trường Ðại học Cần Thơ), đã đề ra các giải pháp về phát triển kinh tế du lịch bền vững. Trong đó, tác giả nhấn mạnh vai trò việc hợp tác, liên kết giữa các điểm du lịch địa phương với các điểm du lịch khác để hình thành hệ thống tuyến du lịch, góp phần hình thành sản phẩm du lịch. Việc hướng dẫn, đào tạo kỹ năng làm du lịch như chế biến thực phẩm, giao tiếp, tạo dựng môi trường sinh thái... cho người dân cũng rất cần thiết. Từ đó, cù lao Tân Lộc sẽ được kiến tạo không gian văn hóa miệt vườn sông nước đặc trưng. Trong quảng bá, thuyết minh du lịch, cần thiết đưa hàm lượng văn hóa, nhất là văn hóa sông nước để khách tham quan hiểu và trải nghiệm.

ThS Thiều Quang Thịnh (Trường THPT Long Thới, TP Hồ Chí Minh), cho rằng bảo tồn văn hóa sông nước trước hết cần bảo đảm an ninh nguồn nước. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các yếu tố chủ quan từ con người đang tác động tiêu cực đến nguồn nước ÐBSCL. Vì vậy, rất cần những giải pháp mang tính chiến lược, vĩ mô về vấn đề này. Nhấn mạnh việc phát triển du lịch gắn kết với văn hóa sông nước là vấn đề mang tính khoa học, thực tiễn cao, phù hợp với chủ trương chiến lược phát triển lâu dài, bền vững của vùng, tác giả nghiên cứu đưa ra giải pháp về phát huy các giá trị văn hóa sông nước trong việc phát triển du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; quy hoạch du lịch vùng, địa phương, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông đường sông; xây dựng các sản phẩm du lịch, hình thành nên thương hiệu du lịch gắn với đặc trưng văn hóa, sắc thái sông nước của từng địa phương...

Ðề xuất xây dựng bảo tàng văn hóa sông nước

Ðó là đề xuất được PGS.TS Ðào Ngọc Cảnh, chủ nhiệm đề tài khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa sông nước ÐSBCL trong bối cảnh mới”, trình bày tại hội thảo này. Theo ông, văn hóa sông nước ÐBSCL xứng đáng có một bảo tàng. Rất nhiều những giá trị văn hóa sông nước liên quan đến thiên nhiên sông nước vùng hạ lưu sông Mekong, một con sông hùng vĩ trên thế giới và đứng đầu ở Ðông Nam Á. Cùng với đó là những giá trị của văn hóa sông nước như các loại ghe thuyền, các sinh kế gắn với sông nước, lễ hội, tín ngưỡng dân gian, ẩm thực miền sông nước... Bảo tàng văn hóa sông nước sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Từ đây mở ra nhu cầu của du khách được đến những địa bàn du lịch cụ thể ở ÐBSCL.


Theo Báo Cần Thơ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×