Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhạc sĩ Văn Cao và "bản hùng ca bất tử"

18/07/2016 | 12:33

Vượt qua thời gian và những qui định mang tính giới hạn của hoạt động sáng tác, lưu giữ và phổ biến tác phẩm nghệ thuật, ca khúc “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao đã trở thành một "báu vật tinh thần” đặc biệt của toàn dân tộc Việt Nam.

Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, ông sinh ngày 15/11/1923 ở Hải Phòng. Ông là một trong những nhạc sĩ thuộc lớp tiền bối của nền tân nhạc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn gắn liền với dòng chảy lịch sử của đất nước.

Cố nhạc sĩ Văn Cao. (Nguồn: youtube.com.vn)
Văn Cao bước vào con đường nghệ thuật khá sớm. Đầu tiên ông xuất hiện ở làng văn nghệ bằng những vở kịch và truyện ngắn, sau đó chuyển sang thơ và nhạc. Ngay từ trước Cách mạng, Văn Cao đã là một nhạc sĩ tài danh với những ca khúc trữ tình nổi tiếng. Bài hát đầu tay của ông viết năm 1939 tại Hải Phòng là “Buồn tàn thu”, tiếp sau đó là những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng với những ca từ đạt đến độ hoàn mỹ: “Thiên thai”, “Suối Mơ”, “Trương Chi”, “Bến xuân”, “Cung đàn xưa”, “Đàn chim Việt”...

Nghệ thuật trong tác phẩm của ông đã mang lại cho người nghe, người xem một lối cảm thụ hoàn toàn mới. Trong số đó có nhiều tác phẩm đã trở thành di sản âm nhạc quý báu của nước nhà, đặc biệt là tác phẩm “Tiến quân ca”.

Nhạc sĩ Văn Cao qua nét ký họa của Hùng Văn và bút tích chép tay câu chuyện về bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ.
(Nguồn: baohatinh.vn)

Ca khúc “Tiến quân ca” được viết vào năm 1944, tại căn gác số 171 phố Mông Grăng (nay là nhà 45 phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội). Đây là một hành khúc mang đầy tính dự báo và gây được nhiều ảnh hưởng tích cực cho phong trào cách mạng. Quả thực, “Tiến quân ca” đã trở thành hồn dân tộc, hồn đất nước, làm xốc dậy tinh thần của những quân du kích, những binh đoàn, những quân đoàn và tất cả người dân Việt Nam.

Toàn bài chia làm nhiều đoạn, bằng nhiều tốc độ khác nhau. Có thể nói rằng, khi sáng tác ca khúc này, tác giả muốn vươn lên khỏi những hình thức của thể loại ca khúc bình thường. Giai điệu đẹp, ca từ mang nhiều chất thơ. Sự nối tiếp trong cấu trúc các đoạn hợp lý khiến cho trường ca có sức hấp dẫn đặc biệt.

Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/8/1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát Lớn, bài Tiến quân ca đã được cất lên. Ngày 2/9/1945, Tiến quân ca chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi Ban nhạc Giải phóng quân do Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn Tiến quân ca làm quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: “Quốc ca là bài Tiến quân ca”.

Ngày 15/7, gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng ca khúc “Tiến quân ca” cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Được minh chứng bởi những cột mốc lịch sử khó quên và ghi nhận như những dòng phóng sự không phai bằng âm nhạc cũng như những giai điệu ca từ thật rành rọt và rất thực từ bức tranh của lịch sử, nhạc sĩ Văn Cao đã khắc họa và viết nên ca khúc với cả tâm huyết, tấm lòng và trái tim ông. Bài hát của ông đã vang lên ở tất cả các sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Tầng tầng, lớp lớp người Việt Nam, già trẻ, gái trai, trong và ngoài nước đều hát ca khúc này như một biểu tượng linh thiêng về Tổ quốc.

Văn Cao viết nhạc bằng sự thanh thoát của tâm hồn, bằng tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đồng loại, không toan tính. Vậy nên âm nhạc của ông khi ta thật sự lắng nghe sẽ như một dòng suối mát trong, thánh thiện với cái đẹp rất tự nhiên. Bài hát “Tiến quân ca” của Văn Cao ra đời đã làm ánh bình minh của nước ta thêm rạng rỡ.










Một số hình ảnh tại buổi lễ tiếp nhận bài “Tiến quân ca” và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao.

“Tiến quân ca” cho đến nay đã hơn 70 tuổi và 21 năm nhạc sĩ Văn Cao mãi mãi đi xa. Tuy nhiên những ký ức về Văn Cao cùng bản hùng ca bất tử này vẫn còn sống mãi với non sông Việt Nam.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã rất tự hào: “Có thể khẳng định, Quốc ca đã trở thành một phần giá trị tinh thần song hành cùng lịch sử dân tộc. Quốc ca là quốc hồn, quốc túy, là tinh thần dân tộc được kết tinh qua giai điệu, lời ca. Âm nhạc ấy, được bao thế hệ người dân Việt Nam hát vang đầy tự hào, đặc biệt là chiến sĩ đồng bào đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, từng hát, từng nâng niu trân trọng như một vật báu của dân tộc”.

Lễ tiếp nhận ca khúc “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao được tổ chức cùng với việc truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, của toàn thể nhân dân Việt Nam đối với người nhạc sĩ tài hoa đã cống hiến tất cả sức lực, tâm huyết, tài năng cho Tổ quốc và nhân dân.

Một bài học lịch sử bằng âm nhạc luôn là phương tiện dễ ghi nhận cho bất kỳ ai và đặc biệt với những thế hệ trẻ hôm nay. Ca khúc “Tiến quân ca” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác đã và sẽ mãi mãi ngân vang trong mọi trái tim người Việt Nam như một lời thề linh thiêng với non sông, Tổ quốc./.

Trịnh Thủy (tổng hợp)











Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×