Nhạc sĩ Đức Trịnh: Cần có đề án đặc thù cho tài năng âm nhạc để đưa lĩnh vực này thành thương hiệu quốc gia
27/04/2022 | 09:40Nhiều năm qua các nghệ sĩ lĩnh vực âm nhạc gặt hái được nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế làm nức lòng công chúng. Để âm nhạc trở thành thương hiệu quốc gia là niềm mong mỏi của nhiều người. Nhân dịp bàn về việc Đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia nói chung và âm nhạc trở thành thương hiệu quốc gia nói riêng chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
PV: Thưa nhạc sĩ Đức Trịnh, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, một trong những nội dung được đặt ra tại Hội nghị là nỗi trăn trở "đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia". Là chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam ông có suy nghĩ gì về việc "Đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia" nói chung và đưa "Âm nhạc trở thành thương hiệu quốc gia" nói riêng?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Vấn đề nâng cao chất lượng âm nhạc được Hội rất quan tâm, tâm huyết. Nhưng Hội không phải cơ quan quản lý nhà nước nên không có điều kiện để làm được thương hiệu quốc gia.
Tôi cho rằng để văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia nói chung và âm nhạc trở thành thương hiệu quốc gia nói riêng thì phải có một đề án chi tiết, phù hợp với thực tế và đạt hiệu quả.
PV: Nếu được gợi ý cho việc "Đưa âm nhạc trở thành thương hiệu quốc gia" thì nhạc sĩ Đức Trịnh sẽ nói điều gì?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Theo tôi, hiện nay có 3 dòng chảy âm nhạc, đó là: Âm nhạc cổ truyền, truyền thống, cái mà chúng ta phải gìn giữ, phát triển ; Âm nhạc cổ điển, bác học có thể hòa nhập với thế giới và Âm nhạc thịnh hành hay còn gọi là giải trí là bất kể ai thích làm miễn là có nhu cầu.
Tôi được biết, một số nước họ có chiến lược phát triển của 3 dòng nhạc kể trên riêng. Trong đó âm nhạc thị trường có thể tương đối tạm yên tâm để nghệ sĩ sống, bươn chải. Nhưng âm nhạc dân tộc và âm nhạc bác học phải có chính sách đặc thù để phát hiện, nuôi dưỡng và phát triển. Nhiều nước lớn trên thế giới họ cũng phải nuôi âm nhạc truyền thống dân tộc và âm nhạc bác học.
Mỗi loại hình nghệ thuật có đặc thù riêng. Có những loại hình nghệ thuật khác có sự phát triển độc lập hơn. Chẳng hạn với họa sĩ, tác phẩm sáng tác xong đến thẳng công chúng hội họa và hội nhập thế giới rất tốt. Còn với âm nhạc, sau khi sáng tác xong thì còn cần nhiều khâu kết hợp với nhau như người biểu diễn, thu âm, thu hình….
Không phải ai làm nghệ thuật cũng là đỉnh cao. Nó như cái tháp, có những người chỉ ở nền, ở chân tháp, càng lên cao càng ít và những người như thế phải được đầu tư. Nhất là nếu muốn nghệ thuật đó trở thành thương hiệu quốc gia, hòa nhập với thế giới phải có chính sách riêng, bài bản. Chúng ta cần mời người uy tín âm nhạc viết đề cương, đề án phát triển bộ môn đó như thế nào.
PV: Việc đưa âm nhạc trở thành thương hiệu quốc gia hiện nay bên cạnh một số khó khăn thì theo quan sát của nhạc sĩ, chúng ta có những thuận lợi gì?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Năm vừa rồi chúng ta có Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Từ Hội nghị này chúng ta có Nghị quyết, có phương hướng, có chỉ đạo đường lối phát triển văn hóa chung của Đảng. Và sau đó chúng ta có những người tham mưu và thực hiện những đề xuất để phát triển văn hóa.
Thuận lợi nữa phải kể đến đó là người Việt Nam chỉ số năng khiếu âm nhạc khá cao. Tôi lấy ví dụ một trường hợp là học trò của Đặng Thái Sơn dù được sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có truyền thống âm nhạc nhưng vẫn đạt giải quốc tế. Như vậy sự đam mê và năng khiếu âm nhạc của người học trò này cũng rất đáng nể. Bên cạnh đó, hiện nay lớp học trò được học nhạc rất tốt.
Tôi chia sẻ thêm một câu chuyện, ngày trước tôi dạy có một sinh viên với rất nhiều tố chất sáng tác, nhạc khí rất giỏi. Khi cô học năm thứ 3 tôi đã tiếp một đoàn ở nhạc viện Nga, lúc đó anh Lân Tuất làm chủ nhiệm khoa sáng tác sang đây nghe tác phẩm của cô ý đã hơi hoảng hốt và nói rằng, đối với sinh viên ở Nga tốt nghiệp đại học không thể bằng cô sinh viên năm thứ 3 này. Nói như thế để thấy chúng ta có không ít những tài năng, năng khiếu âm nhạc. Vấn đề là nuôi dưỡng và phát triển tài năng đó như thế nào. Có lẽ cần phải có chiến lược, có đề án đặc thù dành cho những tài năng này.
PV: Vậy các cuộc thi, các giải thưởng trong nước và quốc tế có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển âm nhạc và đưa lĩnh vực này trở thành thương hiệu quốc gia thưa nhạc sĩ?
Nhạc si Đức Trịnh: Tôi còn nhớ có một giai đoạn, Bộ Văn hóa – Thông tin (thời điểm đó là Bộ Văn hóa – Thông tin) kết hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn và Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã làm rất rầm rộ một cuộc sáng tác cho thế kỷ XXI. Cuộc này quy tụ các nhạc sĩ như một đoàn quân sáng tác, đã có nhiều tác phẩm đình đám ra đời, kể cả nhạc khí, giao hưởng với các tác phẩm của nhạc sĩ Trọng Bằng, giáo sư Chu Minh, Doãn Nho… Nhạc kịch cũng bắt đầu trào lưu từ đó.
Các giải thưởng âm nhạc danh giá trong và ngoài nước cũng là một "kênh" để phát hiện các tài năng âm nhạc, từ đó chúng ta lựa chọn và có chính sách khuyến khích phát triển phù hợp.
Tôi còn biết, hiện nay có nhiều game show âm nhạc, nhưng tôi thấy game show "1 không 2 - The Only" đầu tư vào âm nhạc tương đối tốt theo format của nước ngoài. Theo đó một bản nhạc khi thí sinh vào thi không phải ngẫu hứng, mà phải bắt thăm, chọn tác phẩm và một bài có 3 người hát khác nhau, 3 tông khác nhau. Mỗi ca khúc được trình diễn dự thi sẽ với 3 phiên bản hòa âm phối khí và được thể hiện bằng những giọng ca từng là quán quân, á quân các cuộc thi âm nhạc trước đó. Đây là chương trình có đầu tư cho âm nhạc, phối nghiêm chỉnh của ban nhạc cây đa cây đề… đấy cũng là một cách làm rất hay để tìm đến cái gì hay nhất cho tác phẩm.
Nhưng tôi cho rằng những cuộc thi như vậy vẫn chỉ là nhen nhúm. Giống như các tài năng như những dòng sông tự chảy, cuối cùng cũng ra biển, nhưng nó khó khăn hơn. Nên tôi cho rằng nếu có thể đầu tư nói riêng cho âm nhạc (và nói chung về nghệ thuật), cũng phải chia ra 3 trào lưu phát triển của âm nhạc như kể trên thì hợp lý và đem lại hiệu quả hơn.
PV: Hiện nay âm nhạc thịnh hành lại có vẻ lấn lướt và đông đảo công chúng biết đến nhiều hơn, liệu điều đó có ảnh hưởng đến việc đưa âm nhạc trở thành thương hiệu quốc gia không thưa ông?
Nhạc sĩ Đức Trịnh: Âm nhạc thịnh hành là theo thị hiếu công chúng. Có thể nó có cái rất hay nhưng có những cái cũng "rất vớ vẩn", vì cũng khó tránh được. Hiện nay, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ để nuôi dưỡng các dòng âm nhạc khó sống, họ phải làm cái khác để sống, có thể là nhạc thịnh hành. Do đó tài năng có thể có những tác động và bị ảnh hưởng. Vì vậy việc phát hiện, nuôi dưỡng tài năng âm nhạc cần phải có sự đầu tư từ nhà nước. Bên cạnh đầu tư chọn lọc, trọng điểm, cũng cần đầu tư nuôi dưỡng mầm tài năng, nhất là khi họ được giải quốc tế.
Cảm ơn ông!