Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam: Ước mơ trở thành ngọn cờ đầu về nghệ thuật bác học Việt Nam
13/07/2018 | 09:00Gần 60 năm đã trôi qua kể từ ngày thành lập (6/8/1959), Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) ngày nào còn nhỏ bé, giờ đã trở thành một trong những bậc đàn anh, đàn chị về nhạc giao hưởng, hợp xướng và múa ballet hàng đầu của Việt Nam. Dù gặp rất nhiều những khó khăn, thách thức trong guống quay hội nhập và phát triển kinh tế, xã hội, nhưng, VNOB vẫn đang nỗ lực hết sức để chạm vào ước mơ trở thành ngọn cờ đầu về nghệ thuật bác học tại Việt Nam.
… Từ những ngày đầu thành lập
Với sự quan tâm đặc biệt trong việc tiếp thu những tinh hóa văn hóa thế giới. đi cùng với những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, Dàn nhạc giao hưởng và sau đó là dàn hợp xướng, cũng như Nhà hát giao hưởng hợp xướng ca vũ kịch Việt Nam, tiền thân của VNOB, được thành lập. Từ thời điểm đó, Dàn nhạc Giao hưởng và Dàn hợp xướng đã xây dựng nhiều chương trình hòa nhạc có giá trị nghệ thuật cao, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Những tác phẩm: Ru con, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, Du kích sông Thao..., đặc biệt nhạc kịch Cô Sao của Ðỗ Nhuận là tác phẩm nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam được dàn dựng công phu, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, tiếp đó là các vở nhạc kịch Núi rừng hãy lên tiếng, Evghenhin Onegine, Bên bờ Krông Pa, Người tạc tượng và các vở vũ kịch Chị Sứ, Phá lao đã tạo tiếng vang trong và ngoài nước. Ðặc biệt, tối 10-9-1960, khi dàn nhạc giao hưởng biểu diễn chương trình chào mừng Ðại hội Ðảng tại công viên Bách Thảo, Bác Hồ đã đến và đứng trên bục cầm đũa chỉ huy bắt nhịp bài Kết đoàn là sức mạnh. Hình ảnh này mãi còn đọng lại trong trái tim ký ức của nhiều nghệ sĩ, dàn nhạc giao hưởng và cũng như công chúng yêu nghệ thuật.
Dàn Hợp xướng Việt Nam - Nhật Bản trong chương trình Bản giao hưởng Mùa hạ
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cũng trôi qua một cách hào hùng với các nghệ sỹ -chiến sĩ của VNOB với những cái tên nổi tiếng như Dương Quang Thiện, Nguyễn Hữu Hiếu, Trần Quý, Ðỗ Dũng, Trọng Bằng, Nguyễn Hải, Quốc Hương, Tân Nhân, Quý Dương, Quang Hưng, Trung Kiên, Ngọc Dậu,... trên khắp vùng “đất lửa” Vĩnh Linh hoặc đi dọc đường Trường Sơn…
Hòa bình lập lại, năm 1978, Nhà hát giao hưởng hợp xướng ca, vũ, kịch Việt Nam được đổi tên thành Nhà hát giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam. Từ đó mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ của nhà hát, với nhiều tác phẩm có chất lượng như nhạc kịch Phidelio của LV.Bét-tô-ven, Tiếng hát xanh của Nguyễn Ðình Tấn, Ruồi trâu của Xpa-da-véc-xki, Trương Chi của Văn Hà được dàn dựng và trình diễn rất thành công.
… Đến thành công của ngày hôm nay
Trải qua biết bao thăng trầm, chuyển biến, gần 60 năm trôi qua, VNOB đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Tính đến nay, mỗi năm, trung bình, Nhà hát có khoảng 60 đêm diễn với 30 chương trình khác nhau tại Hà Nội, thu hút hàng vạn khán giả trong nước cũng như người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đến thưởng thức. Bên cạnh đó, Nhà hát còn có rất nhiều chuyến lưu diễn với hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ đông đảo khán giả yêu thích nghệ thuật âm nhạc và ballet cổ điển cũng như múa đương đại.
Sự phát triển mạnh mẽ của mảng nghệ thuật hàn lâm này đã thu hút nhiều biên đạo, chỉ huy, nghệ sĩ nước ngoài đến cộng tác với Nhà hát, giúp làm phong phú hơn các chương trình nghệ thuật, nâng cao trình độ biểu diễn cho tập thể nhà hát. Nhiều tác phẩm xuất sắc đã ra đời tiêu biểu: Em người phụ nữ Việt Nam, Qua miền đất lạ, Mắt phượng hoàng; vở Nhạc kịch LuCile, Cuộc sống Pari, Trường học Tình yêu, Kẹp hạt dẻ, …và nhiều chương trình giao hưởng thính phòng như Carmina Burana, giao hưởng số 9... Gần đây nhất, Nhà hát đã phối hợp với đối tác đến từ Nhật Bản xây dựng chương trình “Bản giao hưởng mùa Hạ”, biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong 2 đêm 5 và 6 tháng 6 năm 2018. Đây có lẽ là chương trình biểu diễn có sự góp mặt đông nhất các nghệ sĩ đến từ Nhật Bản với khả năng chỉ huy tài tình của nhạc trưởng Kotaro Kimura, sự góp mặt của nghệ sĩ Piano nổi tiếng Mika Kawasaki và đặc biệt gần 100 thành viên của dàn hợp xướng Xuan Voce Choir & Hanoi Freude Choir, dàn hợp xướng đến từ Nhật Bản- Freude FUKUOKA. Trong thời gian tới, Nhà hát còn phối hợp với nhiều nghệ sĩ khác đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Đức… để xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao.
Bắt nhập trào lưu nghệ thuật múa đương đại thế giới, Nhà hát là một trong những cái nôi tiếp nhận và phát triển múa hiện đại ở Việt Nam. Những năm qua, nhiều nghệ sĩ trẻ của nhà hát đã được cử đi học tập tại Australia, Pháp, Thụy Ðiển, Mỹ... Họ đã góp phần tạo cho múa hiện đại đến gần với công chúng trẻ. Một số tác phẩm múa đương đại đã tỏa sáng bản sắc văn hóa Việt Nam như Hồn Trương Chi, Nguồn sáng, Trường tương tư, Mùa đom đóm... Dự án nghệ thuật học đường Khám phá âm nhạc và múa của nhà hát hay Dance Camp phối hợp với Viện Goethe,… đã, đang và sẽ thu hút hàng chục nghìn học sinh, sinh viên tham dự và được công luận đánh giá là có hiệu quả cao trong việc định hướng thẩm mỹ nghệ thuật bác học với công chúng trẻ.
Bà Trần Ly Ly, quyền Giám đốc VNOB tiếp đoàn đại biểu Quỹ Nghiên cứu nghệ thuật tỉnh Chung Nam -Hàn Quốc
… Và ước mơ trở thành ngọn cờ đầu
Thời gian tới, VNOB sẽ đưa ra các vở mới được đầu tư kỹ lương như: “Romeo và Juliet” hay “Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris”… cũng như tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm quảng bà văn hóa Việt Nam và nâng cao trình độ diễn xuất cúng như chuyên nghiệp hóa các loại hình vũ kịch, opera, nhạc kịch và giao hưởng.
Không chỉ dừng lại ở đó, VNOB còn quyết tâm sản xuất một tác phẩm lớn bao gồm opera và vũ kịch nhưng là của người Việt. Đây là điều không dễ dàng gì, vì để tập hợp những nhạc sĩ tài năng và cùng nhau xây dựng một tác phẩm Việt Nam sẽ rất khó khăn. Nhưng nếu có sự quyết tâm, đồng lòng và sáng tạo, điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được. Điều đó đã được bà Trần Ly Ly, quyền Giám đốc VNOB, khẳng định, khi nói về việc thực hiện ước mơ trở thành lá cờ đầu trong về nghệ thuật bác học của Nhà hát. Bà chia sẻ: “Loại hình nhạc vũ kịch hàn lâm rất khó tiếp cận với khán giả vì mô hình nghệ thuật này đòi hỏi người xem phải có nhận thức và có hiểu biết. Tuy nhiên, để khán giả có thể đến với loại hình này, trước tiên, cần phải cho ra những sản phẩm hấp dẫn, có nội lực và kỹ năng. Ban đầu là đưa sản phẩm tốt, sau đó phải để khán giả thấy thích, cảm thấy thiếu, cảm thấy đói, cảm thấy khát…Nghệ thuật có cái thú vị hay ở chỗ, đó là nếu bạn ốm bạn gặp bác sĩ nhưng cái ốm của tinh thần vô cùng quan trọng mà con người chúng ta không để ý. Khi ta đói tinh thần, ta cần làm gì, lúc đó chúng ta cần dùng nghệ thuật để chữ lành vết thương tâm hồn”.
Một thực tế cho thấy là loại hình nghệ thuật bác học này ở Việt Nam chưa có đủ điều kiện để phát triển trong khi ở các nước khác, nó là bắt buộc. Trong nhà trường, các học sinh phải trang bị kiến thức về nhạc giao hưởng, vũ kịch. Giao hưởng, hợp xướng, vũ kịch….đều là những loại hình nghệ thuật chưa gần gũi với khán giả. Chính vì thế để tiếp cận khán giả là điều không dễ dàng. Một thực tế là trước đây, truyền thông, báo chí hay truyền hình vẫn chưa đưa ra đường lối để nghệ thuật hàn lâm đến gần với công chúng. Chình vì vậy, Bà Trân Ly Ly cũng cho rằng, với sự ra đời của cách mạng 4.0, việc tận dụng mạng xã hội sẽ phần nào tạo ra hướng tiếp cận với khán giả, tạo cho khán giả thấy sự hấp dẫn, cần đi xem, cần phải hiểu….Song, để làm được điều này đòi hỏi cần có một quá trình dài hơi. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu thị trường và phải hiểu rõ khán giả cần gì. Điều quan trọng là cái khán giả cần thì ta mang đến cho họ, nhưng không được phép rời xa nghệ thuật của mình. Bà Ly khẳng định: “Ở đây có nghĩa là hai bên nghệ thuật sẽ vị nhân sinh và không phải nghệ thuật chỉ vì nghệ thuật. Nghệ thuật vẫn là nghệ thuật nhưng hãy đem đến cho khán giả những điều họ thích”.
Tuyết Hoa