Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhà hát Lớn rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Từ thành phố HCM nhìn ra...

19/08/2016 | 14:18

“Nói thật lòng tôi thấy đây là một chủ trương rất hay và đáng ra phải làm từ lâu rồi”; “Mơ ước biểu diễn ở Nhà hát Lớn HN không chỉ là của các nghệ sĩ phía Bắc nên đề nghị Bộ VHTTDL tạo điều kiện để các đoàn phía Nam và miền Trung cũng được tham gia” là những ý kiến của các nghệ sĩ nổi tiếng của TP.HCM: NSƯT Kim Tử Long, NSND Hồng Vân.

Phóng viên Báo Văn Hóa tại TP HCM ghi nhận ý kiến các nghệ sĩ nổi tiếng của thành phố về chủ trương mở cửa NHL Hà Nội để các đoàn, các nhà hát nghệ thuật vào biểu diễn.

NSND Trần Ngọc Giàu: “Chủ trương của Bộ đã phản ánh tâm tư, nguyên vọng của nghệ sĩ”

Là một nghệ sĩ tôi nhận thấy đây là chủ trương đã phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng không chỉ trong giới nghệ sĩ mà còn đông đảo khán giả, dù có hơi muộn. Có một thực tế hiện nay mà dường như ai cũng biết, các đơn vị nghệ thuật đang rất thiếu những nơi đủ điều kiện để biểu diễn những tác phẩm được đầu tư công phu, nghiêm túc.



Vì thế khi Bộ VHTTDL “mở” ra cách làm này sẽ tạo điều kiện cho anh chị em diễn viên, nghệ sĩ có địa chỉ biểu diễn xứng tầm, phục vụ khán giả. Theo cá nhân tôi, khi điều kiện đã có rồi, các đoàn nghệ thuật phải tính đến chuyện nghiên cứu, xây dựng tác phẩm cho thật tương xứng và tổ chức quảng cáo để thu hút khán giả. Đối tượng khán giả như thế nào phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Nhà hát Lớn và cơ quan chức năng cũng nên lên lịch diễn phù hợp, cố định cho từng loại hình biểu diễn để tạo thành thói quen cho khán giả.

NSƯT Kim Tử Long: “Nghệ thuật truyền thống cần được tôn vinh ở những nơi như thế”

Phải nói thật lòng, tôi thấy đây là một chủ trương rất hay của Bộ VHTTDL. Đáng ra việc này phải làm từ lâu chứ không phải đợi đến hôm nay. Các loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống như Chèo, Hát Bội, Cải lương, Tuồng… rất cần có những nơi biểu diễn như Nhà hát Lớn Hà Nội để những giá trị văn hóa của cha ông được tôn vinh. Chứ nghệ thuật truyền thống không thể cứ diễn mãi ở những nơi sân khấu ọp ẹp, ẩm mốc. Trước đây sự ưu tiên, ưu ái đối với nghệ thuật truyền thống gần như không có. Giờ đây các đoàn nghệ thuật được vào Nhà hát Lớn biểu diễn là niềm vui đối với nghệ sĩ. Các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội đã được hỗ trợ biểu diễn và những đoàn nghệ thuật ở TP.HCM cũng hi vọng được lãnh đạo Bộ quan tâm, giúp đỡ để được biểu diễn tại Nhà hát Lớn.



Trước thực trạng hoạt động sân khấu hiện nay, anh chị em nghệ sĩ chỉ mong muốn Nhà nước đưa càng nhiều các đoàn nghệ thuật truyền thống vào Nhà hát Lớn biểu diễn với một mức giá chấp nhận được. Nếu được giảm giá thuê chúng tôi sẽ tự cân đối giảm giá vé để phục vụ nhiều đối tượng khán giả hơn đến với nhà hát. Sự hỗ trợ này sẽ giúp chúng tôi có điều kiện đầu tư nhiều chương trình hay, có chất lượng. Nếu không nghệ thuật truyền thống ngày càng mai một, hoặc sống lay lắt ở các sàn diễn ọp ẹp, không đủ tiêu chuẩn.

Tất nhiên, khi đã vào Nhà hát Lớn không thể đưa những tác phẩm thiếu chất lượng, mà các đơn vị phải có sự đầu tư về kịch mục, diễn viên để xứng tầm. Các đơn vị nghệ thuật phải nhìn tầm của Nhà hát Lớn để đưa vào những chương trình được đầu tư kĩ lưỡng. Trước mắt, các đoàn ở Hà Nội sẽ đi tiên phong, sau đó các đoàn xã hội hóa trong Nam sẽ đưa các đoàn ra biểu diễn. Chúng tôi chỉ mong muốn, dù đoàn của Nhà nước hay xã hội hóa đều được bình đẳng như nhau để đưa nghệ thuật truyền thống gần hơn với khán giả.

NSND Hồng Vân: Không chỉ là mơ ước của nghệ sĩ phía Bắc

Anh chị em nghệ sĩ ở phía Nam khi hay tin Bộ VHTTDL có chủ trương mở rộng cửa Nhà hát Lớn để các đơn vị nghệ thuật vào biểu diễn phục vụ khán giả, đều rất vui mừng và phấn khởi. Ngày trước Nhà hát Lớn đưa ra giá thuê quá cao nên những chương trình nghệ thuật truyền thống, trong đó có cả kịch, cải lương, tuồng, chèo… khó có thể chen chân. Bây giờ chủ trương mở rộng, tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật được vào đây biểu diễn đã thể hiện sự quan tâm của Bộ đối với việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, mang nghệ thuật truyền thống gần gũi, thân thương với khán giả. Theo tôi thì mơ ước và mong muốn được biểu diễn trong Nhà hát Lớn HN không chỉ là của riêng các nghệ sĩ phía Bắc mà còn là của nghệ sĩ cả nước vì nó là một nhà hát thực sự.


Giới nghệ sĩ cũng mong lãnh đạo Bộ và Ban giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cần xem chủ trương này là dài hạn, biến Nhà hát Lớn Hà Nội thường xuyên đỏ đèn để phục vụ khán giả trong, ngoài nước với một kế hoạch được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ VHTTDL tạo điều kiện để các đoàn nghệ thuật ở phía Nam và miền Trung có những tác phẩm xuất sắc, được công chúng yêu thích và ngưỡng mộ từ lâu ra biểu diễn tại NHL Hà Nội. Điều đó vừa thay đổi được kịch mục, màu sắc biểu diễn và làm tăng lên sự giao lưu, học hỏi giữa các đoàn nghệ thuật. Cuối cùng nghệ sĩ chúng tôi chỉ mong muốn được giảm giá thuê biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội để có điều kiện được biểu diễn đúng nơi vốn dĩ dành cho nghệ thuật./.

(Nguồn: Báo Văn hóa)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×