Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - Cây bút hàng đầu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam

23/03/2022 | 14:43

Lá rụng về cội, Nhà Biên kịch Hoàng Tích Chỉ - cây bút hàng đầu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã nhẹ bước trở về với đất mẹ. Trong những năm tháng cuối đời, ông vẫn thường nhờ con gái mời các chú, các bác đến bàn chuyện kịch bản, chuyện đi làm phim, ông không còn nhớ những người bạn đó đã vĩnh biệt cõi trần rất lâu rồi…

Lặng người trước những ký ức không phai trong tâm khảm người bạn nghề của Cha tôi - NSND Hải Ninh, tôi nhớ lại căn buồng tập thế nhỏ xíu chưa đầy 8m vuông của nhà tôi ở khu tập thể Ngân hàng ngoài đê Sông Hồng mà cả nhà đã ở suốt từ năm 1962 đến năm 1976. Bác đến nhà tôi làm việc cùng Cha trên từng trang kịch bản, những năm tháng thanh xuân họ nhiệt huyết bên nhau. Mẹ tôi kể, hầu như ngày nào bác cũng đến, làm việc quá giờ rồi ở lại ăn cơm luôn. Mẹ bảo: Con hư lắm, bác ở lại ăn cơm mà lại dám hỏi : "Sao bác cứ ăn cơm ở nhà cháu suốt thế". Mùa lụt lịch sử năm 1971, nước ngập qua nóc chiếc tủ đứng gỗ tạp bố mẹ tôi mới dành dụm mua được, bố đi công tác không về kịp, mẹ một nách 2 con nhỏ, bác đã xuống giúp cả nhà chạy lụt, kiệu tôi trên cổ; chỉ có chiếc tủ mới là hỏng hoàn toàn. Mẹ cũng kể: Mấy năm ròng rã hai ông ấy cứ xe đạp ra vào Vĩnh Linh để tìm hiểu thực tế, viết kịch bản phim Vĩ tuyến 17, ngày và đêm. Ăn uống thì chẳng có gì, chạy bom suốt mà không hiểu sức lực ở đâu ra mà cứ đi đi về về như thế. Không ốm, không trúng bom đạn gì cũng là may mắn…

Thời gian quay các cảnh nội phim Vĩ tuyến 17, ngày và đêm tại Trường quay số 4 Thụy Khuê đúng vào những ngày B52 Mỹ ném bom Hà Nội (tháng 12/1972) cả đoàn phim vẫn làm việc đêm ngày. Tôi lúc đó mới 3 tuổi cũng được ở lại Hà Nội cùng bố mẹ trong 12 ngày đêm lịch sử đó. Đoàn phim đã vinh dự được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến tận nơi thăm và động viên tinh thần.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - Cây bút hàng đầu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam - Ảnh 1.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ khi còn là học viên khóa Biên kịch đầu tiên tại Trường Điện ảnh Việt Nam (1961-1963)

Tết thời bao cấp, cứ mùng Một Tết là bố mẹ đạp xe đèo tôi đến nhà bác ở làng Đại Yên, con đường làng quanh co, đi qua những rặng cúc tần tơ vương, đến ngôi nhà bé tẹo có bức tường gạch xỉ, mái lợp giấy dầu, ăn một bữa gọi là cỗ Tết mà đến tận bây giờ tôi cũng không thể nhớ nổi có món gì ngon, vì thực sự chẳng có gì ngoài bát thịt nạc rim đặc biệt.

Nhớ lần ngồi với bác khi bác bị tai biến lần đầu, bác cứ nhắc lại những năm tháng đó, đôi mắt ngậm nước, bác nói với tôi: Hồi đấy vui nhỉ …

Tôi cũng cố hình dung hình ảnh hai người đàn ông trẻ tuổi, gầy guộc, chỉ có cặp mắt sáng, đạp xe ròng rã từ Hà Nội vào Vĩnh Linh suốt mấy mùa mưa nắng, đạn bom … Một thời họ đã sống, đã yêu và cống hiến trọn vẹn cho Điện ảnh Việt Nam.

Nhà Biên kịch Hoàng Tích Chỉ sinh ngày 01 tháng 9 năm 1932 tại xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình có truyền thống yêu nước, hiếu học. Cụ thân sinh của ông là nhà nho Hoàng Tích Phụng, đã từng làm Tri phủ Huấn học, nhưng cụ đã tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục với tinh thần chấn hưng dân tộc. Gia đình ông có đông anh em cùng cha khác mẹ, nhưng thừa hưởng tinh thần tiến bộ, ham học hỏi của người cha, hầu hết các anh em của ông đều là những nhân sĩ, trí thức, tài năng tiêu biểu, có những đóng góp to lớn cho báo giới, văn học nghệ thuật của đất nước. Người anh cả là nhà báo Hoàng Tích Chu, thuộc thế hệ trí thức hàng đầu trong việc cách tân báo chí Việt Nam đầu thế kỉ XX. Anh thứ hai Họa sĩ Hoàng Tích Chù - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt II, năm 2000 là một bậc thầy về tranh sơn mài. Anh thứ ba là Nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, là một trong 277 nhà văn dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957 và tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I. Một người anh là bác sĩ cao cấp Hoàng Tích Tộ, và ông là em trai út.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - Cây bút hàng đầu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam - Ảnh 2.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cùng 4 người con, con trai út là nhà Quay phim, NSƯT Hoàng Tích Thiện

Dẫu cho tuổi thơ mồ côi cha mẹ sớm, nhưng quê hương Phù Lưu - vùng đất địa linh nhân kiệt, gia đình, dòng họ giàu truyền thống văn hóa đã cho ông một ý chí lớn, giúp ông vững vàng vượt qua những thử thách gian nan để tự thân lập thân, làm nên một sự nghiệp tự hào, được sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước, của đông đảo công chúng và bạn bè đồng nghiệp. Năm 1945, khi mới 13 tuổi Hoàng Tích Chỉ đã giác ngộ cách mạng, đi làm trinh sát ở Ty Liêm phóng Bắc Giang, về sau được tín nhiệm cử là Đội trưởng. Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông chuyển về làm Trưởng phòng Văn nghệ của Ty Văn hóa Bắc Giang. Năm 1959, ông được cử đi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Nhưng đến năm 1961, việc quyết định theo học lớp Biên kịch khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của ông. Sau khi tốt nghiệp, ông về làm Trưởng phòng Biên kịch, Xưởng trưởng Xưởng làm phim 1 của Xí nghiệp phim truyện Việt Nam (sau là Hãng phim truyện Việt Nam, hiện nay là Công ty Cổ phần phát triển và đầu tư phim truyện Việt Nam). Sau này ông được giao trách nhiệm làm Giám đốc Hãng phim truyện I (nay là Công ty Cổ phần Phim truyện 1).

Kịch bản phim truyện đầu tay Trên Vĩ tuyến 17 là một sáng tác trực tiếp, kết quả của chuyến đi tìm hiểu thực tế vùng giới tuyến. Những tư liệu, vốn sống tích lũy được qua thành quả đầu tiên đã giúp ông xây dựng kịch bản phim Vĩ tuyến 17, ngày và đêm sau này. Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ nhất (Hà Nội - 1970), hai bộ phim Trên Vĩ tuyến 17 (Đạo diễn Lý Thái Bảo - Nhất Hiên, 1965) và Biển gọi (Đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi - Nguyễn Ngọc Trung, 1967) được xây dựng từ những kịch bản phim truyện của ông đều giành Giải thưởng Bông Sen Bạc, tạo nền tảng vững chắc cho những thành công lớn tiếp theo của Nhà Biên kịch Hoàng Tích Chỉ.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - Cây bút hàng đầu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam - Ảnh 3.

Ê kíp thực hiện bộ phim Vĩ tuyến 17, ngày và đêm (từ trái sang, hàng trước) thứ 2: Biên kịch Hoàng Tích Chỉ, thứ 3 Đạo diễn Hải Ninh. Hàng sau: đầu tiên từ phải sang: Quay phim Xuân Chân, giữa Phó đạo diễn Hoài Linh

Cơ duyên gặp gỡ và làm việc của cặp đôi tác giả Biên kịch Hoàng Tích Chỉ - Đạo diễn Hải Ninh đã làm nên những bộ phim - những thiên anh hùng ca của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Đối với NSND Hải Ninh, người bạn nghề và ông dường như có một mối lương duyên ý hợp tâm đầu trong nghề. Chỉ cần một ý tưởng, một sự kiện, một chi tiết, một đối thoại trong cuộc sống, ngòi bút của nhà biên kịch đã tạo nên những trang kịch bản sống động như những thước phim trên giấy. Không chỉ là văn chương, mỗi trang kịch bản của ông đều tạo cho người bạn nghề những hình dung cô đọng nhất để tạo thành mỗi cảnh quay, từng mét phim đã thành hình với những hình ảnh chắt lọc từ con chữ. Mối lương duyên đã tạo nên cho đôi bạn nghề những tác phẩm điện ảnh đặc biệt xuất sắc mang tính chính luận - sử thi cùng được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh dành cho kịch bản và phim.

Là một người làm việc với từng trang viết, nhưng Nhà Biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã luôn nắm bắt một cách kịp thời nhất những nội dung lớn, những đặc điểm mang tính điển hình của tâm hồn và khí chất con người Việt Nam trong những giai đoạn lịch sử của đất nước. Những kịch bản phim truyện Vĩ tuyến 17, ngày và đêm (2 tập - 1972), Em bé Hà Nội (1974), Mối tình đầu (1977), Đất mẹ (1980), Đứa con người hàng xóm (1981), Cuộc chia tay mùa hạ (1981), Đêm cuối năm (1983), Tọa độ chết (1985, bộ phim hợp tác sản xuất của Xí nghiệp phim truyện Việt Nam với Xưởng phim Thanh thiếu niên Trung ương mang tên Gorki, Liên Xô), Săn bắt cướp (3 tập - 1988), Bông hoa rừng Sác (1995), kịch bản phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông (1975) … Sức làm việc và sáng tạo của ông thật đáng kính trọng khi nhiều tác phẩm được ra đời ngay trong những làn mưa bom bão đạn.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - Cây bút hàng đầu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam - Ảnh 4.

Kịch bản Vĩ tuyến 17, ngày và đêm

Ông luôn là người nhanh nhạy với thời cuộc, đất nước Đổi mới, ông cũng là một trong những nghệ sĩ điện ảnh đi đầu, nhập cuộc với thị trường điện ảnh vốn đang hết sức mới mẻ với Điện ảnh Việt Nam đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Gây dựng Hãng phim truyện 1 với cương vị Giám đốc đầu tiên, ông đã dốc sức cùng các bạn đồng nghiệp trẻ tạo dựng một dòng chảy điện ảnh mới với vị trí Đạo diễn và Giám đốc sản xuất. Công lao của ông để lại cho Công ty cổ phần phim truyện 1 ghi dấu một con người sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng dấn thân vào những thử thách mới; luôn nhiệt huyết, tận tâm trao truyền những kiến thức, kinh nghiệm cho từng thế hệ tiếp nối.

Những ngày tháng Ba, Hà Nội mùa cây trút lá, ông đã nhẹ nhàng buông bút, theo những lá vàng trở về với nguồn cội.

Ông ra đi, để lại một sự nghiệp đồ sộ, ghi dấu những đóng góp đặc biệt trong trang sử vàng của Điện ảnh Việt Nam. Nhà Biên kịch Hoàng Tích Chỉ là tác giả viết kịch bản phim đầu tiên và duy nhất cho đến nay đã được Nhà nước vinh danh và trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt IV, năm 2012) với cụm tác phẩm gồm 6 kịch bản phim truyện và phim tài liệu: Trên vĩ tuyến 17, Biển gọi, Vĩ tuyến 17, ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu và Thành phố lúc rạng đông.

Kịch bản phân cảnh của Vĩ tuyến 17, ngày và đêm

Điều đặc biệt, ông chưa từng nhận Giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất tại các kỳ Liên hoan Phim Việt Nam. Nhưng những bộ phim ra đời từ kịch bản của ông đã đem lại những Giải thưởng trong nước và quốc tế xứng đáng, là gương mặt đại diện của Điện ảnh Việt Nam, như một chứng nhân của một thời kỳ lịch sử của đất nước.

Trên Vĩ tuyến 17 (Biên kịch), Giải thưởng Bông Sen Bạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ nhất, 1970. Biển gọi (Biên kịch) Giải thưởng Bông Sen Bạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ nhất, 1970. Vĩ tuyến 17, ngày và đêm (Biên kịch thứ nhất), Giải thưởng của Hội đồng Bảo vệ Hòa bình Liên Xô, Giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho nghệ sĩ Trà Giang tại Liên hoan Phim quốc tế Moscow, 1973. Em bé Hà Nội (Biên kịch thứ nhất), Giải thưởng Bông Sen Vàng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ III, 1973, Giải thưởng Đặc biệt của Ban Giám khảo tại Liên hoan Phim quốc tế Moscow, 1975. Thành phố lúc rạng đông (Biên kịch thứ nhất), Giải thưởng Bông Sen Vàng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ IV, 1977, Giải thưởng Bồ câu Vàng Liên hoan Phim quốc tế Leipzig lần thứ XVIII (CHDC Đức) 1975 Mối tình đầu (Biên kịch thứ nhất) Giải thưởng Bông Sen Bạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ V, 1980; Giải Nhất của Tổ chức Điện ảnh quốc tế của UNESCO tại Liên hoan Phim quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc) 1978; Giải thưởng Chiếc Thuyền Bạc Liên hoan Phim quốc tế lần thứ 21 Tân Hiện thực tại Italia 1981.

Nguyễn Thị Thu Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×