Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhà báo 97 tuổi hàng ngày cần mẫn viết bài, lấy nhuận bút nuôi sinh viên nghèo

27/09/2022 | 09:17

Gần 40 năm viết báo, ông đã dành dụm được khoảng 2,7 tỷ đồng tiền nhuận bút. Từ đó, ông trích ra một khoảng riêng để nuôi sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cho đến khi tốt nghiệp ra trường.

Nhà báo 97 tuổi hàng ngày cần mẫn viết bài, lấy nhuận bút nuôi sinh viên nghèo

Nhà báo Nguyễn Xuyến (SN 1925), ông sinh ra trong một gia đình giàu có ở Bình Định. Năm 13 tuổi ông được cha mẹ gửi ra học tại Trường Quốc Học Huế. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường ông đã luôn yêu thích văn chương đặc biệt là thơ ca.

Khi đất nước thống nhất, ông đảm nhiệm vị trí Phó giám đốc Công ty Vận tải Ô tô số 3. Năm 1983, sau khi nghỉ hưu, ông dành toàn bộ thời gian để viết báo. Ông chọn khai thác mảng đề tài truyền thống, lịch sử và quê hương đất nước để góp phần lan tỏa những điều tích cực và giá trị nhân văn cho cuộc sống.

Treo bảng "Có phòng trọ cho thuê" nhưng không cần trả tiền

Qua khỏi cầu Bến Ngự, rẽ vào kiệt 65 đường Phan Bội Châu, TP. Huế, đi dọc con đường nhỏ sẽ thấy một ngôi nhà màu xanh, trước cổng sắc treo bảng "Có phòng trọ cho thuê". Đây chính là nơi ông Xuyến tiếp sức cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững bước đến giảng đường đại học.

Ông Xuyến có 5 người con, họ đều thành đạt và muốn đón ông về sống trong nhà cửa khang trang để an hưởng tuổi già và con cháu tiện bề chăm sóc. Thế nhưng ông từ chối, ông muốn sống ở nơi này để lo hương khói cho người vợ đã khuất của mình. 

Nhà báo 97 tuổi hàng ngày cần mẫn viết bài, lấy nhuận bút nuôi sinh viên nghèo - Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Xuyến.

Đối với ông, cơ ngơi đẹp đẽ cũng không bằng nơi lưu giữ ký ức cả cuộc đời, và ông lão già nua cũng đã quen sống trong ngôi nhà cũ - nơi ông đã dành phần lớn thời gian để viết báo.

Cách đây 15 năm, ông nhận thấy nhiều sinh viên đi học xa nhà phải ở trọ tốn kém, nhiều bạn học giỏi có ý chí vươn lên nhưng kinh tế lại không cho phép và phải đi làm thêm trang trải đỡ đần giúp cha mẹ. Thế là ông nghĩ ra cách sẽ cho thuê trọ, như vậy các bạn sinh viên sẽ có chỗ ở an toàn và yên tâm học hành.

Từ khi có người vào ở, ngôi nhà trở nên ấm cúng và nhộn nhịp hơn, ông cũng vui vẻ vì có thể giúp ích cho đời như một cách vun đắp ước mơ của các bạn sinh viên.

Mỗi khi có sinh viên đến đến gõ cửa hỏi thuê trọ, ông sẽ ân cần hỏi han về cuộc sống và gia đình, ai có hoàn cảnh đặc biệt và học ngành Y thì ông sẽ nhận nuôi cho đến khi tốt nghiệp.

Mọi chi phí thuê trọ đều miễn phí từ tiền ăn uống cho đến điện nước, đều đặn hàng tháng ông sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng để các bạn mua giáo trình hoặc xăng xe đi lại. Ngoài ra, mỗi ngày ông sẽ đưa từ 150 - 200 nghìn đồng để các bạn tự đi chợ nấu nướng, chỉ duy nhất một yêu cầu đó là hai ông cháu có thể cùng ngồi lại để ăn bữa cơm gia đình.

Cánh cổng nơi treo tấm bảng cho thuê trọ như một cái duyên giữa những con người xa lạ. Mọi chuyện đều là ngẫu nhiên không hề có sự sắp đặt trước, mỗi cánh cổng mở ra sẽ là một khởi đầu mới, ông sẽ dang tay chào đón những bạn sinh viên đó một cách gần gũi và thân tình.

Tính tới thời điểm hiện tại, ông đã nuôi được 4 sinh viên ngành Y khoa, ông đặc biệt "thiên vị" sinh viên ngành Y vì tính chất ngành học vất vả nặng nề và hơn hết là có thể chăm sóc những lúc ông ốm đau.

Ngôi nhà thứ 3 của những sinh viên nghèo

97 mùa xuân trôi qua, tuy đã lớn tuổi nhưng tinh thần ông vẫn rất trẻ và minh mẫn, những dịp quan trọng ông sẽ đem máy tính ra để viết báo, những ngón tay run rẩy của ông chầm chậm gõ từng phím chữ lách cách. 

Khi rảnh rỗi ông sẽ đọc báo, xem tivi và giải trí bằng cách "chơi" Facebook như lớp trẻ ngày nay. "Mấy ngày trước khi xem thời sự, thấy có một cháu quê ở Tiền Hải, Thái Bình thi đỗ điểm rất cao nhưng không có tiền lên phố học, tôi liền gọi điện cho chủ tịch xã để xác minh, sắp tới tôi sẽ lấy ít nhuận bút đang gửi ngân hàng rồi làm cho cháu cái sổ tiết kiệm để kịp vào năm học mới". Ông chia sẻ.

Mới đây, ông vừa chia tay với bạn Khánh Ly - là sinh viên được ông nuôi trong suốt thời gian đi học. Ngày cuối cùng trong ngôi nhà nhỏ, buổi chia tay giữa 2 ông cháu không máu mủ ruột rà nhưng lại tồn tại thứ tình thân khó diễn tả thành lời. Hai ông cháu không kiềm được nước mắt, cánh cổng nhà trọ của ông lão khép lại để các bạn sinh viên mở ra thêm nhiều cánh cửa mới và bước tiếp con đường thênh thang phía trước.

"Ngày em đi, tôi với em có ngồi lại chia tay và trao đổi với nhau rất cảm động, và tôi đã dặn em là dẫu em đã tốt nghiệp rồi, nay mai ra công tác nhưng nếu công tác gặp khó khăn gì thì điện về cho ông, ông sẽ tiếp tục giúp đỡ trong khả năng. Ông coi các em sinh viên Y khoa này như con cháu trong nhà, là thành viên của gia đình". Ông Xuyến tâm sự.

Thời gian 15 năm trôi qua đối với một ông lão chỉ như một thước phim tua chậm, ông nhớ rõ từng câu chuyện của mỗi sinh viên được ông nuôi ăn học. Mỗi bạn ở đây đều được ông xem như con cháu trong nhà chứ không phải với tư cách một người chủ trọ và người đi thuê.

Cuộc hội ngộ nào rồi cũng sẽ có ngày phải chia xa, các bạn sinh viên rồi cũng phải tốt nghiệp ra trường và tự lập, hành trang mang theo có lẽ là những lời căn dặn của ông. "Đây là ngồi nhà thứ ba của các cháu, ngôi nhà thứ nhất là nhà của cha mẹ cháu, ngôi nhà thứ hai là nhà của chồng cháu, và ngôi nhà thứ ba là nhà ông. Khi các cháu có về Huế, các cháu hãy nói là về thăm ông, chứ không được phép nói là ghé thăm ông. Vì đây là nhà của các cháu".

Hiện tại, trước cổng nhà ông vẫn treo bảng cho thuê trọ để tiếp tục giúp đỡ sinh viên nghèo cho đến khi ông nhắm mắt. Nếu thời gian tới sức khoẻ không cho phép, ông sẽ thôi viết và dành thời gian tuyển chọn lại những bài báo để tạo thành "Ngân hàng những bài báo viết sẵn". Khi cần, ông chỉ việc mở ra biên tập lại rồi gửi đến các cơ quan báo chí.

Phùng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×