Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Người chụp ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập: Đó là những năm tháng chúng ta không thể quên, không được phép quên

30/04/2020 | 08:21

Nhà báo Trần Mai Hưởng thuộc lớp phóng viên tay bút, tay súng của Thông tấn xã Việt Nam, đem cả thanh xuân đi khắp chiến trường chống Mỹ. Ông đã tới những mặt trận nóng bỏng nhất như Quảng Trị năm 1972, theo các cánh quân "thần tốc' trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975. Ông là nhà báo đã ghi lại khoảnh khắc lịch sử và đầy tính biểu tượng: xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ông chia sẻ, đó là những năm tháng và những hy sinh không thể nào quên, không được phép quên.

May mắn được ghi lại một phần lịch sử

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nhà báo Trần Mai Hưởng theo mũi đột phá tiên phong của quân đoàn II thuộc cánh quân Duyên hải tiến vào Dinh Độc Lập sớm nhất, ông đã chụp được bức ảnh lịch sử xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Bức ảnh sau đó được sử dụng rộng rãi và đã trở thành biểu tượng của ngày toàn thắng. Nhưng ông chia sẻ một cách giản dị: "Thời điểm ấy, tôi thấy đẹp thì chụp thôi. Ai đứng ở vị trí của tôi lúc đó thì đều chụp được bức ảnh như thế"!

Người chụp ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập: Đó là những năm tháng chúng ta không thể quên, không được phép quên - Ảnh 1.

Khoảnh khắc lịch sử và đầy tính biểu tượng: xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 qua ống kính của Nhà báo Trần Mai Hưởng

Dù thời gian đã lùi xa nhưng mỗi năm đến dịp này, Nhà báo Trần Mai Hưởng đều bận rộn với những lời hẹn gặp gỡ đồng đội, anh em bạn bè. Ông chia sẻ, năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh nên những lời hẹn tháng Tư đều tạm gác lại.

"Với những người Việt Nam ngày này có nhiều ý nghĩa, đặc biệt là với thế hệ đã trải qua chiến tranh như lớp người chúng tôi. 45 năm đã trôi qua, đối với cá nhân tôi và tôi chắc là với nhiều người thì cảm xúc về ngày 30/4/1975, về ngày Chiến thắng, kết thúc chiến tranh, mở đầu mùa xuân sum họp của dân tộc, của các gia đình đều rất có ý nghĩa".

Sau Giải phóng Đà Nẵng, tổ phóng viên gồm Nhà báo Vũ Tạo (tổ trưởng), Nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long- người chụp bức ảnh Bác bắt nhịp kết đoàn; Nhà nhiếp ảnh Hứa Kiểm; Nhà nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, và Nhà báo Trần Mai Hạnh và một lái xe, 1 điện báo từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi, đến Quy Nhơn, Nha Trang, sát mặt trận Phan Rang… "Nghe tin Phan Rang giải phóng chúng tôi vào ngay và ngày 16/4 Phan Rang giải phóng thì sáng 17 chúng tôi có mặt ở đó, chúng tôi chụp ảnh, viết bài gửi về. Rồi anh em chúng tôi tiếp tục đi vào trong, vào đến Xuân Lộc đến điểm phòng thủ cuối cùng. Vào đến nơi, chúng tôi gặp sư đoàn 304 là sư đoàn kết nghĩa với TTXVN, gặp gỡ anh em rất vui.

"45 năm đã trôi qua, đối với cá nhân tôi và tôi chắc là với nhiều người thì cảm xúc về ngày 30/4/1975, về ngày Chiến thắng, kết thúc chiến tranh, mở đầu mùa xuân sum họp của dân tộc, của các gia đình đều rất có ý nghĩa"

Bác Trần Bình - Chính ủy sư đoàn đồng ý cho chúng tôi đi cùng vào phía trong. Chúng tôi được chứng kiến trận đánh ở Nước Trong rất quyết liệt. Xem được điều hành cuối cùng của một cánh quân để tiến vào Sài Gòn. Lúc đó chúng ta phải tổ chức cho đặc công chiếm những cây cầu tiến vào Sài Gòn. Hỗ trợ cho lực lượng thiết giáp, bộ binh thế nào để khi đánh xong Long Thành thì mở mũi đột kích vào Sài Gòn. Chúng tôi rất may mắn được đi cùng mũi đó, có 7 xe tăng, tiến qua cầu Bình Sơn, qua Đồng Nai vào Sài Gòn. Xuất kích chiều 29 nhưng trận đánh chưa xong, sáng 30 mới tiến qua cầu vào Sài Gòn. Gặp những ổ đột kích, đề kháng bắn trả, trận đánh ở cầu Rạch Chiếc, chốt cuối cùng cũng rất ác liệt. Có đồng chí tiểu đoàn trưởng xe tăng hy sinh ngay ở cửa ngõ. Xe của chúng tôi khi chạy trên đường phố vào Sài Gòn thì hai bên vẫn còn bắn. Ổ đề kháng bắn bên trái thì xe chúng tôi lại nép vào bên phải xe tăng, cứ như vậy tiến vào Sài Gòn"- Nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại.

Ông cũng bảo, đối với người phóng viên đó là những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời. Sau khi qua điểm cuối cùng để tiến vào Sài Gòn, không khí khác hẳn. Người dân 2 bên đường đổ ra đón bộ đội. Mang cả cờ, hoa, quà bánh… cho bộ đội.

"Vào đến cửa Dinh thì hai xe tăng đã vào trước rồi, xe chúng tôi đi sau. Tôi mới nhảy xuống và quay lại chụp luôn 1 kiểu ảnh vì tôi thấy nó đẹp. Lúc ấy không nghĩ hình tượng gì cả, chỉ thấy đẹp thì chụp thôi.

Những hình ảnh Nhà báo Trần Mai Hưởng ghi lại ở Sài Gòn ngày 30/41975


Sau này, khi gửi ảnh về thì bức ảnh được dùng rộng rãi vì có tính biểu tượng. Biểu tượng ở đây là xe tăng vừa qua cổng sắt của dinh lũy cuối cùng của Sài Gòn. Hình tượng của xe tăng cũng rất đẹp, lá cờ nửa đỏ nửa xanh tung bay trên tháp pháo, bộ đội xe tăng… nói lên sự trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày càng chính quy, hiện đại với lực lượng rất mạnh. Nếu nhớ lại năm 1954, chúng ta có hình ảnh phất cờ trên nóc hầm Đờ- cát thì lúc đó là bộ binh, còn năm 1975 chúng ta có xe tăng hiện đại, quân đội đã trưởng thành. Rõ ràng là biểu tượng đã khác trước, chúng ta đã ở đỉnh cao hơn. Và kết thúc cuộc kháng chiến, bức ảnh được dùng vì có giá trị biểu tượng chung cho chúng ta.

Tôi không phải là phóng viên chuyên chụp ảnh, vì 4 anh em đi cùng đoàn đều là những phóng viên ảnh chuyên nghiệp, có người đã rất nổi tiếng. Tôi chỉ được cơ quan cấp thêm 1 máy để dùng hỗ trợ thêm việc viết bài. Đó cũng là cơ may mà mình đã đứng ở đó để kịp chụp. Lúc tôi chụp xong thì anh Tạo cũng giơ máy lên chụp nhưng tôi nghĩ anh Tạo xuống xe sau tôi nên khi anh chụp thì xe đã vào trong cửa 1 chút và lá cờ không được bay, nhưng lại nhìn được những người dân ở phía sau xe tăng.

Khung cảnh trưa 30/4 là như thế!

Rất may sau bức ảnh được dùng như biểu tượng của chiến thắng tôi nghĩ đó là sản phẩm chung của anh em báo chí TTXVN và mình là người có mặt ở đó để chụp và tôi nghĩ ai đứng ở đó đều có thể chụp những bức ảnh như vậy có điều nó là may mắn cho người cầm máy, cầm bút như tôi "- Nhà báo Trần Mai Hưởng nói.

Clip: Nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ về ngày chiến thắng 30/4


 Những người hùng trở về vui với ruộng vườn

Một cái duyên trong cuộc đời của Nhà báo Trần Mai Hưởng, ngày 22/4/2016 ông đã gặp lại những người lính trên chiếc xe tăng có số hiệu 846 trong bức ảnh "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975" do ông chụp.

"Chúng tôi đã trở thành những người bạn thân tình. Sau chiến tranh, họ về quê, không ai phát triển lên thành sĩ quan cấp cao hay có vị trí gì đặc biệt. Họ là những người lao động, anh Trưởng xe Nguyễn Quang Hòa thì về quê ở La Khê, Hà Đông buôn bán kiếm sống; anh lái xe Trần Bình Yên về quê ở Hà Nam làm kinh tế trang trại; Pháo thủ số 1 Nguyễn Ngọc Quý về Hải Phòng cũng làm nông dân, trở lại đời sống ruộng đồng. Còn anh chiến sĩ đứng trên tháp pháo là Nguyễn Bá Tứ làm nghề lái xe buýt. Gần đây bị ung thư thực quản không nói được nữa, phụ vợ đi bán xôi trên đường Hoàng Hoa Thám.

Người chụp ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập: Đó là những năm tháng chúng ta không thể quên, không được phép quên - Ảnh 3.

Những người lính trở về, họ sống cuộc sống bình thường với những lo toan (trong ảnh là Nhà báo Trần Mai Hưởng chụp cùng những nhân vật đã đi vào lịch sử, có mặt trên chiếc xe tăng mang số hiệu 846)


Những người lính trở về, họ sống cuộc sống bình thường với những lo toan. Vượt lên mọi khó khăn như muôn triệu người lính trở về sau hòa bình. Nghĩa là họ cũng bằng lòng với cuộc sống ấy. Không nghĩ nhiều đến công lao, họ nói với tôi và chúng tôi nói với nhau "Bức ảnh tôi chụp như một kỷ niệm trong cuộc đời người lính. Trong một khoảnh khắc ấy, cũng vinh dự. Thế thôi, chẳng có gì to tát cả"- Nhà báo Trần Mai Hưởng trầm tư kể.

Trong những dịp lễ, tết, Nhà báo Trần Mai Hưởng đều muốn hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với những người bạn của mình nhiều hơn. Ông cũng mong muốn có nhiều chính sách hơn cho những người đồng đội, người lính trở về sau cuộc chiến. Nhưng đất nước với hàng triệu người lính trở về sau chiến tranh. Những người ở lại quân đội, phát triển thành sỹ quan tướng lĩnh thì ít. Còn lại phần lớn là về quê, mọi người tự bươn chải, đời sống rất khó khăn. Ông chia sẻ, đó là điều bình thường, chẳng trách được ai cả nhưng là nỗi băn khoăn của cá nhân ông.


Người chụp ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập: Đó là những năm tháng chúng ta không thể quên, không được phép quên - Ảnh 6.

Có sự hy sinh nào không day dứt?


Cho đến bây giờ, sự hy sinh của hai người quen vẫn còn là nỗi xúc động sâu sắc đối với Nhà báo Trần Mai Hưởng.

Ông nhớ lại: Nhà báo Lương Nghĩa Dũng cũng là phóng viên TTXVN cùng vào Quảng Trị năm 1972 với tôi. Nhưng một người theo đoàn đi vào miền Đông, 1 đoàn đi vào miền Tây Quảng Trị. Gặp nhau ở Đèo Ngang, anh Dũng vén cái áo trấn thủ ra cho tôi xem và bảo, đây này, cái áo có nước đái của con còn khai mang đi theo để đỡ nhớ con. Người lính ra trận là như thế. Mấy tháng sau tôi nhận được tin anh ấy hy sinh. Đối với tôi đó là hình ảnh người lính, người phóng viên chiến trường ra đi với tất cả tình cảm day dứt, họ đi mang theo cả ký ức về gia đình, người thân, vợ con… là nguồn động viên tinh thần của họ và có thể không trở về.


Nhà báo Trần Mai Hưởng trầm tư với những hình ảnh lịch sử mà mình từng là chứng nhân


Nhà báo Trần Mai Hương cũng chụp được bức ảnh chị Thu Hồng, du kích Gio Linh, Quảng Trị đang tập bắn trước cuộc tổng tiến công năm 1972, sau này, bức ảnh được gia đình nữ du kích gìn giữ như kỷ vật thiêng liêng nhất.

Ông kể, khi chúng tôi qua sông Hiền Lương gặp du kích đang tập luyện và tôi có chụp một số bức ảnh. Trong số những bức ảnh có hình ảnh cô du kích đang ngắm bắn rất xinh đẹp. Ảnh phát về Hà Nội cũng rất nhiều báo đăng.

Tôi hỏi chuyện mới biết cô du kích không phải người được sinh ra ở Gio Linh, Quảng Trị mà quê ở đấy. Bố cô từng là Thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị, Trưởng Ban Dân vận được ra Bắc học tập. Lớn lên cô xin về xã làm du kích, muốn đóng góp cho quê hương trên vị trí của một người chiến sĩ bình thường. Tôi có nói chuyện với cô ấy và hẹn gặp lại trả ảnh cho cô ấy sau Giải phóng. Nhưng rất tiếc là khi chiến dịch nổ ra thì cô ấy hy sinh.

Người chụp ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập: Đó là những năm tháng chúng ta không thể quên, không được phép quên - Ảnh 8.

Liệt sĩ Thu Hồng, du kích xã Gio Mỹ , huyện Gio Linh, Quảng Trị, hy sinh trong chiến dịch tổng tiến công 1972 (ảnh: Trần Mai Hưởng)

Chiến tranh đã qua rồi. Bây giờ chúng ta nhắc lại để nhớ rằng cái giá phải trả cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước rất lớn. Những thế hệ sau này sẽ phải tiếp tục phát triển đất nước nhưng những ký ức về những năm tháng đã hy sinh xương máu ấy chúng ta không thể quên, không được phép quên.

Và đó chính là giá trị tinh thần mà thế hệ mai sau có thể nhìn nhận và tiếp thu để nâng cao niềm tin của mình trong quá trình phát triển đất nước./.


Hồng Hà
Đình Đạt
29/04/2020 00:00

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×