Nghiên cứu thí điểm Hộ chiếu vaccine tại Phú Quốc: Nhiều việc cần làm ngay
28/06/2021 | 14:18LTS: Tại phiên họp ngày 11/6, Bộ Chính trị cho phép nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang. Nhằm góp thêm những kiến giải cho vấn đề này, Báo Điện tử Tổ Quốc thực hiện tuyến bài về thực hiện thí điểm hộ chiếu vaccine tại Phú Quốc, góp phần hồi phục ngành kinh tế mũi nhọn trong tình hình mới.
Bài 1: Thực hiện thí điểm hộ chiếu vaccine tại Phú Quốc là một điểm sáng của ngành du lịch
Trả lời phỏng vấn báo điện tử Tổ Quốc, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) nêu quan điểm như vậy.
Thực hiện thí điểm là một cách làm đúng và cần có sự chuẩn bị sớm từ bây giờ
- PV: Mới đây, Bộ Chính trị đã cho phép thực hiện thí điểm hộ chiếu vaccine tại Phú Quốc, Kiên Giang, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Ông Hoàng Nhân Chính: Trước hết chúng ta có thể nhìn thấy tình hình dịch bệnh Covid – 19 tác động nặng nề tới ngành du lịch Việt Nam trong suốt hơn một năm qua. Theo số liệu khảo sát vào tháng 3/2021 thì TAB nhận thấy các doanh nghiệp du lịch đã bị sụt giảm rất nhiều về doanh thu trong năm 2020. Sự tàn phá này làm cho nhiều người làm trong ngành du lịch không còn công ăn việc làm, theo đợt khảo sát của TAB sau đợt bùng phát dịch thứ ba thì còn chưa đầy 70% số lao động còn giữ được công việc trong ngành du lịch. Tới lần thứ 4 này, sự bùng phát còn nguy hiểm hơn và tàn phá nặng nề hơn, không chỉ kéo dài, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành mà còn đúng vào thời điểm ngành du lịch có cơ hội phục hồi du lịch nội địa. Tôi phỏng đoán, số liệu lao động có thể còn sụt giảm đi nhiều, nhiều người còn công ăn việc làm tiếp tục có thu nhập kém đi, cuộc sống khó khăn. Không chỉ ngành du lịch bị tàn phá nặng nề, các ngành kinh tế khác liên quan tới du lịch như ngành hàng không cũng rất vất vả.
Nhìn vào đây để thấy, việc Bộ Chính trị cho phép nghiên cứu thực hiện thí điểm hộ chiếu vaccine tại Phú Quốc là một điểm sáng của ngành du lịch, giúp cho ngành có một động lực mạnh mẽ để phát triển trở lại.
Khi khảo sát các doanh nghiệp du lịch họ khẳng định nếu chỉ phục hồi du lịch nội địa không thôi thì chưa đủ để khôi phục ngành du lịch mà phải có sự trở lại của khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng khi mở cửa trở lại phải đảm bảo thật sự an toàn vì chỉ cần có một du khách nhiễm Covid-19 thì sẽ để lại hậu quả rất lớn.
Quan điểm của Bộ Chính trị hiện nay là thực hiện thí điểm, chưa mở rộng và cần có thời hạn nhất định để cân nhắc xem chúng ta đã mở đúng chưa, mở như thế nào để có sự đánh giá lại sau một thời gian thí điểm. Đó là một cách làm đúng và cần có sự chuẩn bị sớm từ bây giờ bởi nếu xác định mở cửa ngành du lịch vào cuối năm nay thì có rất nhiều việc phải làm cho tới khi đón đoàn khách đầu tiên tới Việt Nam.
- PV: Hiện nay trên thế giới đã có bao nhiêu nước áp dụng hộ chiếu vaccine và việc này có tác động tới ngành du lịch toàn cầu như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Nhân Chính: Tôi không nắm con số chính xác, tuy nhiên một số nước châu Âu và Mỹ có phương án mở cửa trở lại cho khách du lịch, các nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore đều có kế hoạch. Tất nhiên việc mở cửa thật sự, bung ra hoàn toàn như trước đây thì chưa có.
Điều này thể hiện sự thận trọng của các nước. Nếu chỉ nói câu chuyện hộ chiếu vaccine để tin là đã đảm bảo an toàn là việc chưa nên nghĩ tới, cho nên chúng ta chỉ có thể làm thí điểm, sau khi làm xong mới có thể kết luận được đủ đảm bảo an toàn để mở cửa hay không?
An toàn là trên hết
- PV: Với Việt Nam, lựa chọn áp dụng thí điểm ở Phú Quốc - địa điểm du lịch biển đảo đẹp vào loại bậc nhất của chúng ta thì việc áp dụng hộ chiếu vaccine này cần lưu ý những vấn đề nào, thưa ông?
Ông Hoàng Nhân Chính: Theo tôi cần lưu ý một số việc như sau. Trước tiên việc phát triển du lịch trong giai đoạn này cần tính tới an toàn. Trước đây, chúng ta thường đặt tiêu chí hướng tới khách du lịch có khả năng chi trả cao, ở lâu, có khả năng đóng góp nhiều cho ngành du lịch. Giờ tiêu chí đó đứng ở hàng thứ 2 bởi hàng thứ nhất phải là việc mở cửa như thế nào để an toàn cho du lịch phát triển.
Ở khía cạnh an toàn thì phải đảm bảo an toàn từ phía khách du lịch mang đến và an toàn ở ngay tại điểm đến. Ở phía du khách, đầu tiên phải xét đến những nước nào là an toàn, có khả năng mở cửa với nước đó, chúng ta phải tính từng bước một và xem xét đàm phán song phương với từng nước chứ không thể mở cửa một cách đại trà. Quyết định mở cửa cho nước nào đó phải có một nhóm các cơ quan cùng bàn bạc và không chỉ có Bộ VHTTDL mà còn có Bộ Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông để cùng đưa ra tiêu chí an toàn. Khách nước họ nếu đến Việt Nam thì họ sử dụng sản phẩm du lịch thuận tiện trong việc kiểm soát du lịch. Có khách họ chỉ nghỉ dưỡng một điểm, có khách đến chỉ đến chơi golf trong một không gian nào đó. Nhưng nếu khách muốn đi nhiều nơi, nhiều vùng ở Việt Nam thì có thể độ an toàn không cao. Nên chúng ta phải cân nhắc các yếu tố và mỗi một bộ ngành đưa ra tiêu chí thế nào an toàn của ngành mình để cùng xem xét, cân nhắc, để lựa chọn nước nào. Sau khi lựa chọn xong thì đưa ra quy trình đón khách thế nào là an toàn.
Hiện truyền thông nói khá nhiều về hộ chiếu vaccine, chúng tôi vẫn giữ quan điểm, đây là điều kiện cần chứ chưa đủ. Nếu đến Việt Nam thì trước khi lên máy bay, du khách phải có giấy xét nghiệm nhanh, đến sân bay Việt Nam test nhanh một lần nữa, thời gian chờ kết quả thì cách ly từ 3 tới 5 ngày, nếu làm được đầy đủ như thế thì sẽ an toàn. Quy trình này phải có ý kiến của chuyên gia bên Bộ Y tế. Bên du lịch thì mong muốn test nhanh cho du khách và tâm lý khách du lịch là không muốn bị cách ly lâu thì ngành du lịch phải xây dựng được sản phẩm du lịch trong khi khách chờ kết quả test, để họ có cảm giác đi du lịch bình thường, vui vẻ.
Sau đó khách du lịch phải cài đặt phần mềm theo dõi dù đã có kết luận âm tính rồi nhưng vẫn phải luôn cẩn thận cảnh giác tránh lây nhiễm không cần thiết. Có thể phải hạn chế tiếp xúc nhiều người, áp dụng nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
Khách du lịch cũng cần mua bảo hiểm về Covid- 19 nhằm đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của du khách, công ty du lịch và chính quyền địa phương trong trường hợp hủy hoặc hoãn chuyến du lịch... phòng khi trường hợp có ca nhiễm xảy ra.
Phía Việt Nam cũng cần chuẩn bị các điểm đến an toàn, khu vực đó có đủ rộng, có phòng tạm cách ly nếu phát hiện khách nghi ngờ nhiễm Covid-19 hay không, quy trình đón khách có đúng quy trình của Bộ Y tế và Tổng cục Du lịch hay chưa, người lao động có được đào tạo khi phát hiện khách có biểu hiện nhiễm Covid- 19 thì như thế nào…
Một việc nữa là lao động ngành du lịch cần được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 100%. Giả sử tháng 10 đón khách quốc tế thì tháng 9 đã phải tiêm xong cho các lực lượng này. Tôi được biết, Hiệp hội Du lịch cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp du lịch sẵn sàng chung tay cùng Chính phủ chi tiền mua vaccine để tiêm cho lao động ngành du lịch. Ngoài ra, khi chọn Phú Quốc làm thí điểm thì cộng đồng dân cư ở đây cũng cần được tiêm chủng đảm bảo đạt mức từ 70% trở lên.
Điểm đến an toàn cũng cần quy định: trong thời gian thí điểm thì các cơ sở dịch vụ lưu trú đón khách phải có cam kết người lao động sẵn sàng ở lại trong khu coi như cách ly trong khu vực. Sau đó sẽ nới lỏng quy định này nếu tình hình an toàn hơn.
Ngoài ra, phía chính quyền cần xây dựng một kế hoạch quản trị rủi ro. Ví dụ như sân bay, phương tiện vận chuyển, hướng dẫn viên… có rủi ro không? Những vấn đề này phải đưa ra phương án và xây dựng thành một kế hoạch tổng thể và thực hiện đầy đủ, có sự tham gia của nhiều ngành như ngành Y tế để quản trị các rủi ro đó. Đây là điều các nước đều tính đến, trong thư của chúng tôi gửi Thủ tướng cũng nhấn mạnh điều này, từ cấp quốc gia cho tới Phú Quốc, tới từng doanh nghiệp hiểu được quản trị rủi ro như thế nào.
Quản trị rủi ro không chỉ xây dựng cho ngành du lịch đâu mà cả các ngành khác. Ví dụ, nếu xảy ra một nhóm khách quốc tế nghi nhiễm Covid-19 thì thì truyền thông đưa tin như thế nào cho phù hợp mà không che giấu thông tin nhưng cũng không gây hoang mang. Hay khi có ca dương tính thì chính quyền quyết định đóng cửa hay không…
Riêng với Phú Quốc ngoài những đề xuất vừa nêu thì theo tôi, quan trọng nhất là Chính phủ hãy ưu tiên 2 việc, một là tiêm chủng cho người dân Phú Quốc. Như bên Thái Lan, khi họ chọn Phuket thì từ nay tới tháng 7 là tiêm cho 70% cho cộng đồng ở đây. Thứ 2, Bộ Y tế nên dồn lực cho Phú Quốc xây dựng một bệnh viện có tầm quốc tế ở đây với một đội ngũ y bác sĩ đủ trực chiến để khi có vấn đề thì hướng dẫn ngay tại chỗ. Đồng thời, đội ngũ này cũng tham gia kiểm soát các hệ thống du lịch có đảm bảo yêu cầu như Bộ Y tế đưa ra hay không?
Ngành du lịch cũng cần xây dựng rất nhiều như sản phẩm du lịch cho phù hợp, lên kế hoạch marketing tập trung vào các thị trường nào, thông điệp ra làm sao. Chọn mở cửa thị trường nào thì chiến dịch marketing tập trung vào thị trường đó và mỗi thị trường lại có một cách tiếp cận khác nhau.
Để lựa chọn được một điểm đến, thị trường đến và thời điểm đến thì còn rất nhiều việc phải làm. Tất nhiên, an toàn vẫn là tiêu chí trên hết. Nhưng nếu vì an toàn mà không thí điểm thì sẽ không phát triển được kinh tế. Chúng ta cần đưa ra các nguy cơ để chủ động giảm thiểu thiệt hại đúng như tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng: chủ động tấn công Covid để phát triển kinh tế, còn nếu chỉ đứng chờ Covid nó tự hết thì chúng ta bị chậm chân trong phát triển du lịch, ngành sẽ bị phục hồi chậm.
- PV: Xin cảm ơn ông!
Bài 2: Địa phương, doanh nghiệp sẵn sàng cho Hộ chiếu Vaccine