Nghệ sĩ Việt - Pháp hội ngộ trong đêm nhạc cổ điển Độc tấu piano Charles - Valentin Alkan
01/10/2019 | 14:57Đêm nhạc cổ điển Độc tấu piano Charles-Valentin Alkan của hai nghệ sĩ tài năng Alessandro Marino và Nguyễn Đức Anh diễn ra vào 20 giờ ngày 5/10, tại Hội trường L'Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Charles - Valentin Alkan là nhà soạn nhạc người Pháp gốc Do Thái và cũng là một nghệ sĩ piano kiệt xuất trong thời kỳ Âm nhạc Lãng mạn. Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, Chopin đã vô cùng ấn tượng với tài năng của Alkan và họ nhanh chóng trở thành những người bạn tâm giao. Alkan cũng được Franz Liszt nhận xét là nghệ sĩ có kỹ thuật tinh tế nhất.
Dù nhận được sự tán dương và nể trọng của đồng nghiệp - những nhà soạn nhạc tên tuổi kiêm nghệ sĩ dương cầm "đình đám" thời bấy giờ như Franz Liszt, Sigismond Thalberg, Friedrich Kalkbrenner, nhưng tác phẩm của ông không được công chúng biết đến rộng rãi. Có lẽ bởi tác phẩm của ông quá khó để được các nhà xuất bản chấp nhận in, hoặc "khó đến mức không thể chơi nổi", gần như "đánh đố người chơi" như người ta vẫn đồn thổi.
Với tâm hồn nghệ sĩ vô cùng nhạy cảm cùng bản tính rụt rè, nhút nhát, Alkan lựa chọn lối sống khép kín, ẩn dật. Các sáng tác của Alkan có lẽ vẫn là một điều bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu, bởi trái ngược với tính cách hướng nội, khép kín của mình, tác phẩm của Alkan hiện đại, thậm chí vượt thời đại về nhạc điệu và cấu trúc. Đáng tiếc là công chúng của thế kỷ 19 chưa đánh giá đúng giá trị các tác phẩm này.
Nghệ sĩ Alessandro Marino.
Phải đến nửa sau của thế kỷ 20, các nghệ sĩ mới bắt đầu biểu diễn tác phẩm Alkan. Tác phẩm ấn tượng nhất của Alkan có lẽ là bộ Mười hai bản etude trên điệu thứ Opus 39. Tập Opus bất hủ này kéo dài trong hơn hai tiếng đồng hồ, gồm một bản concerto và một bản giao hưởng viết cho piano độc tấu… Alkan soạn ra bộ Mười hai bản etude với một chủ đích mang tính liên tục (các điệu tính từ tác phẩm đầu tiên liên tục tăng một quãng bốn tới tác phẩm cuối cùng). Tuy vậy, việc trình diễn bộ tác phẩm trọn vẹn có thể nói vượt quá sức giới hạn của các nghệ sĩ biểu diễn về cả độ dài lẫn sự hóc búa của kỹ thuật.
Trong lịch sử chỉ có ba nghệ sĩ piano đã từng chơi trọn vẹn cả bộ Opus 39 trong một buổi hòa nhạc. Đây cũng là điều thôi thúc Nguyễn Đức Anh và Alessandro Marino trở thành những nghệ sĩ tiếp theo có vinh dự được trình diễn trọn bộ mười hai bản etudes này của Alkan, với mục tiêu mang những tác phẩm âm nhạc có chất lượng đã không may bị lãng quên tới khán giả yêu dương cầm nói riêng và âm nhạc cổ điển nói chung.
Nguyễn Đức Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Anh theo học tại Nhạc viện Freiburg - Cộng hòa Liên bang Đức và đã hoàn thành hai tấm bằng Cử nhân và Thạc sĩ piano chuyên ngành biểu diễn dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Tibor Szász và Giáo sư Éric Le Sage. Nhờ những cống hiến và thành tích trong âm nhạc, nghệ sĩ Nguyễn Đức Anh đã vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam năm 2015. Năm 2019 cũng đánh dấu sự thành công của Đức Anh khi anh ra mắt với vai trò nghệ sĩ độc tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam.
Nghệ sĩ Nguyễn Đức Anh.
Cùng biểu diễn với anh trong đêm nhạc độc tấu piano Charles-Valentin Alkan là nghệ sĩ Alessandro Marino, đồng thắng cuộc tại cuộc thi piano quốc tế Alkan-Zimmerman năm 2014 tại Athen, Hy Lạp. Alessandro Marino đạt giải cao nhất trong cuộc thi Ibla Grand Prize vào năm 2015, nhờ đó mà anh đã có vinh dự được biểu công diễn tại phòng Hòa nhạc lừng danh Carnegie Hall năm 2016.
Alessandro Marino đã biểu diễn tại nhiều nơi trên thế giới như Nhà hát Felix Meritis (Hà Lan), Nhà hát Argenta (Hoa Kỳ), liên hoan âm nhạc Piano aux Jacobins (Pháp), liên hoan Longlake Lugano (Thụy Sĩ)…Các bản trình diễn của anh thường xuyên được phát sóng tại Ý. Thậm chí Sky Classic HD (Ý) đã làm một bộ phim tài liệu riêng về anh cho chương trình Talenti!
Giống như Nguyễn Đức Anh, Alessandro luôn dành mối quan tâm đặc biệt đến những nhạc sĩ tài năng nhưng không may bị lãng quên như Alkan, Gottschalk, và Moszkowski. Chính lẽ đó, hai nghệ sĩ tài năng và đầy tâm huyết này quyết định thực hiện dự án âm nhạc bao gồm những giai điệu đẹp nhất và cũng khó nhất của nhà soạn nhạc Pháp Charles-Valentin Alkan: Mười hai bản etude trên điệu thứ Opus 39.