Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nghệ An: Để lễ hội truyền thống ấn tượng trong lòng du khách

21/10/2021 | 11:02

Lễ hội truyền thống là một hoạt động văn hóa lâu đời của dân tộc, thể hiện đầy đủ, rõ nét về sắc thái cũng như bản sắc văn hóa của từng địa phương. Tuy nhiên, hiện nay Lễ hội truyền thống Nghệ An đang đứng trước nguy cơ hiện đại hóa làm dần mất đi những vẻ đẹp truyền thống mà ông cha ta đã xây dựng lên.

Cứ mỗi độ xuân về, khi tiết trời thay hương, thay sắc, nhà nhà, người người ai cũng lo toan để sắm sanh những thứ vật chất để phục vụ cho ngày tết. Bên cạnh đó, họ còn hình thành trong tư duy một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của cha ông, đó là đi chùa, đi đền cầu an, cầu tài, cầu lộc cho đất nước, cho gia đình cả năm được may mắn, an lành. Và hơn hết là được hòa mình trong các lễ hội truyền thống của quê hương để hưởng thụ những tinh hoa văn hóa của dân tộc còn đọng lại trong các lễ hội cổ truyền đầu xuân năm mới. Tuy nhiên những giá trị văn hóa trong lễ hội đang dần bị đánh mất bởi nhiều nguyên nhân không đáng có.

Thực trạng đó, đặt ra cho chúng ta một bài toán về văn hóa ứng xử trong công tác tổ chức lễ hội để có thể hòa nhập chứ không hòa tan những nét đẹp văn hóa dân tộc trước sự hội nhập và tiếp biến văn hóa trong thời đại mới.

Nghệ An: Để lễ hội truyền thống ấn tượng trong lòng du khách - Ảnh 1.

Ảnh: Lễ hội Hang Bua

Nằm trên con đường di sản - là cầu nối văn hóa giữa miền Bắc và miền Trung, Nghệ An được xem là một vùng đất có nhiều lễ hội truyền thống, với 29 lễ hội được tổ chức thường niên có quy mô lớn và nhiều lễ hội có quy mô địa phương như: lễ Hội Đền Cờn (Quỳnh Lưu); lễ hội Đền Cuông (Diễn Châu), Lễ hội đền Chín Gian, (Quế Phong); Lễ Hội Đền Quả Sơn (Đô Lương); Lễ Hội Đền Nguyễn Xý, (Nghi Lộc), Lễ hội Đền Vạn Cửa Rào (Tương Dương); Lễ Hội Pu Nhạ Thầu, (Kỳ Sơn),…

Đây là một lợi thế giúp Nghệ An có thể khai thác loại hình du lịch lễ hội để thu hút du khách nhưng cũng từ đó đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội của các địa phương cũng như các cấp các ngành liên quan để cho hoạt động lễ hội diễn ra phong phú, trang nghiêm, tiết kiệm và mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, tạo dấu ấn cho du khách.

Nhìn chung, trong thời gian qua, cơ bản công tác tổ chức lễ hội ở Nghệ An đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, tạo điều kiện để giao lưu văn hóa, sinh hoạt cộng đồng và giới thiệu các món ăn đặc sản vùng miền, góp phần vào phát triển kinh tế du lịch, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa địa phương.

Nghệ An: Để lễ hội truyền thống ấn tượng trong lòng du khách - Ảnh 2.

Ảnh: Lễ hội đền Đức Hoàng

Tuy nhiên, thực tế công tác tổ chức lễ hội trong những năm qua cho thấy một thực trạng chung trong quá trình diễn ra các lễ hội, đó là công tác xây dựng kịch bản và kế hoạch tổ chức các Lễ hội có sự na ná như nhau, trùng lặp về nội dung, chưa đi sâu vào việc tìm hiểu, khai thác, nghiên cứu bản sắc văn hóa của từng địa phương để tạo sự khác biệt trong các lễ hội và tạo điểm nhấn cho lễ hội, dẫn đến nhàm chán và thiếu sức thu hút.

Đành rằng công tác nghiên cứu tìm hiểu không phải ngày một ngày hai mà là một quá trình và đòi hỏi chúng ta phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Song đó là một xu hướng mà chúng ta cần phải phát huy nếu như chúng ta muốn có một lễ hội truyền thống mang tầm lễ hội vùng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế như các địa phương cả nước.

Một thực trạng nữa mà chúng ta cần phải nói đến trong lễ hội truyền thống ở Nghệ An, đó là quy trình tổ chức phần lễ và phần hội. Các lễ hội cổ truyền diễn ra trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua có xu hướng ngày càng ít chú trọng phần lễ, chủ yếu tập trung cho phần hội mà quên đi linh hồn của lễ hội chính là các nghi lễ truyền thống bản địa. Hoặc nếu trong quá trình tổ chức lễ hội, phần lễ cũng chỉ diễn ra một cách qua loa, lấy lệ, giản lược đến tối thiểu các khâu đoạn trong phần lễ, làm mất đi ý nghĩa linh thiêng của lễ hội. Xét về phương diện văn hóa tinh thần thì lễ là hoạt động chính của lễ hội, thông thường phần lễ phải đạt được các thỏa mãn của con người đó là tính cố kết cộng đồng, tính công cư, tính thiêng và hơn ai hết là thể hiện tình cảm một mạc của con người gửi gắm những ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Chính trong phần lễ đã toát lên những giá trị văn hóa cũng như bản sắc độc đáo cho lễ hội truyền thống thông qua trang phục, văn cúng, các tục hèm mà chúng ta thường gọi là giá trị văn hóa phi vật thể. Đây chính là điểm nhấn của lễ hội mà chúng ta cần phát huy trong tương lai, cũng là một cách để bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh khâu chú trọng đến nội dung kịch bản đi sâu nghiên cứu những giá trị văn hóa vốn có của lễ hội cổ truyền, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực trạng chung phụ thuộc vào quy luật phát triển khách quan của xã hội đó là yếu tố thời đại cũng đã ảnh hưởng ít nhiều trong tư duy của những người tham gia lễ hội và những người tổ chức lễ hội. Điều đó được thể hiện qua hình thức du nhập các hoạt động vui chơi giải trí mang tính chất hiện đại như: thi người đẹp; thi cắm trại; bóng đá, bóng chuyền,... tỷ lệ nghịch với hoạt động lễ hội mới đó là các trò chơi mang tính dân gian, truyền thống như: kéo co, đánh phết, cờ người, chọi gà, ném còn, đánh đu... đã được chúng ta vô tình trả về quá khứ để đến một thời gian không xa nữa, các trò chơi dân gian đó chỉ còn ở trong tiềm thức của chúng ta mỗi khi tham gia lễ hội.

Lễ hội là môi trường bảo lưu các giá trị truyền thống ngàn năm của cha ông, là hồn dân tộc. Thiết nghĩ, bảo tồn phát huy giá trị bản sắc văn hóa trong lễ hội cổ truyền là một nhiệm vụ hết sức cần thiết, để lễ hội truyền thống Nghệ An thực sự ấn tượng trong lòng du khách.

Theo CTTĐT Sở VHTT Nghệ An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×