Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4: Phát huy “sức mạnh mềm” cho phát triển bền vững

19/04/2022 | 16:19

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa như là hồn cốt của dân tộc hay tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Do vậy, phát triển văn hóa phải được xem là một trong những đột phá quan trọng nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước. Thấm nhuần tư tưởng đó, những năm qua tỉnh Thanh Hóa luôn coi văn hóa là động lực, là mục tiêu để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4: Phát huy “sức mạnh mềm” cho phát triển bền vững - Ảnh 1.

Lễ hội Mai An Tiêm, xã Nga Phú (Nga Sơn)

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Thanh Hóa được biết đến là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nhờ bởi bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa được hun đúc qua hàng nghìn năm mà trở nên phong phú, đặc sắc và giàu giá trị. Đó là 1.535 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, với 854 di tích đã được xếp hạng các cấp (gồm 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia, 709 di tích cấp tỉnh). Nhận thức rõ vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, nhiều năm trở lại đây, tỉnh ta luôn quan tâm trùng tu, tôn tạo di tích. Tính riêng giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh đã huy động xã hội hóa được 781,46 tỷ đồng để đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp hàng trăm di tích. Nhiều di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo đã từng bước phát huy giá trị khi trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Tiêu biểu trong đó phải kể đến Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân)...

Xứ Thanh là mảnh đất quần cư lâu đời của 7 dân tộc Kinh, Mường, Mông, Thái, Thổ, Dao, Khơ Mú, mà mỗi dân tộc đã sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, mang bản sắc riêng. Đó là hàng trăm lễ hội lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo, dân gian đặc sắc diễn ra suốt “xuân thu nhị kỳ”. Từ những lễ hội gắn với cư dân miền biển như Cầu Ngư đến những lễ hội tín ngưỡng - tâm linh có sức hút lớn như lễ hội đền Sòng Sơn, lễ hội Đền Nưa - Am Tiên và đặc biệt là những lễ hội có quy mô lớn, gắn với những nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng như lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn, lễ hội Bà Triệu... Có thể nói, sự đa dạng của lễ hội là một “tấm gương” phản chiếu sự phong phú, đặc sắc và giàu giá trị của kho tàng văn hóa xứ Thanh. Chưa hết, mỗi dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất này còn sáng tạo và gìn giữ được một hệ thống trò chơi trò diễn, dân ca, dân vũ, tiếng nói, chữ viết, trang phục, tri thức dân gian... hết sức độc đáo và giàu bản sắc. Nhiều di sản trong số đó đã vượt qua sự kiểm chứng khắt khe của thời gian và được “sàng lọc” của cuộc sống, để khẳng định giá trị và được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điển hình là Trò Xuân Phả (Thọ Xuân), lễ hội Trò Chiềng (Yên Định), lễ hội Pồn Pôông (Ngọc Lặc), Kin Chiêng Bọoc Mạy (Như Thanh)...

Các di sản vật thể và phi vật thể được vinh danh đã khẳng định giá trị của nó trong đời sống cộng đồng; đồng thời cũng cho thấy sự trân trọng, gìn giữ của nhiều thế hệ người con Thanh Hóa đối với di sản cha ông đã sáng tạo nên và trao truyền lại. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để tỉnh ta tập trung đầu tư khai thác, phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình là việc xây dựng các quy hoạch, đề án, dự án khai thác di sản gắn với loại hình du lịch văn hóa - tâm linh, như: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch; dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Lam Kinh; đề án nghiên cứu, phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phục vụ phát triển du lịch; đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2019-2030... Kết quả, trong giai đoạn 2016-2020, các khu du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn ước đón được gần 7,5 triệu lượt khách, chiếm 17,6% tổng khách du lịch toàn tỉnh. Trong đó, nổi bật như Khu Di tích lịch sử Lam Kinh ước đón trên 1,2 triệu lượt khách; Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ ước đón được 566 nghìn lượt khách. Đây cũng là cơ sở để Thanh Hóa tiếp tục kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá vẻ đẹp đất và người Thanh Hóa đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Thực tiễn phát triển đất nước những năm qua đã cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nêu rõ: việc kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; đồng thời, chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh và đất nước... Đây sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh ta xây dựng một chiến lược bài bản cho công tác bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội; cũng như tạo nền tảng để tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa và thể thao của khu vực và cả nước.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×