Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ngày Sách Việt Nam 21/4: Tôn vinh sách và văn hóa đọc  

19/04/2018 | 08:42

Ở Việt Nam, hơn 10 năm nay, hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4), Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức, phát động “Ngày Sách và Văn hóa đọc” có quy mô quốc tế này.

 

Trong dòng chảy của lịch sử văn minh nhân loại từ bao thế kỷ nay, ở nhiều nước đã xuất hiện thư viện và việc tổ chức đọc sách, báo cho các tầng lớp nhân dân. Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh Giooc-giơ 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện.... Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới (có một sự trùng lặp đáng nhớ, bởi đó cũng là ngày mất của hai đại văn hào nổi tiếng tiếng giới: W. Shakespeare và M. Cervantes).

Mỗi năm có hàng chục Hội chợ, Ngày sách, triển lãm sách. được tổ chức trên khắp đất nước

 

Nhìn trên bình diện quốc tế, những Lễ hội sách/Ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, việc tổ chức các Ngày sách và Văn hóa đọc càng góp phần khẳng định: Sách và văn hoá đọc mãi mãi trường tồn.

Ở Việt Nam, hơn 10 năm nay, hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4), Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức, phát động “Ngày Sách và Văn hóa đọc” có quy mô quốc tế này. Từ đó đến nay, Ngày hội sách và văn hóa đọc ở nước ta đã dần trở thành nề nếp, đi vào chiều sâu, có sức lan toả rộng rãi từ Trung ương tới các địa phương, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Với mục đích cao cả: không chỉ tôn vinh sách, giá trị của tri thức và văn hoá đọc, khẳng định vị thế xã hội và tầm quan trọng của Sách và việc đọc sách - một nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần, truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam - Ngày hội sách và văn hóa đọc ở Việt Nam còn mang một ý nghĩa nhân văn, đó là: Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động: Triển lãm, trưng bày sách báo, triển lãm thư pháp, giao lưu giữa nhà văn với bạn đọc, toạ đàm, nói chuyện chuyên đề văn học, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách, xếp sách nghệ thuật...  Ngày hội sách và văn hóa đọc ở Trung ương và các địa phương đã huy động được sự đóng góp, hỗ trợ, tài trợ cả vật chất và tinh thần cho các thư viện - nơi nuôi dưỡng văn hoá đọc. Công tác xã hội hóa thư viện có ý nghĩa này đã, đang thu được nhiều kết quả to lớn (Chỉ tính riêng ở Thư viện Quốc gia VN từ năm 2006 đến nay, Ngày hội đọc sách hằng năm đã nhận được sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước với hàng chục nghìn cuốn sách, nhiều trang thiết bị (có trị giá vài tỷ VND). Ở Thư viện KHTH TP Hồ Chí Minh với việc tổ chức Ngày sách VN hằng năm, cũng đã nhận được sự hỗ trợ, tài trợ của nhiều tổ chức & cá nhân trong và ngoài nước (với hàng ngàn cuốn sách mới, nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện trị giá hàng trăm triệu đồng). Đó là chưa kể Ngày sách Việt Nam 21/4 được tổ chức ở nhiều trường đại học và cao đẳng khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam, đã thu hút hàng chục vạn sinh viên, bạn đọc yêu quý thư viện và sách báo quan tâm đến dự ....

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhất là từ năm 2012 đến năm 2017, Ngày hội sách và văn hóa đọc do Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội, đã nhận được hàng ngàn cuốn sách từ các NXB ở Trung ương, các tổ chức xã hội (với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng), để giúp đỡ cho các thư viện, tủ sách ở các địa phương còn nhiều khó khăn như: Hoà Bình, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa thiên-Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình...

Sách, báo quyên góp được thông qua những Ngày hội đọc sách ở các tỉnh, thành và các thư viện trong cả nước đã được đưa tới các điểm đọc, tủ sách, thư viện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số, nơi đang thiếu sách báo, khát khao tri thức. Đây có thể coi là một kết quả thiết thực, có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc của ngành thư viện Việt Nam với những nỗ lực to lớn để góp phần nâng cao dân trí, nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân.

Điều hết sức vui mừng là mong mỏi và nỗ lực đề nghị của các cơ quan, ban ngành về việc lấy một ngày trong năm là ngày sách và văn hóa đọc đã được đáp ứng: Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21 tháng 4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Quyết định nêu rõ: Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Từ đó đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể; hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Ngày Sách Việt Nam hàng năm, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm (điều đáng mừng là 5 năm qua, Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam; hàng năm, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã tích cực triển khai hiệu quả Ngày sách Việt Nam 21/4 với nhiều hình thức phong phú, thiết thực và hiệu quả, nhằm tôn vinh sách và văn hóa đọc ở Việt Nam và 2018, nhiều tỉnh, thành đã và đang tích cực triển khai hoạt động có ý nghĩa này).

Các em thiếu nhi thi vẽ tranh theo sách (nhân Ngày sách Việt Nam
 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, tháng 4 năm 2017)

Đồng thời, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ và “chấn hưng văn hóa đọc” trong bối cảnh văn hóa đọc đang bị văn hóa nghe nhìn lấn át mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Rõ ràng là: Ngành xuất bản, ngành Thư viện ở nước ta lâu nay ước ao có được ngày để tôn vinh cho hoạt động của mình, thì nay đã có. Đồng thời Chính phủ và các Bộ, ngành ở Trung ương cũng đã kịp thời ban hành những văn bản pháp quy về công tác thư viện và văn hóa đọc...

Vấn đề còn lại là: từ nay trở đi, chúng ta cần phải làm gì? làm thế nào?, để Ngày sách Việt Nam 21/4 thực sự có ý nghĩa hơn, nhân văn hơn, thiết thực hơn đối với toàn thể nhân dân, để hoạt động này thu hút được đông đảo bạn đọc cả nước và những người làm nghề sách (xuất bản, in, phát hành) và thư viện, để Ngày Sách Việt Nam trở thành một hoạt động xã hội mang biểu trưng văn hoá, giống như Ngày thơ Việt Nam (Rằm Tháng Giêng) diễn ra hằng năm. Và để hoạt động có ý nghĩa này thực sự lan toả, đi vào cuộc sống; góp phần nuôi dưỡng, duy trì, phát triển, khẳng định và tôn vinh Sách và Văn hoá đọc ở Việt Nam - một nước có nền văn hiến lâu đời - trước bối cảnh văn hoá nghe nhìn đã, đang lấn át mạnh mẽ văn hóa đọc ./.

Ths. Nguyễn Hữu Giới

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×