Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ngày Sách và Văn hóa đọc 21/4: Thắp lên ngọn lửa tri thức trong cộng đồng

19/04/2022 | 14:28

Để đưa văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay cho tên gọi Ngày sách Việt Nam trước đây.

Ngày Sách và Văn hóa đọc 21/4: Thắp lên ngọn lửa tri thức trong cộng đồng - Ảnh 1.

Các em học sinh đọc sách tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh năm 2022. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất - năm 2022, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tôn vinh sách và đưa văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ, thắp lên ngọn lửa tri thức trong cộng đồng.

Ngày hội tôn vinh sách và văn hóa đọc

Từ xưa tới nay, sách luôn gắn bó với đời sống tinh thần của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Đọc sách là nét đẹp văn hóa, giúp con người mở rộng tri thức, hiểu biết trên mọi lĩnh vực, rèn luyện những kỹ năng, tình cảm và thói quen hữu ích.

Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, đồng thời khuyến khích phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 là Ngày Sách Việt Nam. Sau 8 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam 21/4 hàng năm đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trong cả nước, thực sự trở thành nét đẹp văn hóa và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Để đưa văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay cho tên gọi Ngày sách Việt Nam trước đây. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam ra đời đã khẳng định, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là dịp để tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách; các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Triển khai Quyết định của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan được giao chủ trì giúp Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và hướng dẫn hoạt động phát triển văn hóa đọc, ban hành Kế hoạch số 5270/KH-BTTT ngày 24/12/2021 hướng dẫn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên toàn quốc. Theo đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức thường xuyên trong năm với các hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu nhằm phát huy sức mạnh, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, các cơ quan, tổ chức xã hội tham gia vào việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Tại cuộc họp báo về Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên khẳng định, phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia, tác động đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao chất lượng sống của người dân. Trong khi đó, tỷ lệ người đọc sách ở nước ta chưa cao, vì vậy, việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc là dịp để khơi dậy tình yêu sách, thúc đẩy việc đọc sách, tiếp nhận tri thức và nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, văn hóa, phát triển kinh tế đất nước.

Cùng chung quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đoàn Quỳnh Dung cho rằng, việc chuyển từ Ngày Sách Việt Nam sang Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là động lực cho việc khuyến đọc, khơi nguồn cho các hoạt động nhằm thổi hồn vào sách. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ gắn kết các tác giả - người làm sách - tác phẩm - độc giả, giúp lan tỏa sức sống của sách trong cộng đồng…

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, để triển khai thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam chỉ đạo tổ chức chuỗi các hoạt động về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam cả trực tiếp và trực tuyến.

Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức vào lúc 20 giờ ngày 19/4 tại đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Cũng tại địa điểm này, Hội sách sẽ diễn ra từ ngày 19 - 24/4 với sự tham gia của hơn 20 đơn vị xuất bản, trưng bày hàng nghìn đầu sách. Trong khuôn khổ các hoạt động trong ngày hội sách, sẽ có các buổi tọa đàm chuyên sâu về xu hướng xuất bản, phát hành...

Bên cạnh hội sách trực tiếp, để lan tỏa văn hóa đọc trên môi trường số, Hội sách trực tuyến sẽ diễn ra trên sàn Book365.vn trong vòng một tháng, từ ngày 19/4 đến ngày 20/5. 100 đơn vị xuất bản, phát hành trên cả nước tham gia với khoảng 40.000 đầu sách được giới thiệu tới bạn đọc cả nước.

Với thông điệp "Thắp lửa tri thức", Hội sách trực tuyến năm nay có nhiều đổi mới với các hoạt động phong phú, hấp dẫn hơn để thu hút độc giả như giao lưu với người nổi tiếng, tổ chức cuộc thi “Nhà thông thái” để tìm ra 100 bạn đọc tiêu biểu trên cả nước. Đặc biệt, Hội sách trực tuyến năm nay tiếp tục thực hiện các đợt trợ giá lớn với mục đích đưa sách đến bạn đọc, nhất là độc giả vùng sâu, vùng xa.

Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương tổ chức nhiều hoạt động như phát động “Tháng phát hành sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” trên phạm vi toàn quốc; tổ chức các chương trình tọa đàm giới thiệu sách, cuộc thi thi tìm hiểu qua sách, kể chuyện theo sách…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”. Nhiều hoạt động có ý nghĩa được tổ chức để lan tỏa tình yêu sách và đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trên cả nước. Mở đầu cho chuỗi sự kiện là Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022, tọa đàm “Sách và Khát vọng cống hiến” diễn ra tại Phố Sách Hà Nội. Tiếp đó, Lễ Khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2022 diễn ra tại Thư viện Quốc gia Việt Nam với các hoạt như: Triển lãm sách, giao lưu tác giả, tác phẩm, thi vẽ tranh theo sách, thi viết cảm nhận một cuốn sách, trưng bày ảnh tư liệu, giới thiệu sách đạt Giải thưởng sách Quốc gia, trưng bày tranh đạt giải, trải nghiệm kỹ năng đọc sách…

Tại không gian phố sách Hà Nội, địa điểm quen thuộc với độc giả Thủ đô cũng diễn ra nhiều sự kiện hấp dẫn về sách và văn hóa đọc như: Hội thảo “Sách và giáo dục môi trường”, tọa đàm “Nghĩ tích cực, sống tự tin”, ra mắt Dự án sách cộng đồng, tọa đàm “Sách với gia đình”, giới thiệu sách thiếu nhi… Đây cũng là nơi Hội Xuất bản Việt Nam chọn để phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ Phát động phong trào đọc sách vào đúng ngày 21/4.

Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hệ thống thư viện trong cả nước, đặc biệt thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện cơ sở giáo dục đại học, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông các cấp… đã triển khai Ngày hội Sách và Văn hóa đọc với nhiều chủ đề và bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tiễn như tuyên truyền giới thiệu sách, kể chuyện và làm theo sách, vẽ tranh theo sách, xếp sách nghệ thuật, giao lưu, tọa đàm về sách và văn hóa đọc, tôn vinh người đọc, người làm thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và góp phần phát triển văn hóa đọc. Ben cạnh đó, các đơn vị còn tổ chức không gian giới thiệu sách của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, ký tặng sách, quyên góp, ủng hộ và trao tặng sách, tổ chức các hoạt động khuyến đọc, hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc sách, phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, tổ chức các câu lạc bộ về sách, câu lạc bộ bạn đọc; phát động, nhân rộng mô hình tủ sách nghiệp vụ...

Không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, mà ở hầu hết các địa phương trên cả nước đều hưởng ứng và tổ chức nhiều hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất. Tại Lào Cai, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 được phát động với chủ đề "Sách - Sứ mệnh phát triển văn hóa đọc" kèm thông điệp "Cùng nhau truyền lửa văn hóa đọc lan tỏa tới cộng đồng". Tỉnh Bắc Ninh tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh với chủ đề "Sách - Hội nhập, đổi mới, phát triển" với nhiều hoạt động như trưng bày, giới thiệu sách; giao lưu, tọa đàm với các diễn giả, tác giả và độc giả; giới thiệu tác giả, tác phẩm… Thư viện tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhiều hoạt động với chủ đề “Văn hóa đọc - Khơi nguồn trí tuệ”. Tỉnh Hậu Giang tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với chủ đề “Sách – Sứ mệnh phát triển Văn hóa đọc”…

Có thể thấy, các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất diễn ra sôi nổi ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước góp phần quảng bá tôn vinh sách, khơi gợi tình yêu sách và thúc đẩy văn hóa đọc cũng như phong trào đọc sách trong nhân dân, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân, từ đó nâng cao kiến thức và làm chủ cuộc sống của chính mình, góp phần xây dựng và phát triển xã hội.

Theo Báo Tin tức

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×