Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ngành văn hoá đã chuyển biến tư duy từ làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá

28/09/2024 | 17:38

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh và đánh giá cao việc ngành văn hoá đã chuyển biến tư duy từ làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ngành văn hóa đã chuyển biến tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại phiên họp

Chiều 27/9, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ VHTTDL về việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025 và việc sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN năm 2025 trong lĩnh vực VHTTDL.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong năm 2024, Bộ VHTTDL tiếp tục tập trung nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, các nhiệm vụ mà Quốc hội, Chính phủ đã giao và các nghị quyết chuyên đề.

Theo đó, Bộ đã tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước thông qua việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách; phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục; các bộ, ngành, địa phương kịp thời phát hiện nhiều điểm nghẽn, nhiều vấn đề bất cập cần phải bổ sung để hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Vì thế năm 2024 Bộ đã hoàn thiện được chỉ tiêu là trình Quốc hội 2 lần Luật Di sản Văn hóa để thông qua tại kỳ họp thứ 8, Luật Quảng cáo sẽ được xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 8; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 cũng sẽ được thông qua trong kỳ họp này.

“Chúng ta đã bám sát thời gian, trên cơ sở khắc phục điểm nghẽn, thể chế hóa các quan điểm của pháp luật để từ đó đồng bộ hơn về công tác quản lý Nhà nước về văn hóa... Đi kèm với luật, Bộ VHTTDL đã chủ động đề xuất trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, Thông tư để hướng dẫn thực hiện các thể chế, chính sách, góp phần giúp các địa phương có cơ sở để thực hiện các quy hoạch, xây dựng chính sách, cụ thể hóa các nhiệm vụ phát triển văn hóa.

Bộ VHTTDL đã tiếp cận theo hướng coi thể chế chính sách là nguồn lực và nỗ lực cố gắng, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục và hiện đã hoàn thành, đạt được các yêu cầu cơ bản", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với việc triển khai nhiệm vụ trong năm 2024, Bộ trưởng cho biết, ngành đã có nhiều điểm sáng, như việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, từ địa bàn thôn, ấp, địa bàn khu dân cư… gắn với cuộc vận động Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa tạo hiệu ứng lớn, lan tỏa rộng khắp. Hay việc các giá trị của di sản văn hóa được quan tâm đúng mức, các giá trị văn hóa dân tộc được đề cao.

Bộ trưởng cũng vui mừng thông báo nhiều tín hiệu vui từ các lĩnh vực khác như điện ảnh Việt Nam gần đây ngày càng phát triển. Nhiều sự kiện gắn điện ảnh với du lịch để quảng bá, trong đó có sự kiện xúc tiến du lịch qua điện ảnh tại Hollywood – Hoa Kỳ, thông qua điện ảnh, quảng bá về vẻ đẹp đất nước, tiềm năng con người Việt Nam.

Các cuộc liên hoan, chương trình nghệ thuật, sự kiện phục vụ các ngày lễ lớn cấp khu vực, cấp quốc gia, không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân mà còn tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị; Văn hóa đối ngoại ngày càng phát huy vai trò, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, qua đó giới thiệu thêm về sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế...

Về Du lịch, 6 tháng đầu năm, Du lịch vẫn là điểm sáng trong tổng thể bức tranh chung của nền kinh tế. Chúng ta ngày càng có nhiều điểm đến hấp dẫn để nhân dân, du khách được trải nghiệm. Về Thể thao, phong trào thể thao cho mọi người tiếp tục phát triển rộng khắp. Từ thể thao quần chúng đã phát hiện và tập trung đào tạo các tài năng cho thể thao thành tích cao. Từ đó, đưa các vận động viên tham gia các sự kiện thể thao lớn của châu lục và thế giới.

Từ những điểm sáng đó, ngành cũng đã đề xuất nhiều chủ trương, chính sách kiến tạo cho văn hóa phát triển, trở thành sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm và hệ điều tiết sự phát triển của xã hội. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, điểm nghẽn cần được gỡ nút.

Ngành văn hóa đã chuyển biến tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp

Tại buổi họp, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao những kết quả mà ngành VHTTDL đã đạt được. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Phan Viết Lượng đánh giá: "Từ đầu năm đến nay, Bộ VHTTDL đã tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai, đạt kết quả tích cực trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao".

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về cơ bản các nội dung làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Bộ VHTTDL đều đạt được nhiều tiếng nói chung khi thảo luận, bởi lẽ hàng năm, hai bên đều phối hợp, làm việc với nhau rất chặt chẽ, các đề nghị của Ủy ban đều được Bộ nghiêm túc tiếp thu và triển khai trong thực tiễn.

Bày tỏ vui mừng khi hoạt động trong lĩnh vực văn hóa những năm trở lại đây đang phát triển đa dạng và dần đi vào nền nếp; đã chuyển biến tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hoá, đạt được nhiều kết quả tích cực, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, nếu Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 được Quốc hội thông qua, năm 2025, Bộ VHTTDL phải tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn để năm 2026 bắt tay ngay vào triển khai.

“Rút kinh nghiệm của các giai đoạn trước, hoàn thành xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi càng sớm thì càng có thời gian hướng dẫn tổ chức thực hiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh./.

Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×