Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của đồng bào dân tộc Mông Điện Biên
21/06/2021 | 09:52Trong đại gia đình các dân tộc Điện Biên, người Mông chiếm trên 38% dân số toàn tỉnh, là một trong những dân tộc có lịch sử cư trú lâu đời. Trong những năm qua, cùng với thay đổi trong kinh tế - xã hội, nền văn hóa dân tộc Mông đã có nhiều bước phát triển tích cực, đặc biệt là trong xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu để hướng tới những giá trị văn hóa tích cực, phù hợp với đời sống hiện nay.
Đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên có mặt ở hầu hết các huyện, nhưng tập trung nhiều nhất là ở Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé và Nậm Pồ. Qua quá trình cư trú và phát triển, đồng bào Mông đã vun đắp, xây dựng cho mình kho tàng văn hóa truyền thống riêng, vừa chứa đựng bản sắc độc đáo lại vừa hòa hợp, thống nhất. Rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Mông đã trở thành di sản, được bảo tồn, phát huy, tiêu biểu như trang phục dân tộc, nghề truyền thống (nghề rèn, nghề dệt, thêu hoa văn trên vải…), các tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian…
Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi đáng mừng và những giá trị văn hóa tốt đẹp được dân tộc Mông giữ gìn thì vẫn còn tồn tại một số tập tục, nếp sống cũ đặc biệt trong việc cưới, việc tang đã trở nên lạc hậu, đến nay không còn phù hợp. Với mong muốn có cuộc sống ngày một văn minh, tốt đẹp hơn, đồng bào Mông đã từng bước nâng cao nhận thức và hành động thực tiễn để cùng các cộng đồng dân tộc khác chung tay thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa.
Đối với đồng bào Mông, cũng như đa số các dân tộc khác, ma chay là một trong những nghi lễ quan trọng của đời người, của cộng đồng, dòng họ. Trước đây, theo tín ngưỡng, quan điểm của người Mông, khi gia đình có người thân qua đời phải tổ chức ăn, uống linh đình nhiều ngày; quá trình tang lễ không đưa thi thể người người chết vào trong quan tài, giữ thi thể người chết trong nhà lâu ngày (thường là lâu hơn 48 giờ), quy định số trâu, bò phải mổ trong đám tang (ít nhất mỗi người con trai phải mổ 1 con trâu hoặc bò); chọn ngày chôn cất người mất không cho trùng vào những ngày mất của ông, bà, bố, mẹ, chú, bác và anh, em ruột (dẫn đến kéo dài ngày). Hậu quả của việc tang ma dài ngày và không đưa thi thể người chết vào quan tài gây nên tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây nguy hại cho sức khỏe những người xung quanh. Khi có tang ma, người thân tập trung đông trở thành điều kiện nguy hại để các mầm bệnh, khí độc hại thoát ra từ thi thể trong quá trình phân hủy phát tán và lây lan.
Đến nay, dưới sự vận động của cấp ủy, chính quyền cơ sở cùng với các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa được triển khai sâu rộng, nhiều dòng họ người Mông đã nhận ra những điều này không còn phù hợp với đời sống văn hóa mới nữa. Đến nay, người Mông ở nhiều nơi đã thực hiện thủ tục tang ma theo nếp sống mới, không còn tổ chức ăn, uống linh đình dài ngày, không để người chết quá 48 giờ trong nhà và thực hiện đưa thi thể người chết vào quan tài.
Bên cạnh việc tang ma, trong hôn nhân của người Mông cũng tồn tại một số phong tục, quan niệm không còn phù hợp và không được pháp luật cho phép. Đó là tình trạng hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn. Theo quan niệm truyền thống của người Mông, chỉ cần hai người không mang cùng họ là có thể kết hôn được. Vì vậy rất dễ nảy sinh tình trạng hôn nhân cận huyết thống giữa con cô, con cậu, mặc dù khác họ nhưng xét về trực hệ thì vẫn là họ hàng gần trong phạm vi 3 đời.
Pháp luật về hôn nhân và gia đình đã nêu rõ không cho phép thực hiện hôn nhân cận huyết thống. Đó là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Việc kết hôn cận huyết không những trái quy định pháp luật mà còn gây hậu quả nặng nề về mặt di truyền, gây suy thoái nòi giống do đứa trẻ sinh ra dễ mắc các bệnh và dị tật bẩm sinh.
Tình trạng tảo hôn (kết hôn khi chưa đủ tuổi) cũng diễn ra khá phổ biến. Có nhiều em đang ngồi trên ghế nhà trường mới 14 - 15 tuổi đã bỏ học để lấy vợ, lấy chồng, tự đánh mất cơ hội học tập và lập nghiệp của mình để lo toan cho gia đình. Do còn nhỏ tuổi, các em chưa đủ kỹ năng, kiến thức sống để tự chủ trong sinh kế cũng như chăm sóc con cái, hòa giải các mâu thuẫn phát sinh. Vì vậy tảo hôn là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đói nghèo, mâu thuẫn trong gia đình. Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên cũng là nguyên nhân làm gia tăng tỉ lệ suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản; tạo nên gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, để đảm bảo hạnh phúc gia đình, bảo tồn giống nòi và tạo điều kiện cho sự phát triển con người toàn diện về thể chất cũng như tinh thần, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm tảo hôn và quy định rõ tuổi kết hôn là từ đủ 18 tuổi trở lên đối với nữ, từ đủ 20 tuổi trở lên đối với nam.
Với nhận thức pháp luật ngày càng được nâng cao, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong cộng đồng người Mông đã và đang dần được xóa bỏ. Tuy trong thực tế tình trạng này vẫn còn tồn tại ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa nhưng về cơ bản đã được hạn chế rất nhiều, không còn là vấn đề nhức nhối như những năm trước đây.
Những đổi thay trong việc cưới, việc tang theo hướng văn minh như hôm nay là kết quả của một quá trình vận động, tuyên truyền của nhiều cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Đối với đồng bào Mông cũng như đa số các cộng đồng dân tộc thiểu số khác, phong tục tập quán lâu đời đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống mà họ muốn giữ gìn. Không thể cứng nhắc dùng quy định pháp luật để cưỡng chế, buộc họ tuân thủ mà cần vận động từ bên trong cộng đồng, để họ tự thay đổi nhận thức, như vậy mới duy trì được niềm tin của họ đối với Đảng, Nhà nước, củng cố thêm khối đại đoàn kết dân tộc.
Phát biểu về việc đề ra và triển khai các giải pháp cơ bản để vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, đồng chí Vàng A Hờ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng thời cũng là một người con của dân tộc Mông Điện Biên đã nhấn mạnh: “Cần coi tiếp tục vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là trách nhiệm chung của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đặc biệt là ở cơ sở. Cần tích cực tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức bằng cả hai thứ tiếng phổ thông và tiếng dân tộc nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chú trọng phát huy uy tín của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có nhận thức tương đối đầy đủ về pháp luật; đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang vào quy ước của thôn, bản. Các cấp, ngành và chính quyền địa phương vùng đồng bào dân tộc cần quan tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao bổ ích, thiết thực giúp bà con nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Cơ quan chuyên môn trong đó đi đầu là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động tham mưu tỉnh ban hành các đề án, chương trình về văn hóa nói chung, xây dựng đời sống văn hóa nói riêng; phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai mô hình điểm về xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang tại các thôn, bản và nhân rộng trong cộng đồng dân tộc.”
Với sự nỗ lực của Đảng và chính quyền các cấp cùng sự chung sức, đồng thuận của nhân dân, tỉnh Điện Biên đã tích cực nâng cao hiệu quả trong công tác bài trừ hủ tục lạc hậu, đưa nếp sống văn minh thấm sâu, lan tỏa vào cuộc sống; qua đó giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói chung, đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn cơ sở, từng bước góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Điện Biên trong thời kỳ hội nhập và phát triển.