Nâng tầm di sản bằng công nghệ
09/06/2022 | 17:19Việc ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp nhằm lưu trữ, bảo tồn và phát huy các di sản hiện nay. Tuy nhiên, việc số hóa di sản không chỉ đơn thuần là cuộc “chạy đua” với các sản phẩm công nghệ mà còn đối diện với những “áp lực” trong việc giới thiệu, quảng bá.
Nỗ lực tiếp cận số hóa
Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích; 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.
Những mục tiêu trên đang đặt ra hàng loạt các yêu cầu không chỉ về công nghệ mà còn là sự thích ứng của chính các đơn vị quản lý di sản, di tích hiện nay. Từ năm 2011, Viện Nghiên cứu kinh thành (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã bắt đầu nghiên cứu phục dựng bằng công nghệ 3D đối với di tích hoàng cung Thăng Long thời nhà Lý.
Sau 10 năm, đến tháng 4/2021, toàn bộ chi tiết, công trình đã được phục dựng thành công, gồm 64 kiến trúc; 38 cung điện và hành lang, 26 lầu lục giác cùng tường bao, đường đi và cổng vào. Thành công này mở ra hy vọng tiếp tục phục dựng kiến trúc hoàng cung thời Đại La, Đinh-Tiền Lê, thời Trần, đặc biệt là kiến trúc Điện Kính Thiên, tòa Chính điện trong Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ.
Bên cạnh đó là các di tích khác như chùa Diên Hựu thời Lý (dự án do nhóm Sen Heritage thực hiện và công bố cuối năm 2020), dự án tham quan Hoàng thành Huế bằng công nghệ VR “Hue Imperial VR Centre” (thành quả của chương trình hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế với đối tác Hàn Quốc IV COM)… cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên gia cũng như những người tham gia trải nghiệm.
Hay như việc số hóa 3D di tích quốc gia đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vào năm 2016, nhóm VR3D (vr3d.vn, thiết kế nền tảng phần mềm quản trị dữ liệu di sản) tiếp tục thực hiện hàng loạt dự án số hóa di sản như di tích Trụ tứ linh chùa Hưng Ký (Hà Nội), bảo vật quốc gia tượng A Di Đà chùa Phật tích (Bắc Ninh), đền Độc Bộ (Nam Định), đền Bảo Hà (Lào Cai)…
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội với chuỗi triển lãm, trưng bày được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, tour tham quan ảo 360 độ giới thiệu về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour; Bảo tàng Lịch sử quốc gia ứng dụng công nghệ tương tác ảo…
Tạo sự tương thích, hấp dẫn
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số đang giúp các điểm đến di sản trở thành không gian đầy hứng khởi, thu hút công chúng và tạo ra những điểm nhấn quảng bá tinh hoa văn hóa ra thế giới. Theo PGS. TS Trần Trọng Dương (đồng sáng lập nhóm Sen Heritage), việc áp dụng công nghệ với di sản giúp người trải nghiệm bước chân vào quá khứ, dễ dàng truyền tải thông điệp và giá trị của di sản qua lăng kính của thị giác. Thậm chí, các ứng dụng công nghệ còn đang là cầu nối để kích cầu cho ngành du lịch.
Ở đó, ông Dương cho rằng, việc số hóa di sản trước hết là giảm áp lực tại các điểm đến bởi du khách không trực tiếp có mặt tại điểm đến, nhưng với khả năng mô phỏng thực tế, du khách vẫn được trải nghiệm đầy đủ các di tích. Tiếp đó là trên môi trường số hóa, các di sản hay điểm đến sẽ dễ dàng được tìm kiếm hơn thông qua các công cụ trên internet như website, các nền tảng trực tuyến, các mạng xã hội...
Hơn nữa, các di sản không hiện lên đơn thuần dưới dạng hình ảnh hay video mà là những không gian ảo, sống động và chân thực hơn rất nhiều, từ đó, kích thích thị giác và tác động không nhỏ đến việc lựa chọn điểm đến của du khách.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công ban đầu vẫn còn những thách thức, khi sự thích ứng đôi khi “chậm” hơn với sự phát triển của công nghệ. Có một thực tế việc áp dụng công nghệ với di sản dù bước đầu đã bắt kịp những công nghệ mới, nhưng so với thế giới vẫn còn có khoảng cách khá lớn.
Bên cạnh đó, nền tảng công nghệ của Việt Nam nói chung và của các địa phương có di sản vẫn còn là “vùng trũng” khi hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, cơ sở dữ liệu đã được số hóa về di sản còn mỏng. Đây cũng chính là một “áp lực” lớn khi mà, để hoàn thành việc phục dựng một di tích bằng công nghệ đặt ra các yêu cầu rất khắt khe về các dữ liệu khảo cổ, lịch sử, kiến trúc, kỹ thuật kiến trúc... Chưa kể, kinh phí để phục vụ cho một dự án có thể kéo dài đến hàng chục năm là không hề nhỏ.
Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý, số hóa di sản là một chủ trương lớn, cần tập trung đầu tư thực hiện. Việc một số di tích, bảo tàng tích cực thực hiện số hóa với nhiều sáng kiến hiện nay rất đáng được khích lệ.
Tuy nhiên, số hóa là công trình sáng tạo cùng nhau. Quá trình này cần phải nghiên cứu, đưa ra sản phẩm tốt có đủ hàm lượng thông tin khoa học về văn hóa, mới đủ tính hấp dẫn công chúng, nếu không, số hóa sẽ không có ý nghĩa.