Nâng cao nhận thức về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế - xã hội
24/11/2019 | 14:21Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo nên sự thay đổi lớn trong quản lý, hoạt động của các ngành nghề. Với sự phát triển cùng sự bủng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay văn hóa đã và đang trở thành ngành công nghiệp được khai thác triệt để, mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế, xã hội tại nhiều nước trên thế giới.
Khai thác các giá trị văn hóa truyền thống
Triển khai thực hiện Nghị quyết 33, ở nội dung phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Các nhiệm vụ thực hiện bao gồm: "Xây dựng cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp văn hóa (Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa)" do Tổng cục Du lịch, Cục Điện ảnh, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Văn hóa cơ sở chủ trì; "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa" do Vụ Đào tạo chủ trì; "Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam" do Cục Bản quyền tác giả chủ trì.
Các đơn vị được giao chủ trì hoặc phối hợp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc triển khai thực hiện; lập kế hoạch triển khai chi tiết, dự toán ngân sách thực hiện và đưa vào kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị. Báo cáo tiến độ và kết quả về Cục Bản quyền tác giả, BộVHTTDL.
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, du lịch được coi là một trong những thế mạnh và tiềm năng lớn. Đồng thời đặt ra yêu cầu làm sao để kết hợp khai thác giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã góp phần tạo nên giá trị gia tăng, tăng tính hấp dẫn, đặc sắc cho các dòng sản phẩm du lịch khác. Một số địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều sản phẩm và loại hình du lịch mới, đặc trưng của địa phương được hình thành; tăng cường giới thiệu các sản phẩm văn hóa đặc thù để thu hút khách du lịch và đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng. Phát triển và giữ gìn được những nét văn hóa đặc sắc của con người Việt Nam, biến nó trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa độc đáo, thu hút đông đảo người dân cùng du khách là điều mà chúng ta đang hướng tới.
Các Bộ, ngành và địa phương chưa thực sự quan tâm, vào cuộc
Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, hiện nay việc thực hiện triển khai xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, nhiều địa phương, bộ, ngành chưa nhận thức đúng về công nghiệp văn hóa nên chưa thực sự quan tâm, vào cuộc.
Công tác cụ thể hóa chính sách, pháp luật gắn với phát triển công nghiệp văn hóa chưa tạo ra được cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, huy động xã hội hóa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Việc xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê đánh giá sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế quốc dân chưa được luật hóa, nên khi tổ chức điều tra thống kê gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, còn thiếu chính sách và các quy định về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa.
Cần phải nói thêm rằng, mục tiêu của Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2030 là đóng góp doanh thu tương đương 7% GDP và tạo ra nhiều việc làm, tuy vậy, hiện tại mức chi cho hoạt động văn hóa chỉ chiếm 1,8% tổng chi ngân sách Nhà nước. Đây được xem là mức thấp vì Nhà nước còn đang ưu tiên đầu tư phát triển nhiều lĩnh vực khác.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc từng chia sẻ: Về đường lối, cương lĩnh, chúng ta luôn đặt văn hóa ở vị trí rất cao, là bó đuốc soi đường, là động lực để phát triển. Nhưng trên thực tế ta vẫn coi văn hóa là một cái gì đó thượng tầng, vẫn theo nguyên lý cổ hủ là "phú quí sinh lễ nghĩa". Nhưng hình như thế giới đã đi ngược lại rồi, các nước phát triển đều đầu tư tỉ lệ % đủ lớn để đầu tư cho văn hoá, như thế ta đã không bằng người ta rồi. Đơn cử một ví dụ, cho tới giờ chúng ta vẫn chưa có một bảo tàng đúng nghĩa, thu hút khách du lịch. Có một dự án đầu tư về bảo tàng, mới nghe con số 11 ngàn tỉ đồng thì làm cả xã hội choáng ngợp, cho rằng đó là sự lãng phí trong khi giá trị mà một bảo tàng mang lại là rất lớn.
Tại sao sự đầu tư cho văn hóa còn ít, là vì chúng ta còn quan niệm văn hóa là một cái gì đó xa xỉ. Ngay như các địa phương đầu tư cho văn hóa cũng ít. Họ có thể thấy ngay hiệu quả khi đầu tư cho một con đường nhưng họ không bao giờ suy nghĩ được về những cái liên quan đến tâm hồn con người, giúp con người hình thành nhân cách. Đó là những thứ không cân đong, đo đếm được./.