Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá

09/03/2023 | 11:20

Những năm qua, bên cạnh trùng tu, tôn tạo các di sản văn hóa vật thể, việc sưu tầm, phục hồi các giá trị di sản văn hóa phi vật thể luôn được Long An quan tâm thực hiện.

Để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả sâu rộng hơn, Long An chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá - Ảnh 1.

Nhà trăm cột tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ảnh: baolongan.vn

Tọa lạc ở tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông, thuộc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, ngôi nhà Trăm cột được xem là công trình kiến trúc điêu khắc cổ mang dấu ấn nhà rường ở Huế, là sự kết hợp hài hòa, tinh tế với hồn cốt miền Tây sông nước Nam bộ. Trên bình đồ nhà có hình chữ "Công", kết cấu nhà rường (xuyên trính) 3 gian, 2 chái, nhà Trăm cột được xem là kho tư liệu phong phú, sinh động cho việc nghiên cứu loại hình nghệ thuật điêu khắc. Kỹ thuật chạm, cách trình bày, cũng như bố cục sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách Huế, Nam bộ và mỹ thuật phương Tây. Xen lẫn giữa các hình trái cây của địa phương miền Tây (mãng cầu xiêm, măng cụt...) là các hình chạm khắc hài hòa mang văn hóa phương Tây (hoa hồng, con sóc, chùm nho). Công trình được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997.

Trong ngôi nhà cổ kính, trầm mặc, bà Trần Thị Ngỏ, chủ nhà Trăm cột, kể lại, ngôi nhà do ông nội của bà, là cụ Trần Văn Hoa, xây dựng từ năm 1898, hoàn thành năm 1903. Tính ra 2 năm xây và 3 năm chạm, khi chạm khắc cụ Trần Văn Hoa mời 15 nghệ nhân từ Huế vào, chạm ròng rã 3 năm, chạm khắc bằng tay theo kiểu cung đình. Trải qua 2 thời kỳ chiến tranh, ngôi nhà còn nguyên vẹn, không bị trúng bom đạn, không bị giặc dã phá, nhà vẫn còn nguyên.

Hơn 120 năm trôi qua, nhà Trăm cột vẫn vẹn nguyên, trầm mặc, nép mình trong khu vườn rộng cạnh một dòng sông. Ngôi nhà được con, cháu trong dòng họ giữ gìn để thế hệ sau có thể chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đặc trưng, nổi bật ở địa phương, thu hút khách du lịch gần xa. Không chỉ vậy, ngôi nhà được xem như là bằng chứng sống cho một phần lịch sử, văn hóa đất Nam Bộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Toàn tỉnh Long An có 69 nhà cổ, 2 trong số đó được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Nhà Trăm cột được đánh giá là kiến trúc nhà cổ duy nhất trong tỉnh gần như còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, việc giữ gìn và phát huy tối đa giá trị của các nhà cổ là điều không dễ, cần sự chung tay của cả chính quyền và nhân dân.

Đối với di sản văn hóa vật thể, hiện nay Long An có 125 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, 104 di tích cấp tỉnh. Nhờ việc xếp hạng đó, các di tích trên đã được bảo vệ an toàn trước những nguy cơ xâm hại trong quá trình phát triển kinh tế. Những năm qua, nhiều di tích đã được trùng tu, phục hồi, tôn tạo bằng nguồn kinh phí của Trung ương và ngân sách của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 5 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Làm chay (huyện Châu Thành); lễ hội Vía Bà Ngũ Hành Long Thượng (huyện Cần Giuộc); Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây (huyện Tân Trụ); Tục Cúng Việc lề; nghề dệt chiếu lác (ở Long An). Kho tàng di sản văn hóa phong phú tại Long An là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách và thu hút các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Long An còn gặp nhiều hạn chế. Về nhận thức, nhiều nơi vẫn quan niệm việc bảo tồn và phát huy di sản là nhiệm vụ của nhà nước, còn nhân dân chỉ là người hưởng thụ. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, ngành và xã hội về vai trò của di sản văn hóa chưa thật sự sâu sắc và toàn diện. Chính quyền còn lúng túng trong việc xử lý hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế. Công tác xã hội hóa trong hoạt động bảo tồn, phát huy di sản còn thiếu định hướng, các nguồn vốn do dân đóng góp chưa được quy tụ dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước nên không được định hướng sử dụng một cách có hiệu quả.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An Nguyễn Anh Dũng cho biết, thời gian tới, để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả sâu rộng hơn, Long An đề ra các định hướng cụ thể. Căn cứ Luật Di sản văn hóa và quy định của Chính phủ, trong điều kiện cho phép, địa phương sẽ đưa ra những quyết sách riêng để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Đối với những "báu vật nhân văn sống" - những người giữ gìn hồn cốt của di sản sẽ có chính sách khuyến khích, đãi ngộ về mặt tinh thần cũng như vật chất, để họ phát huy hết năng lực trong việc bảo tồn, phát huy di sản; tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; kết hợp giữa đầu tư tôn tạo di tích với khai thác phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Anh Dũng cho rằng, một giải pháp quan trọng là đặc biệt xem trọng vai trò của nhân dân. Nhân dân chính là người sáng tạo, gìn giữ, kế thừa, phát huy giá trị di sản văn hóa qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, nên việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tất yếu không thể đứng ngoài sinh hoạt của nhân dân. "Muốn bảo tồn một cách lâu dài, bền vững, phải dựa vào nhân dân, vì hơn ai hết nhân dân là người hiểu rõ nhất về bản sắc văn hóa của địa phương. Với tư cách vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là người hưởng thụ văn hóa, nhân dân có quyền lựa chọn di sản văn hóa nào là cần thiết để bảo tồn", ông Nguyễn Anh Dũng nói.

Đồng thời, tỉnh tăng cường hội nhập, giao lưu giới thiệu văn hóa, qua đó tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để hỗ trợ hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Theo TTXVN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×