Nâng cao hiệu quả khai thác, phát huy giá trị di sản phi vật thể ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám
24/11/2024 | 08:14Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những quần thể kiến trúc lâu đời và quan trọng bậc nhất ở Hà Nội và là di tích tiêu biểu, điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế. Việc tăng cường những hoạt động trải nghiệm di sản, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch được chú trọng nhằm ngày càng thu hút du khách đến với Di tích.
Chuyển tải giá trị văn hóa phi vật thể thành các sản phẩm, hoạt động văn hóa
Hàng năm, có hàng triệu người đến thăm khu di tích, đồng thời rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng thường xuyên được tổ chức tại đây như các cuộc hội thảo, trưng bày, triển lãm, giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật… đưa Văn Miếu- Quốc Tử Giám không chỉ là nơi tham quan mà trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, không gian sáng tạo của Thành phố.
Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, những công trình của Văn Miếu- Quốc Tử Giám từ thời Lý, Trần, Lê không còn nhiều, tư liệu, hiện vật rất thiếu, hiện vật gốc không có. Đặc biệt, những giá trị lịch sử, văn hóa của Văn Miếu -Quốc Tử Giám - di tích gắn liền với lịch sử giáo dục khoa bảng Việt Nam thời quân chủ, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, hun đúc các giá trị của đạo học Việt Nam từ việc dạy, việc học của người Việt trong suốt cả nghìn năm lịch sử với những giá trị tiêu biểu như tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài... không được thể hiện một cách hệ thống, bài bản tại các không gian của di tích. Điều này không khỏi làm cho khách tham quan có cảm giác tiếc nuối, hụt hẫng khi đến thăm địa điểm được mệnh danh là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Tuy nhiên, những công trình của Văn Miếu- Quốc Tử Giám từ thời Lý, Trần, Lê không còn nhiều, tư liệu, hiện vật rất thiếu, hiện vật gốc không có. Thực tế cho thấy, khi tham quan di tích, không phải lúc nào khách tham quan cũng tiếp cận được những giá trị đa dạng của Văn Miếu- Quốc Tử Giám.
Theo TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám, từ vấn đề nêu trên, đặt ra cho Trung tâm nhiệm vụ phải giới thiệu cho khách tham quan, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên đến thăm, học tập nghiên cứu các giá trị văn hóa phi vật thể của di tích, ngoài những gì khách có thể xem được trực quan như các công trình kiến trúc hiện có, hệ thống bia tiến sĩ… Để thực hiện được nhiệm vụ đó, Trung tâm xác định, các giá trị văn hóa phi vật thể của di tích cần được chuyển tải thành các sản phẩm, hoạt động văn hóa, tạo sự thu hút, hấp dẫn, có tính giáo dục mà khách tham quan dễ dàng tiếp cận được, đồng thời phải đảm bảo ba yếu tố: tính khoa học, nghệ thuật và ứng dụng công nghệ.
Ứng dụng công nghệ "làm giàu" cho di sản
Trong thời gian qua, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khoa học về di tích, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã từng bước đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng một cách hiệu quả các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để hướng tới một hệ sinh thái hoàn thiện hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động phát huy giá trị của Di tích. Trung tâm đã triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin "Xây dựng Cơ sở dữ liệu số 3D di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh" nhằm kết hợp kỹ thuật công nghệ 4.0 (công nghệ tương tác, số hóa 3D, công nghệ sách điện tử, công nghệ AR/VR, công nghệ mô phỏng phục dựng 3D…) và nghiên cứu lịch sử, văn hóa với mục đích hướng đến những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu, phổ biến và quảng bá giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, phù hợp với cách tiếp cận, hưởng thụ của công chúng trong nền công nghiệp 4.0.
Nhờ đó, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thêm nhiều các loại hình sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Với việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ 4.0 hiện đại (Công nghệ tương tác 3D, tương tác thực tế tăng cường AR/VR), thuyết minh tự động), sách 3D phản ánh trực quan, sinh động và hấp dẫn các nội dung, giá trị kiến trúc nghệ thuật và lịch sử văn hóa của di tích, các câu chuyện về việc dạy và học tại Quốc Tử Giám, về đạo học Việt Nam và các giá trị phi vật thể của di tích giúp khách tham quan có những trải nghiệm thú vị, bổ ích.
Cùng với việc phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ, Trung tâm cũng bước đầu tiếp cận, triển khai và ứng dụng khoa học công nghệ kết hợp với nghệ thuật tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học, quảng bá giá trị di sản Văn Miếu- Quốc Tử Giám trở nên hiệu quả hơn. Sử dụng sức mạnh của công nghệ số trong các trưng bày, triển lãm tại di tích là một trong giải pháp phù hợp, hiệu quả và mang lại sự hào hứng cho công chúng, đặc biệt là người trẻ.
Trưng bày "Chu Văn An-Thượng tường Sơn đẩu", hỗ trợ cho nội dung là âm thanh để du khách có thể lắng nghe tiếng trẻ học bài trong bối cảnh lớp học trường làng, hay hòa mình vào thiên nhiên với tiếng chim hót, tiếng thông reo và tiếng bước chân người đi trong không gian rừng núi Phượng Hoàng nơi thầy Chu Văn An ở ẩn. Tại trưng bày "Quốc Tử Giám-Trường Quốc học đầu tiên" được bố trí hai màn hình cảm ứng. Công chúng có thể tự tra cứu thông tin, hình ảnh về khu di tích, hiện vật bia Tiến sĩ tại hai màn hình, tạo sự thích thú, hứng khởi khi tìm hiểu, tra cứu được nhiều thông tin, có sức lôi cuốn lớn với các bạn trẻ. Công chúng khi tham quan triển lãm "Văn Miếu trong sự hồi sinh của di sản Hà Nội giai đoạn 1989-1954" đều bị thu hút bởi một gian phòng nhỏ màu đỏ, trang trí các hoạt tiết cổ màu đen bắt mắt, đó là nơi đặt màn hình trình chiếu 2 video phục dựng 3D di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Hai video đều có độ dài 5 phút kể lại hành trình thay đổi và phát triển của khu di tích qua thời gian một cách rất đặc biệt. Đặc biệt, video "Hiện tại và quá khứ, cùng một không gian", dựng 3D toàn bộ khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám ngày nay được đầu tư công phu về cả nội dung, hình ảnh và âm thanh thực sự là hai bộ phim hấp dẫn về quá trình bảo tồn trùng tu di tích. Phần âm thanh được thực hiện chuyên nghiệp với âm thanh của bánh xe kéo, của tiếng rao trên đường phố, tiếng gõ của thợ mộc, tiếng lách cách của thợ lợp mái nhà đang tu sửa các công trình kiến trúc hay tiếng nhạc trong lễ tế đầu thế kỷ 20 ở khu Bái đường với mong muốn đưa khán giả trở về thời quá khứ của những năm đầu thế kỷ 20.
Trong trưng bày Khơi nguồn Đạo học tại nhà Thái học, các thông tin, các câu chuyện về các danh nhân, những người sáng lập và phát triển Văn Miếu – Quốc Tử Giám được thể hiện bằng QR, rất thuận tiện cho khách tham quan tự khám phá, trải nghiệm.
Những sản phẩm và hoạt động này đã góp phần quan trọng đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan, thực hiện hoạt động giáo dục di sản tại di tích có hiệu quả, làm cho di tích trở thành điểm đến hấp dẫn hơn, thu hút ngày càng nhiều khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Qua đó, từng bước đưa Văn Miếu-Quốc Tử Giám trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, không gian sáng tạo của Thủ đô Hà Nội, là nơi giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước.
TS Lê Xuân Kiêu cho biết, trên nền tảng công nghệ mới nhất, xây dựng chương trình thực cảnh về Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn: tái hiện lại câu chuyện về lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ánh sáng, âm nhạc, kỹ xảo cùng hiệu ứng sinh động, hấp dẫn; là sự kết hợp của yếu tố văn hóa truyền thống và có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại vào các ngày cuối tuần, mang lại một trải nghiệm không thể quên dành cho du khách khi đến Hà Nội.
"Trong thời gian tới, để tiếp tục hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục chủ động, tích cực đổi mới, tìm ra những giải pháp phù hợp đáp ứng được những đòi hỏi có tính chất cấp thiết và lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô nói chung, của công tác phát huy giá trị của di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám nói riêng"- TS Lê Xuân Kiêu cho biết./.