Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước

02/12/2015 | 14:13

Ngày 01.12.2015 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng và kết quả ngành Thư viện đã đạt được trong việc góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian qua, xác định phương hướng, vai trò, nhiệm vụ của từng loại hình thư viện đề xuất giải pháp để nang cao hiệu quả hoạt động thư viện trong những năm sắp tới.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái và các đại biểu chủ trì Hội thảo

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện - Vũ Dương Thúy Ngà, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ thư viện, hoạt động ngành Thư viện đã có nhiều khởi sắc hòa vào sự đổi thay của toàn của đất nước. Mạng lưới thư viện trong cả nước được kiện toàn và phát triển; hệ thống thư viện tiếp tục được mở rộng với việc xây dựng phát triển thư viện huyện và mạng lưới thư viện cơ sở: Thành lập mới gần 40 thư viện cấp huyện, đưa tổng số thư viện vấp huyện trong cả nước là 659 thư viện (năm 2014); thành lập và duy trì các thư viện xã và phòng đọc xã và cơ sở. Chỉ số phát triển thư viện huyện đã vượt 3,3% so với chỉ tiêu đặt ra.

Bên cạnh đó, thư viện các cơ sở đào tạo đại học và phổ thông cũng được phát triển: cả nước có  gần 400 thư viện đại học, cao đẳng và 24.746 thư viện trường phổ thông trên tổng số 28.054 trường học, đạt 88,2%.

Một số thư viện công cộng cấp tỉnh và thư viện đại học đã tăng cường tài liệu điện tử/số, bảo đảm việc tiếp cận các nguồn lực quan trọng, phù hợp, đáp ứng nhu cầu thông tin, học tập và giải trí của người sử dụng; hệ thống thư viện công cộng tính đến tháng 12.2014 có hơn 37 triệu bản sách; 9000 tên báo, tạp chí. Mỗi năm, hệ thống thư viện công cộng bổ sung mới khoảng hơn 700.000 bản sách.

Hệ thống thư viện - thông tin, chuyên ngành phát triển, có khoảng hơn 5 triệu bản sách, hơn 10.000 tên tạp chí, hàng trăm nghìn bản vi phim, hơn 20.000 báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học… Hệ thống thư viện quân đội: Vốn tài liệu có khoảng hơn 5 triệu tài liệu được bổ sung gia tăng từ 2 đến 5%; hàng năm mỗi cán bộ, chiến sỹ được cấp theo định suất 350 trang sách/năm...
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai các dịch vụ mới trong thư viện được đẩy mạnh hơn. Nhìn chung, các thư viện đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng thư viện điện tử. Một số thư viện đã triển khai tự động hóa ở mức độ cao, áp dụng mượn trả tự động. 41 thư viện cấp tỉnh (chiếm 66,7 %) đã xây dựng trang thông tin điện tử. Các thư viện phát triển các dịch vụ thư viện, tăng cường hướng dẫn sử dụng thư viện nhằm đáp ứng các nhu cầu thông tin hiện tại và thay đổi của cộng đồng người sử dụng đa dạng; hệ thống thư viện công cộng chú trọng công tác phục vụ ngoài thư viện. Tăng cường các hoạt động nhằm thu hút người dân, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chỉ tính riêng hệ thống thư viện công cộng trong năm 2014 đã có hơn 24 triệu lượt người tới sử dụng các thư viện. Số lượt sách, báo được luân chuyển đạt gần 52 triệu lượt.

Các thư viện đại học, thư viện bộ, ngành triển khai một số dịch vụ mới: phục vụ thông tin theo chuyên đề, phổ biến thông tin có chọn lọc, dịch vụ bạn đọc đặc biệt. Tại nhiều thư viện, công tác phục vụ bạn đọc đã được thực hiện với phương châm “Tận tâm, thân thiện, chuyên nghiệp”.

Dự án Quỹ Bill và Melinda Gate “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng ở Việt Nam” đã tài trợ cho 903 thư viện (bao gồm 40 thư viện tỉnh, 363 thư viện huyện và 500 thư viện xã) tổng số 7.730  máy tính, 1.900 máy in và các trang thiết bị khác đi kèm tạo ra bước phát triển mang tính đột phá về cơ sở hạ tầng của hệ thống thư viện công cộng ở những vùng khó khăn của đất nước. 85% thư viện cấp tỉnh, 42 % thư viện cấp huyện đã nối mạng.

Toàn ngành thư viện đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền giới thiệu sách báo với nhiều hình thức: trưng bày triển lãm, tổ chức nói chuyện, tọa đàm, liên hoan, thi kể sách, thi tìm hiểu về các sự kiện thông qua đọc sách báo thu hút đông đảo người dân đặc biệt các em thiếu nhi tham gia. Ngoài ra, nhiều thư viện công cộng, thư viện đa ngành chuyên ngành còn vận động nhân dân đọc sách báo, góp phần quan trọng trong việc khuyến đọc, nâng cao vị thế của ngành thư viện đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với các hình thức hấp dẫn góp phần bồi dưỡng lòng yêu quê hương đất nước, nâng cao kỹ năng sống cho người dân.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức thư viện có kiến thức, kỹ năng quản lý và tổ chức thư viện hiện đại, thích ứng với những thay đổi nhanh chóng đã được chú trọng. Nhiều thư viện tạo đã điều kiện cho cán bộ thư viện tham gia các đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn. Cả nước, ước tính có hơn 33.000 cán bộ thư viện.

Bên cạnh mạng lưới thư viện nhà nước, nhiều mô hình thư viện/tủ sách dân lập đã được hình thành đáp ứng nhu cầu đọc của người dân: hiện có 61 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, hơn 4.000 tủ sách phụ huynh, thư viện với mô hình “Không gian đọc” và hàng trăm tủ sách dòng họ đã được hình thành ở Việt Nam… Bình quân mỗi thư viện, tủ sách tư nhân phục vụ cộng đồng có từ 2.500 đến 3.500 cuốn và từ 12 đến 25 loại báo, tạp chí.

Công tác hợp tác quốc tế về thư viện cũng được mở rộng và tăng cường, nhiều dự án lớn đã được triển khai, tiêu biểu như: Dự án Sách Quỹ Châu Á do TVQGVN là chủ dự án đã tăng cường khoảng trên 180.000 bản sách tiếng Anh, trị giá hơn 7 triệu USD về nhiều lĩnh vực cho 124 thư viện trong cả nước; Các dự án do Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Châu Á, Tổ chức Atlantic Philantropies và nhiều tổ chức quốc tế khác tài trợ đã giúp cho các thư viện đại học tăng cường cơ sở vật chất và vốn tài liệu, nâng cao trình độ cán bộ thư viện… Dự án xây dựng phòng đọc về Hoa Kỳ, Ngân hàng Thế giới, phòng đọc Hàn Quốc năng động, phòng đa phương tiện… do Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Pháp và Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cho TVQGVN và một số thư viện tỉnh, thành phố, thư viện đại học…

Ngành thư viện đã triển khai có hiệu quả nguồn lực đầu tư của tổ chức nước ngoài, với sự hỗ trợ từ các dự án, các thư viện Việt Nam đã đẩy mạnh hơn tốc độ hiện đại hóa và thu hút được nhiều người đến sử dụng thư viện.

Cùng với những thành tựu đã đạt được, hoạt động thư viện ở Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức và tồn tại một số bất cập: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thư viện còn chưa hoàn thiện; hệ thống văn bản hiện hành còn nhiều bất cập cả về thể loại văn bản (chưa có Luật Thư viện) cũng như nội dung các quy định; các văn bản cụ thể quy định về đầu tư, cơ chế chính sách đối với thư viện chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện cho thư viện phát triển.

Mạng lưới thư viện ở Việt Nam đã phát triển rộng khắp nhưng chưa thực sự phát huy được vai trò, chất lượng hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Mặc dù trong những năm qua, các thư viện đã cố rất nhiều cố gắng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu của bạn đọc, với yêu cầu phát triển của người sử dụng, trình độ phát triển thư viện Việt Nam so với các nước phát triển trong khu vực còn có khoảng cách khá xa.

Nhìn chung, sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị và bổ sung phát triển vốn tài liệu cho thư viện còn hạn chế, đặc biệt là đối với các thư viện cấp huyện, thư viện cơ sở; thư viện trường phổ thông và thư viện viện nghiên cứu.

Mạng lưới thư viện cấp huyện, một mắt xích quan trọng và có số lượng lớn nhất trong hệ thống thư viện công cộng còn chưa thống nhất về mô hình tổ chức và gặp nhiều khó khăn về mọi mặt; mạng lưới thư viện cấp xã và cơ sở; thư viện trường phổ thông, thư viện các viện nghiên cứu tuy phát triển về số lượng nhưng hiệu quả hoạt động còn thấp, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Trong vòng 2 năm 2013-2014, số lượng các thư viện xã đã bị giảm đi gần 40%; Chỉ số về phát triển vốn tài liệu trong thư viện công cộng mới chỉ đạt 40%; vẫn tồn tại sự chênh lệch về mức độ phát triển của các thư viện thành phố và nông thôn, miền xuôi và miền núi.

Toàn cảnh Hội thảo

Về phương hướng, nhiệm vụ, trong 5 năm tới, các thư viện Việt Nam đẩy mạnh hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thêm dịch vụ mới, tích cực góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, không ngừng vươn tới chân thiện mỹ.

Hướng hoạt động thư viện Việt Nam vào việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam toàn diện, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần phát triển bền vững đất nước; Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động thư viện Việt Nam, xây dựng thư viện thân thiện, tạo môi trường thuận lợi cho người dân có thể đọc, khai thác thông tin, thực hiện việc đọc suốt đời.
 
Xây dựng thư viện công cộng Việt Nam trở thành những Trung tâm Thông tin, Văn hóa, Giáo dục hữu ích cho việc học tập liên tục của mọi tầng lớp nhân dân với nguồn lực thông tin phong phú, công nghệ hiện đại, các dịch vụ dễ dàng tiếp cận và đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu thay đổi của cộng đồng dân cư. Phát triển mạng lưới thư viện lưu động, thư viện chi nhánh: đảm bảo cho nhân dân vùng sâu vùng xa có điều kiện tiếp cận và đọc sách. Xây dựng các phòng đọc sách thiếu nhi tại các thư viện công cộng. Gắn việc xây dựng thư viện cơ sở với việc xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục xây dựng, củng cố và hiện đại hoá thư viện của các trung tâm nghiên cứu khoa học, thư viện các cơ sở đào tạo, thư viện lực lượng vũ trang, của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp góp phần đắc lực vào việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Từng bước rút ngắn khoảng cách về sự phát triển sự nghiệp thư viện giữa Việt Nam với các nước trên thế giới và trong khu vực; cải thiện môi trường và điều kiện đọc; thu hút được nhiều đối tượng người đọc đến sử dụng thư viện.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, trao đổi và giới thiệu một số mô hình thư viện công cộng của các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành thư viện, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện phục vục phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×