Nâng cao hiệu quả hành lang pháp lý về văn hóa, thể thao, du lịch
24/03/2022 | 14:00Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, công tác tổ chức thi hành pháp luật trong các lĩnh vực của Ngành VHTTDL thời gian qua bên cạnh những chuyển biến vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Nhằm khắc phục vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng mới đây đã ký ban hành Công văn về việc tăng cường tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Ý thức chấp hành pháp luật còn nan giải
Theo ông Lê Thanh Liêm, trong thời gian qua, công tác tổ chức thi hành pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch đã được các cơ quan, đơn vị, các Sở quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ngành. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trong tình hình mới, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập. “Vấn đề này đã được nêu ra trong công văn chỉ đạo mới nhất của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đó là: Các điều kiện thi hành pháp luật như nhân lực, tài chính... còn chưa được đảm bảo; ý thức chấp hành pháp luật có lúc, có chỗ còn chưa nghiêm; xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe”, ông Liêm nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế dẫn chứng, những bất cập nêu trên có thể thấy rõ ở từng lĩnh vực: Luật Di sản văn hóa quy định ưu tiên đầu tư ngân sách cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, bảo tàng quốc gia, bảo vật quốc gia... hay đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, ngăn ngừa nguy cơ mai một, thất truyền; tuy nhiên việc ưu tiên đầu tư này còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Luật Thể dục, thể thao có quy định về đánh giá phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng với 6 tiêu chí cụ thể, tuy nhiên hiện nay việc tổ chức đánh giá chưa được tổ chức triển khai triệt để do thiếu nguồn lực. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có quy định: Trong báo cáo của UBND cấp xã trước HĐND cùng cấp về tình hình kinh tế - xã hội phải có nội dung về tình hình và kết quả phòng, chống bạo lực gia đình, song nhiều địa phương chưa dành nguồn lực để tổ chức thực thi quy định này...
“Có thể nói, ý thức chấp hành pháp luật vẫn còn là vấn đề nan giải. Tình trạng xâm phạm di tích còn diễn ra khá phổ biến dù các quy định về bảo vệ và chế tài đã rõ; việc tuân thủ các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã có chuyển biến song vẫn còn tồn tại những hạn chế ở một số nơi; việc đảm bảo các điều kiện kinh doanh trong hoạt động thể thao còn thiếu triệt để, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ...”, Vụ trưởng Lê Thanh Liêm nêu rõ.
Tạo chuyển biến trong nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật
Để tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, ông Lê Thanh Liêm cho biết, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng về tăng cường tổ chức thực thi pháp luật trong các lĩnh vực VHTTDL nhấn mạnh 3 trọng tâm: Thứ nhất, nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong mọi hoạt động chuyên môn và hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác tìm hiểu, tuân thủ pháp luật; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, là khâu đầu trong tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ hai, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Xác định rõ cơ chế phân công, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật để có đề xuất các giải pháp thực thi hiệu quả.
Thứ ba, tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Chú trọng đối thoại với người dân, doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời, chủ động, kịp thời rà soát văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch để kịp thời phát hiện, xử lý những quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, trái pháp luật, gây cản trở sự phát triển.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, căn cứ chỉ đạo của Bộ trưởng, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, định kỳ 6 tháng và hằng năm tổng hợp tình hình tổ chức thi hành pháp luật về lĩnh vực hoặc địa bàn được phân công phụ trách gửi về Bộ VHTTDL để tổng hợp. Trên cơ sở đó, Vụ Pháp chế sẽ có trách nhiệm tổng hợp chung tình hình tổ chức thi hành pháp luật của Ngành và đề xuất Bộ trưởng chỉ đạo các giải pháp tăng cường trong giai đoạn tiếp theo.