Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch

27/10/2023 | 20:28

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch đã được đề cập tại Hội nghị - Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo văn hóa nghệ thuật , thể dục thể thao và du lịch trong thời kỳ mới, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 diễn ra ở TP. Đà Nẵng ngày 27/10.

Hội nghị - Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo văn hóa nghệ thuật (VHNT), thể dục thể thao và du lịch (TDTT&DL) trong thời kỳ mới, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ VHTTDL tổ chức với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các Sở VHTTDL, giảng viên các cơ sở đào tạo VHNT, TDTT&DL trong cả nước. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị - Hội thảo.

Hội nghị - Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá toàn diện thực trạng công tác đào tạo lĩnh vực VHNT, TDTT&DL trong cả nước giai đoạn 2018-2022; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực VHNT, TDTT&DL; xác định các ngành/chuyên ngành cần ưu tiên, tập trung đào tạo trong thời gian tới, để công tác đào tạo VHNT, TDTT&DL ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn về nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Đây cũng là diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo; các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực VHNT, TDTT&DL; các nhà hát, đơn vị nghệ thuật, doanh nghiệp, hiệp hội; các tổ chức, cá nhân liên quan trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về đào tạo và sử dụng nhân lực VHNT, TDTT&DL.

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị - hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo VHNT, TDTT&DL trong thời kỳ mới, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, ngày 27/10 tại Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng

Tránh tình trạng ngành dư thừa, ngành không có người học

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo VHNT, TDTT&DL; đồng thời biểu dương kết quả mà những cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đã đạt được.

"5 năm qua, công tác đào tạo nhân lực VHNT, TDTT&DL đã có những bước phát triển, chất lượng đào tạo được nâng cao, các loại hình đào tạo được đa dạng hóa. Giao lưu, hợp tác quốc tế về đào tạo tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều học sinh, sinh viên, học viên, vận động viên đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học và đoạt giải tại các hội thi nghệ thuật, giải đấu thể thao, hội thi tay nghề du lịch trong nước và quốc tế. Đó là kết quả của tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực của các cơ sở đào tạo trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói.

Trong 5 năm qua, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, chỉ đạo, triển khai tốt công tác đào tạo, nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý và xây dựng các văn bản, đề án, triển khai thực hiện tốt kế hoạch đề ra. Công tác chỉ đạo nhất quán; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, Bộ, ngành, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ đối với sự nghiệp đào tạo VHNT, TDTT&DL của đất nước.

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch - Ảnh 2.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Hoàng

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội nghị - hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Thứ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế tồn tại: Nhiều học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đã bộc lộ những hạn chế, điều đó cho thấy nhân lực sau đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo đó, đối với nội dung nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Bộ VHTTDL yêu cầu cần phân tích, đánh giá những ưu điểm, hạn chế về công tác quản lý nhà nước trong đào tạo và tổ chức đào tạo của các trường trong 5 năm qua; đề xuất những nhiệm vụ cụ thể để hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về đào tạo; đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm cần thực hiện trong 5 năm tới; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đối với các cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo, hướng tới kiểm định theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế nhằm đảm bảo mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án của ngành VHTTDL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xác định rõ cơ cấu, quy mô, hài hòa giữa các ngành, nghề đào tạo trong trường để xác định chỉ tiêu chính xác, tránh tình trạng ngành dư thừa, ngành lại không có người theo học; chú trọng các ngành hiếm, ngành truyền thống cần bảo tồn và đào tạo theo cơ chế đặt hàng.

Đồng thời, thực hiện tốt giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động để nghiên cứu, điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo đáp ứng cao nhất, tốt nhất với yêu cầu của xã hội, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nền thể thao thành tích cao, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch - Ảnh 4.

Đây cũng là diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo; các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực VHNT, TDTT&DL; các nhà hát, đơn vị nghệ thuật, doanh nghiệp, hiệp hội; các tổ chức, cá nhân liên quan trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về đào tạo và sử dụng nhân lực VHNT, TDTT&DL. Ảnh: Đức Hoàng

Mỗi trường cần có chiến lược phát triển

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, điều đầu tiên, cần thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước trong tất cả lĩnh vực đào tạo cũng như chính sách đối với học sinh, sinh viên.

Thứ hai, cần tăng cường tính đoàn kết. Đối với khối học sinh, sinh viên, cần tăng cường giáo dục chính trị và đạo đức. Ngoài đào tạo về chuyên môn, đào tạo về con người (gồm chính trị và đạo đức) là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên phải nhận thức được trách nhiệm đối với bản thân và xã hội. Vì vậy, các trường nên tăng cường tổ chức các hội thảo, hội nghị để phổ biến pháp luật và giáo dục tư tưởng chính trị cho sinh viên.

Đối với đào tạo chất lượng cao, gồm nhiều khối đào tạo khác nhau, tùy theo từng khối, từng ngành, dựa trên lực lượng giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất mà đề ra mục tiêu tuyển sinh khớp với năng lực của mình để bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Xác định ngành nghề mũi nhọn chính là chiến lược phát triển của mỗi trường. Mỗi trường phải có bước đi riêng phù hợp với điều kiện về chất lượng của giảng viên và điều kiện của xã hội. Có những ngành nghề đồng nhất với nhau về nhu cầu, nhưng có những ngành nghề khác biệt do điều kiện xã hội ở mỗi vùng, miền khác nhau", Thứ trưởng nói.

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch - Ảnh 5.

Các đại biểu tham dự hội nghị - hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: "Về việc sáp nhập các đơn vị, Bộ VHTTDL đang tính toán phương án để đưa ra quyết sách hợp lý nhất, không vì chạy theo chỉ tiêu mà cắt giảm thiếu logic. Thời gian tới, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội sẽ khảo sát ở một số trường đào tạo VHNT, TDTT&DL để lấy ý kiến, rồi tổ chức hội nghị - hội thảo lớn về nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo".

Về đội ngũ giảng viên, Thứ trưởng đề nghị các trường lưu ý tuyển chọn đội ngũ giảng viên chất lượng; chú trọng tiếp tục đào tạo để nâng cao chất lượng giảng viên; đồng thời giao lưu, trao đổi, nghiên cứu học thuật để góp ý về chương trình giảng dạy.

Cùng với đó, chuyển đổi số là điều cần thiết. Các trường cần nghiên cứu chương trình nào của trường mình có thể thực hiện chuyển đổi số với 2 mục đích: nắm bắt số liệu của trường (trình độ học sinh, sinh viên; điểm số, giáo trình, giáo án…) và kiểm định chất lượng.

"Thời gian qua, Bộ VHTTDL và Vụ Đào tạo đã nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Song, vẫn còn những vấn đề chưa thể tháo gỡ được vì mỗi nơi có những đặc thù khác nhau, còn vướng về luật pháp, nghị định, thông tư. Những gì vướng mắc liên quan giảng viên, học sinh, sinh viên, đề nghị các trường giải thích rõ để giảm bớt những đơn khiếu kiện. Có những đơn kiện không có cơ sở để giải quyết nhưng gây ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ", Thứ trưởng nêu.

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch - Ảnh 6.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL trình bày báo cáo tổng kết công tác đào tạo VHNT, TDTT và DL, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Ảnh: Đức Hoàng

Nghệ sĩ tuồng nhận lương thấp vì chỉ có trình độ trung cấp

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực VHNT, ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho rằng, nghệ thuật tuồng đang rơi vào giai đoạn khó khăn, nhất là khi cơ chế chính sách thay đổi từ năm 2018, Luật Giáo dục đào tạo thay đổi.

Nghệ thuật tuồng là một trong những loại hình đặc thù về đào tạo nhất. Hiện nay, trình độ đào tạo của tất cả các nghệ sĩ là trung cấp, ngay cả với các NSND và NSƯT, vì đặc thù của nghệ thuật tuồng là đào tạo từ nhỏ thì mới bảo đảm chất lượng của nghệ sĩ.

Đối với hệ trung cấp, chính sách đào tạo khi ra nghề được xếp hệ số lương thấp nhất. Vì vậy, không có cơ chế thu hút nguồn nhân lực đến với tuồng. Tuồng khó đào tạo, khó tuyển dụng, khó xem, nhưng mang sứ mệnh nặng nề: bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

"Chúng ta đang mở ra cơ chế đào tạo liên thông để nâng cao trình độ đào tạo cho những người làm kịch hát dân tộc; chèo, cải lương, múa rối đã có loại hình đào tạo liên thông, riêng tuồng thì chưa có, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực", ông Tuấn thông tin, đồng thời cho hay hiện Nhà hát Tuồng Việt Nam có 2-3 NSND và rất nhiều NSƯT nhưng chỉ có trình độ trung cấp.

"Nghệ thuật phụ thuộc hoàn toàn vào nghệ sĩ. Không có nghệ sĩ thì không bảo tồn được nghệ thuật. Đối với nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, vấn đề con người trở nên khó khăn. Các nghệ sĩ tuồng đang ít dần. Mất một loại hình nghệ thuật cổ điển lâu đời, tồn tại dọc chiều dài lịch sử Việt Nam là lỗi của chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy bức tranh này từ nhiều năm nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ", ông Tuấn nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch - Ảnh 6.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam nêu ý kiến tại hội nghị - hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Theo cơ chế đào tạo mới, với nghệ thuật tuồng, cần sử dụng đào tạo liên kết, tức là đào tạo có địa chỉ. Các thầy có tay nghề cao từ các nhà hát sẽ truyền nghề cho thế hệ trẻ. Việc làm diễn viên tuồng, chèo phụ thuộc vào năng khiếu và khả năng bẩm sinh. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tuồng, chèo trưởng thành từ gánh hát, chứ không trưởng thành từ đào tạo đại học. Đào tạo đại học chỉ là điều kiện cần, chứ không phải là điều kiện đủ.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng, cần đào tạo tác giả. "Muốn có vở diễn hay, muốn có tác phẩm sân khấu hay, cần đào tạo tác giả. Những năm gần đây, chúng ta không đào tạo được lớp tác giả kịch hát dân tộc nào", Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam nói.

Mới đây, Bộ VHTTDL đã tổ chức hội thảo tiến tới sửa đổi Nghị định 21 của chính phủ về chế độ nhuận bút, đề cập về chế độ chính sách liên quan đội ngũ sáng tạo, trong đó có đội ngũ tác giả. Theo ông Tuấn, nâng chế độ nhuận bút thì mới thu hút được những người viết kịch bản sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống. Nếu không viết kịch bản tuồng, chèo thì có thể chuyển thể từ kịch bản sân khấu kịch sang kịch bản sân khấu tuồng, chèo.

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch - Ảnh 7.

Bà Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nêu ý kiến tại hội nghị - hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Cân nhắc giữa chất lượng đào tạo và tăng chỉ tiêu tuyển sinh

Đề cập về khó khăn, vướng mắc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật, PGS.TS Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho rằng, cần cân nhắc giữa chất lượng đào tạo và tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

"Đối với các trường năng khiếu, nếu chỉ tăng quy mô thì không nói lên được chất lượng đào tạo, việc tăng quy mô tuyển sinh đang là khó khăn chung của các trường đào tạo năng khiếu. Học phí không thu được quá nhiều mà lại ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Nếu nhất định phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh thì nên thận trọng và phải đặt trong mối tương quan với chất lượng đào tạo", PGS.TS Nguyễn Đình Thi nói.

Ông Trịnh Cao Khải (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) cho biết, từ năm 2021 đến nay, việc tuyển sinh của các trường thuộc khối du lịch bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt khi ngành du lịch chưa phục hồi hoàn toàn. Hiện nay, khi các trường ồ ạt mở khoa Du lịch trong hệ thống giáo dục đại học, hệ quả của việc này là 10 năm trước nhà trường đào tạo khoảng 8 tiến sĩ, nhưng trong 3 năm trở lại đây 5 tiến sĩ đã chuyển sang các trường khác.

Ông Khải nhấn mạnh: Những năm trước, quy mô tuyển sinh tốt nhưng những năm nay đứng trước nguy cơ không đảm bảo việc làm cho giáo viên mà vẫn phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Lực lượng nghiên cứu khoa học tại các trường cao đẳng rất mỏng, cần có sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch - Ảnh 8.

Quang cảnh hội thảo - hội nghị. Ảnh: Đức Hoàng

Theo bà Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, trong bối cảnh trường nào cũng tăng chỉ tiêu, thực tế các cơ sở giáo dục trong vòng 3-4 năm tăng khoảng 70-80%, áp lực của các cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là VHNT ngày càng gay gắt, phải tồn tại được thì mới nói đến chuyện nâng cao chất lượng đào tạo. Để đáp ứng được yêu cầu xã hội, cần đào tạo thực chất chứ không chỉ đào tạo với những gì cơ sở đào tạo có.

Bà Hương cho rằng, cần tăng cường nguồn lực cho đào tạo, cụ thể là nâng cao chất lượng của giảng viên; với giảng viên trong lĩnh vực VHNT thì ngoại ngữ là yếu tố tiên quyết, sau đó mới đến trình độ. Tiếp đó là bổ sung nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất.

Hiện cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học lĩnh vực VHNT, gồm 15 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL và 25 cơ sở đào tạo VHNT do các tỉnh/thành trực tiếp quản lý; 1 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ; khoảng 80 cơ sở đào tạo công lập và tư thục tham gia đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực VHNT.

Ở lĩnh vực thể thao, cả nước có 5 trường đại học, 1 viện nghiên cứu và khoảng 26 cơ sở tham gia đào tạo, cụ thể gồm 3 trường đại học và 1 viện nghiên cứu trực thuộc Bộ VHTTDL, 2 trường đại học sư phạm TDTT trực thuộc Bộ GD-ĐT.

Có 278 cơ sở đào tạo có tham gia đào tạo các ngành, chuyên ngành lĩnh vực du lịch, gồm: 101 trường đại học có các khoa đào tạo về du lịch, 110 trường cao đẳng và 67 trường trung cấp. Trong đó, có 1 trường du lịch thuộc Đại học Huế, 11 trường cao đẳng và trung cấp đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực chuyên môn du lịch.

Bộ VHTTDL có 10 trường đào tạo về du lịch, trong đó 2 trường thuộc khối giáo dục đại học có khoa Du lịch và 8 trường cao đẳng thuộc khối giáo dục nghề nghiệp, đào tạo chuyên sâu các ngành, nghề về lĩnh vực du lịch.

Ngoài hệ thống cơ sở đào tạo trên, ngành VHTTDL có Trường Cán bộ quản lý VHTTDL thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành VHTTDL; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế phục vụ đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực cho ngành.

Hệ thống cơ sở đào tạo VHNT, TDTT&DL có trên 125 ngành/nghề với khoảng trên 300 chuyên ngành được đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học.

Đức Hoàng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×