Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Từng bước xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp

27/05/2024 | 14:24

Một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có nội dung: “Xây dựng môi trường văn hóa số (VHS) phù hợp nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Ở tỉnh ta, thời gian qua, việc xây dựng môi trường VHS dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành Văn hóa bước đầu đã đem lại những hiệu quả thiết thực.

Nam Định: Từng bước xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp - Ảnh 1.

Cô và trò Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) tham quan, tìm hiểu lịch sử qua máy tra cứu tư liệu, hình ảnh, hiện vật 3D tại Bảo tàng tỉnh.

Thực hiện xây dựng môi trường VHS theo tinh thần Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) phối hợp với các đơn vị quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành: cải cách hành chính; thư viện; bảo tàng; di sản, di tích; văn hóa, nghệ thuật; thể dục, thể thao; điện ảnh; du lịch…; qua đó, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân; từng bước đổi mới căn bản, toàn diện các hoạt động quản lý, điều hành, hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở VH, TT và DL đã ban hành Kế hoạch số 168/KH-SVHTTDL ngày 28-2-2022 về thực hiện “Chuyển đổi số ngành VH, TT và DL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp gồm 5 nhóm: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tính năng động, tiên phong của các cấp, các ngành trong thực hiện chuyển đổi số; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; nâng cấp, phát triển hạ tầng, nền tảng chuyển đổi số; phát triển chính quyền số, xã hội số.

Là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Theo Danh mục kiểm kê di tích được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 96/QĐ-UBND ngày 10-1-2023, toàn tỉnh có 1.348 di tích đã được kiểm kê; trong đó có 390 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp, 11 di sản nằm trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu, Sở VH, TT và DL chỉ đạo Bảo tàng tỉnh triển khai thực hiện Chương trình “Số hóa di sản văn hóa tỉnh giai đoạn 2021-2030” bổ sung các trang thiết bị số phục vụ cho công tác quản lý hiện vật, nâng cấp hệ thống máy tính nối mạng internet; các hiện vật được số hóa bằng phần mềm chuyên dụng… Ngoài cung cấp các thông tin về hoạt động bảo tàng, khi truy cập website baotangtinhnamdinh.vn, độc giả được bổ sung những thông tin súc tích về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại của từng hiện vật; những bài nghiên cứu, những đoạn video clip minh họa sinh động. Ngoài ra, trang web này còn tích hợp ứng dụng tham quan bảo tàng ảo 3D giúp người xem thưởng lãm toàn bộ không gian trong và ngoài bảo tàng và tìm hiểu về từng khu vực trưng bày hiện vật, chia sẻ thông tin qua các trang mạng xã hội như facebook, twitter, zalo… nhằm kết nối những người quan tâm đến bảo tàng. Cùng với hoạt động của website, máy tra cứu thông tin hiện vật 3D kết nối với phân hệ phần mềm không gian ảo được đặt ở khu vực trưng bày giúp khách tham quan xem xét kỹ từng chi tiết hiện vật trong không gian 3 chiều với độ chính xác cao.

Năm 2023, Sở VH, TT và DL phối hợp với Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) xây dựng Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh”. Dự án gồm các nội dung cụ thể: Khảo sát và xác định danh mục các di tích; số hóa (di tích, bảo tàng); xây dựng, phát triển phần mềm (quản lý trên CMS, du lịch ảo, bản đồ số, bộ dự liệu số hóa và trang web các điểm di tích, hiện vật). Đối tượng sử dụng của Dự án là du khách trong và ngoài nước, các nhà quản lý, nghiên cứu lịch sử, văn hóa, giáo viên, học sinh, sinh viên... Dự án đi vào hoạt động đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền về di tích trên nền tảng số hóa 3D, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality-VR), tích hợp chức năng thuyết minh ảo, dữ liệu video, hình ảnh 2D, 3D trên không gian 360; nâng cao công tác quản lý Nhà nước, xây dựng phần mềm quản lý thông tin các di tích lịch sử - văn hóa Nam Định; cung cấp thông tin về các điểm di tích trên địa bàn, kích thích du khách khám phá, trải nghiệm; thu hút đầu tư khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn của các khu du lịch văn hóa tâm linh, phát triển du lịch của tỉnh.

Nam Định: Từng bước xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp - Ảnh 2.

Người dân trải nghiệm ứng dụng công nghệ số đọc sách tra cứu thông tin trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định năm 2024.

Sở VH, TT và DL phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các bộ phim tài liệu giới thiệu quảng bá, tôn vinh những giá trị đặc sắc, riêng có của hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Nam Định đến với du khách trong và ngoài nước trên các kênh VTV1, VTV2, VTV4…; đồng thời, phối hợp với các đơn vị truyền thông của Trung ương và các địa phương trong cả nước sản xuất nhiều chương trình phóng sự giới thiệu về văn hóa, con người quê hương Nam Định phát trên các nền tảng công nghệ số. Nổi bật là 2 bộ phim tài liệu giới thiệu toàn cảnh các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh Nam Định và di sản văn hóa Thành Nam, góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh Nam Định “năng động, giàu bản sắc, thân thiện, mến khách” với nhiều tiềm năng, thế mạnh, sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, xứng đáng là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Tập trung phát triển du lịch trên nền tảng số phù hợp yêu cầu tình hình mới, tỉnh đã ký kết các chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng; tạo cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh quảng bá sản phẩm du lịch, dịch vụ, khảo sát cung cấp thông tin về thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đã tăng cường quảng cáo các sản phẩm dịch vụ thông qua nhiều hình thức như: tờ rơi, tập gấp, website doanh nghiệp, các nền tảng ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội... Tháng 11-2023, Cổng thông tin Khám phá du lịch tỉnh Nam Định (thientruong.namdinh.gov.vn) do Sở Thông tin và Truyền thông, Sở VH, TT và DL, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Cục An toàn thông tin, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone phối hợp xây dựng đã chính thức đi vào hoạt động. Cổng thông tin với các nội dung giới thiệu chính gồm: giới thiệu chung về Nam Định; về địa điểm vui chơi, giải trí, các lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa và các tour du lịch của tỉnh; về các địa điểm mua sắm, về sản vật, đặc sản của tỉnh; về các cơ sở lưu trú, các khách sạn; về các nhà hàng, địa điểm ăn sáng, ăn đêm và các đặc sản, đặc trưng về ẩm thực của tỉnh; về các tuyến xe công cộng và các công ty lữ hành. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cổng thông tin đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho phát triển du lịch Nam Định, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - du lịch theo kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và của quốc gia.

Trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hiện nay, việc xây dựng văn hóa số sẽ góp phần tạo động lực cho nền kinh tế số, xã hội số và công dân số. Thời gian tới, Sở VH, TT và DL tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số trong các lĩnh vực của ngành. Tiếp tục tiến hành số hóa di sản, di tích, cơ sở dữ liệu thư viện, bảo tàng… Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về nhiệm vụ chuyển đổi số. Tổ chức tập huấn, hội thảo về chuyển đổi số ngành Văn hóa. Qua đây, khẳng định vai trò của chuyển đổi số là giải pháp, hướng đi tất yếu giúp lĩnh vực văn hóa tăng tốc bứt phá, phát triển bền vững, góp phần quảng bá văn hóa, con người, vùng đất Nam Định lên không gian mạng để được tiếp cận, giao thoa, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của nhân dân, du khách, các địa phương trong vùng và cả nước, tạo động lực phát triển mới, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực của ngành./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×