Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Quan tâm giáo dục, xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội

25/10/2021 | 15:43

Văn hóa ứng xử là sự thể hiện năng lực giao tiếp đạt tới các chuẩn mực văn hóa trong các quan hệ đời sống hàng ngày. Văn hóa ứng xử được coi là “sức mạnh mềm” của mỗi con người, cộng đồng, dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.

Nam Định: Quan tâm giáo dục, xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội - Ảnh 1.

Gia đình cụ Nguyễn Thị Tính, 92 tuổi ở xã Yên Phong (Ý Yên) là gia đình văn hóa tiêu biểu. Ảnh: Viết Dư

Văn hóa ứng xử trước tiên phải được giáo dục từ chính mỗi gia đình để hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống con người. Ngày nay, dù văn hóa ứng xử có phần thay đổi nhưng khuôn phép giá trị đạo đức trong mỗi gia đình không vì thế mà mất đi. Nền nếp gia phong đã tạo nên “sức đề kháng” giúp cho mỗi thành viên trong gia đình có điểm tựa tinh thần, vững tin vào cuộc sống. Với vai trò là “tế bào” của xã hội, gia đình là môi trường văn hóa đầu tiên mà mỗi người được tiếp nhận trong quá trình trưởng thành. Bên cạnh sự giáo dục từ gia đình, văn hóa ứng xử còn được hình thành, giáo dục trong các nhà trường với mối quan hệ giữa thầy và trò; thói quen trong lao động, sản xuất với mối quan hệ giữa bạn bè, đồng nghiệp; giao tiếp giữa con người với nhau trong xã hội… Cụ Đường Thị Kim Quý, 85 tuổi, phường Văn Miếu (thành phố Nam Định) là hộ gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương. Nhiều năm qua gia đình cụ luôn gìn giữ nguyên tắc đạo đức chuẩn mực của một gia đình “tứ đại đồng đường”. Những phép tắc ứng xử văn hóa được truyền dạy qua các thế hệ luôn được kế thừa và phát huy. Cụ Quý tâm sự: “Vào mỗi dịp lễ, tết, con cháu giữ nếp chúc sức khỏe bậc bề trên; những người đi làm xa nhà vẫn nhớ để gọi điện về thăm hỏi ông bà, cha mẹ... Những thói quen dù rất nhỏ nhưng đã thành truyền thống gia đình, tạo sự gắn kết để mỗi thành viên luôn mong muốn quay trở về nhà sau những vất vả của cuộc sống”. Bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay cho thấy, nhiều gia đình đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh thì truyền thống gia đình vẫn đóng vai trò là “chất keo” kết dính để các thành viên cùng nhau nương tựa, đồng hành chung tay với cộng đồng vượt qua thách thức. Chính trong bối cảnh này, chúng ta đã được chứng kiến vô số hình ảnh, nghĩa cử đẹp xuất phát từ các “tế bào của xã hội”. Đó là những cặp đôi sẵn sàng tạm hoãn đám cưới, những chia sẻ về vật chất, tinh thần, ủng hộ về sức người, sức của những gia đình để cùng góp sức cho công cuộc phòng, chống dịch.

Bên cạnh những câu chuyện đẹp đầy ý nghĩa về văn hóa ứng xử thì sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người dân với những hành vi phản cảm, thiếu trách nhiệm với chính bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội vẫn còn tồn tại trong cuộc sống thường ngày. Những sai lệch chuẩn mực trong gia đình vẫn đang diễn ra. Nguyên nhân là do các gia đình chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục con cái, sự gia tăng các vụ ly hôn, bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật… Những nội dung nhảm nhí, phản giáo dục trên các trang mạng xã hội đã tác động tiêu cực, đặc biệt nguy hiểm với thế hệ trẻ. Điển hình như trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội nổi lên hiện tượng một số cá nhân lộng ngôn, xúc phạm nhân phẩm và danh dự của người khác… Tại các địa điểm công cộng: khu chợ, bến xe, nhà ga, hàng ăn, quán nước vỉa hè…, những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, phản cảm của những cá nhân bị cộng đồng phẫn nộ, lên án gay gắt. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, bên cạnh những điển hình cống hiến quên mình chống dịch bệnh thì vẫn có không ít cá nhân cố tình vi phạm quy định về phòng, chống dịch như: không đeo khẩu trang, trốn cách ly, vượt chốt kiểm dịch, lén lút che giấu đưa người từ địa phương khác về tỉnh, tuyên truyền những thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh… khiến dư luận xã hội bất bình.

Bối cảnh đô thị hóa đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, càng đặt ra những vấn đề cấp thiết đối với việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình và đời sống cộng đồng. Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) thường niên được hưởng ứng từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tôn vinh mái ấm gia đình; khẳng định vị trí, vai trò của gia đình đối với cộng đồng và xã hội. Gia đình đang có những điều kiện cơ bản để bảo tồn, phát huy những chuẩn mực về văn hóa ứng xử và giáo dục giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa gia đình nhân Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3); lồng ghép việc triển khai thực hiện xây dựng văn hóa ứng xử với các hoạt động tuyên truyền giữ gìn an ninh trật tự, lên án những hành vi vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, biểu dương gương người tốt - việc tốt, xây dựng các mô hình CLB gia đình hạnh phúc ở các khu dân cư. Từ năm 2010 đến nay, Sở VH, TT và DL đã cấp phát 500 cuốn tài liệu giáo dục đời sống gia đình; biên tập, phát hành 3.500 đĩa CD tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và PCBLGĐ đến 226 xã, phường, thị trấn để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và tại các hội nghị ở cơ sở; phát hành 30 nghìn tờ rơi phổ biến các tiêu chí ứng xử văn hóa trong gia đình Việt Nam. UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động các gia đình tích cực tham gia thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; đoàn kết, xây dựng tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt…

Xây dựng và lan tỏa giá trị văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội có ý nghĩa thiết thực trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần đẩy lùi những hiện tượng phản cảm, tiêu cực; trong đó giáo dục văn hóa ứng xử là tiền đề quan trọng, bởi gia đình là “tế bào” của xã hội. Để mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, thời gian tới, ngành VH, TT và DL và các địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình, PCBLGĐ, bình đẳng giới. Đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa ứng xử nơi công cộng, nếp sống văn hóa trong cộng đồng. Khen thưởng, biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu. Đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các sản phẩm văn hoá độc hại xâm nhập vào gia đình; gắn tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×