Nam Định: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống
15/05/2023 | 13:38Nằm ở trung tâm phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, Nam Định là tỉnh có bề dày truyền thống văn hiến, lịch sử hào hùng; là nơi hội tụ, bảo lưu nhiều giá trị văn hóa với hơn 1.300 di tích, danh thắng. Nét văn hóa đặc trưng của quê hương Nam Định là trên địa bàn có 2 quần thể di tích, gồm: Quần thể di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (hơn 50 di tích) và Quần thể di tích lịch sử - văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu (hơn 30 di tích).
Do vậy loại hình du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh khá phát triển, hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều địa điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, có tiềm năng khai thác, phát triển thành các tuyến, tour du lịch như: Quần thể khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), Cầu Ngói Chợ Lương (Hải Hậu)… cùng hàng trăm nhà thờ Thiên Chúa giáo đa dạng về quy mô, độc đáo về nghệ thuật kiến trúc; gần 100 làng nghề truyền thống nổi tiếng, tiêu biểu là các làng nghề: đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên (Ý Yên), ươm tơ Cổ Chất, dệt Cự Trữ (Trực Ninh), cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực), kèn đồng Hải Minh (Hải Hậu)…
Không chỉ đa dạng về di sản văn hóa vật thể, số lượng di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh cũng rất đa dạng: các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lễ hội truyền thống, văn hoá ẩm thực và trò chơi dân gian… Trong đó, các loại hình diễn xướng dân gian gồm: hát chèo, hát chầu văn, ca trù, rối nước, rối cạn - rối đầu gỗ, trống hội, nhạc kèn... Về lễ hội, Nam Định có hơn 230 lễ hội truyền thống chủ yếu diễn ra vào mùa xuân và mùa thu, từ quy mô làng, xã đến quy mô vùng gắn với các di tích, tập quán xã hội của cộng đồng dân cư; nhiều lễ hội lớn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; các lễ hội được tổ chức với các nghi lễ trang trọng cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, hấp dẫn như: lễ hội Đền Trần (thành phố Nam Định), lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), chợ Viềng Xuân (Vụ Bản, Nam Trực), lễ hội hoa, cây cảnh Vị Khê (Nam Trực), lễ hội Chùa Cổ Lễ, lễ hội Chùa Keo Hành Thiện… Các trò chơi dân gian trong lễ hội có thi bơi chải, đấu vật, thả diều sáo, hoa trượng hội, đánh cờ người, thổi cơm thi, đi cà kheo, múa lân - sư - rồng… Với những thành tựu của chương trình xây dựng nông thôn mới đã biến nhiều miền quê vốn trù phú, có chiều sâu giá trị văn hoá truyền thống đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước trở thành những địa chỉ thích hợp với loại hình du lịch du khảo, trải nghiệm đồng quê thú vị. Du khách vừa có cơ hội tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm cảnh quan các làng quê với những cảnh sắc tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng vừa thưởng thức các đặc sản ẩm thực đa dạng của địa phương như: phở bò Nam Định, bánh cuốn làng Kênh, bánh gai bà Thi, kẹo Sìu Châu, nem nắm Giao Thuỷ, gạo tám xoan Xuân Đài, bánh nhãn Hải Hậu…
Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể: di tích, làng nghề, lễ hội đều là các điểm nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh. Ngoài việc tuyên truyền quảng bá các sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù, Sở VHTTDL đã tham mưu với UBND tỉnh, Bộ VHTTDL đẩy mạnh đầu tư tu bổ, bảo tồn di sản. Nhiều di tích, công trình đã được tôn tạo, nâng cấp theo quy định của pháp luật với kinh phí từ hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng như: Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, Đền - Chùa Tự Lạc, Đền - Chùa Kiên Lao, Quần thể di tích Phủ Dầy, Trung tâm văn hóa lễ hội Trần… Tiến hành kiểm kê hệ thống các di sản, lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL cấp bằng xếp hạng di tích các cấp và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa của quốc gia để có cơ sở bảo vệ, đầu tư tôn tạo, bảo tồn đúng mức. Đến nay, toàn tỉnh có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 87 di tích quốc gia và 319 di tích cấp tỉnh; 11 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, năm 2016, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện này là niềm vinh dự đối với tỉnh Nam Định nói riêng, cả nước nói chung bởi các di sản văn hóa của Việt Nam sau khi được thế giới công nhận luôn được đánh giá cao và được định hướng khai thác để phát triển trở thành các khu, điểm du lịch có ý nghĩa, mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Cùng với việc bảo vệ, trùng tu di tích, công tác quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống cũng được duy trì theo hướng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, không ngừng đổi mới, phát triển, đảm bảo lành mạnh, văn minh, nhất là các lễ hội lớn. Tiêu biểu là lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu xuân, từ khi thực hiện theo đề án đổi mới công tác tổ chức đã khắc phục được một số biểu hiện phản cảm trong các hoạt động, hành vi ứng xử tại không gian lễ hội như: tình trạng chen lấn, xô đẩy, giành giật lộc...; tạo điều kiện thoải mái, thuận tiện cho người dân và du khách đến tham quan du lịch, nhiều tục lệ, trò chơi dân gian được khôi phục. Những năm gần đây, các đơn vị chức năng ngành Văn hóa đã tích cực phối hợp, sáng tạo tổ chức các hoạt động trưng bày, đấu giá cổ vật vừa tạo cơ hội giao lưu, trao đổi cho những người có cùng đam mê, sở thích sưu tầm cổ vật vừa tạo ra sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách nhân dịp đầu xuân tại Bảo tàng tỉnh. Thực hiện chính sách hỗ trợ bảo tồn văn hóa phục vụ phát triển du lịch, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã sưu tầm, sáng tác và dàn dựng các vở diễn, trích đoạn chèo cổ, hát Văn; phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, ẩm thực trong và ngoài tỉnh tổ chức biểu diễn các loại hình dân ca, dân vũ kết hợp giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch văn hóa đặc sắc của quê hương.
Việc đầu tư, xây dựng, cải tạo hạ tầng du lịch được đẩy mạnh, phát triển hạ tầng giao thông giúp du khách dễ tiếp cận với các địa điểm danh lam thắng cảnh. Cùng với đầu tư của tỉnh và các địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng đã nỗ lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ du khách. Các hình thức du lịch cộng đồng được quan tâm và có chiều hướng phát triển tốt; trong đó, sản phẩm của Công ty Cổ phần Tư vấn và đầu tư ECOHOST là sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 4 sao. Đến nay, toàn tỉnh có 666 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có 387 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch với 5.617 buồng phòng, 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; 249 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác, 220 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Thực hiện Chương trình số hóa di sản văn hóa tỉnh giai đoạn 2021-2030, tỉnh đang triển khai Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh” nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản Nam Định. Phần mềm quản lý các điểm di tích lịch sử - văn hóa hoạt động sẽ giúp việc quản lý các điểm di tích thuận tiện hơn, trực quan hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ngành Du lịch tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức các cuộc thi ảnh, thi thiết kế logo du lịch Nam Định, xuất bản ấn phẩm sách ảnh cẩm nang du lịch, Bản đồ du lịch Nam Định, tổ chức Hội chợ Du lịch thương mại Nam Định, tích cực tham gia các hội chợ quảng bá, xúc tiến du lịch tại các tỉnh, thành trong cả nước... Qua đó, tuyên truyền tiềm năng, thế mạnh, cơ chế chính sách đầu tư của tỉnh, thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan và các đối tác hợp tác kinh doanh, phát triển du lịch tại địa phương. Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch, ngành Du lịch Nam Định đã tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát các điểm di tích để bước đầu hình thành các tuyến, điểm du lịch văn hóa; tổ chức các buổi tọa đàm, các chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Nam Định với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, thông tin đại chúng của Trung ương, của tỉnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, giá trị các di sản văn hóa, khai thác phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống đặc trưng của quê hương Nam Định./.