Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Hiệu quả công tác xã hội hoá bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá

31/03/2021 | 15:53

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Tỉnh ủy về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”, hiệu quả xã hội hoá công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh đã tạo nền tảng vững chắc để sáng tạo những giá trị văn hoá mới gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu thời đại 4.0 với mục tiêu xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nam Định: Hiệu quả công tác xã hội hoá bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá - Ảnh 1.

Cầu ngói xã Hải Anh (Hải Hậu) được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Từ những điểm sáng

Nam Trực là vùng quê giàu trầm tích văn hóa với 70 công trình di tích được xếp hạng (14 di tích quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh). Nhiều di tích có giá trị lịch sử văn hoá và kiến trúc mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế như: Đền Xám (xã Hồng Quang), đền Đá (xã Tân Thịnh), chùa Đại Bi, đền Thôn Ba, đền Am (thị trấn Nam Giang), đền Gin (xã Nam Dương), đền Đồng Quỹ (xã Nam Tiến), đền Xối Thượng, đền Thượng Lao (xã Nam Thanh), đền Giao Cù (xã Đồng Sơn), đền An Lá (xã Nghĩa An)... Các di tích lịch sử, văn hoá ở Nam Trực có ý nghĩa tôn vinh, tri ân công đức của các bậc tiền nhân, các vị vua, tướng, danh nhân văn hoá đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và giặc ngoại xâm, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đi kèm với hệ thống di tích đó Nam Trực còn có hệ thống di sản văn hoá phi vật thể với nhiều lễ hội, chủ yếu diễn ra vào mùa xuân và mùa thu. Hàng năm, có tới hàng vạn lượt du khách về với Nam Trực vào các dịp lễ hội, đặc biệt hội chợ Viềng xuân (mùng 8 tháng Giêng), lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê, lễ hội chùa Đại Bi,… Nam Trực là huyện duy nhất của tỉnh có 4 phường múa rối, đó là các phường rối nước làng Rạch (xã Hồng Quang), thôn Nhất (thị trấn Nam Giang) và rối cạn chùa Đại Bi (thị trấn Nam Giang), chùa Cổ Tung (xã Nam Hùng). Đây là môn nghệ thuật dân gian đặc sắc, do nhân dân sáng tạo và gìn giữ, phát triển. Năm 2019, lễ hội chùa Đại Bi (là lễ hội đầu tiên của huyện Nam Trực) được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hàng năm lễ hội mở từ 20 đến 23 tháng Giêng, thu hút đông đảo khách thập phương. Trong các ngày diễn ra lễ hội, ngoài phần lễ, du khách còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như: Lễ rước, kéo chữ, đấu vật, đánh cờ người, tổ tôm điếm… Đặc biệt nghệ thuật múa rối đầu gỗ chầu Thánh (hay còn gọi là Ổi Lỗi) chùa Đại Bi - được coi là môn nghệ thuật “độc nhất, vô nhị” trong cả nước. Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lâu đời của huyện Nam Trực được bảo tồn và phát huy hiệu quả nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, đảm bảo quản lý, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, di sản văn hoá truyền thống được kéo dài tuổi thọ và không bị sai lệch biến dạng. Đối với 70 di tích đã được xếp hạng, các địa phương đều thành lập Ban Quản lý di tích; ban hành quy chế quản lý di tích và tổ chức lễ hội; tăng cường kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Nhờ làm tốt công tác vận động xã hội hóa tu bổ, chống xuống cấp và phát huy giá trị di tích đã thu hút được nhiều tỷ đồng và hàng triệu ngày công lao động của nhân dân để bảo vệ chống xuống cấp duy tu các di tích khang trang, sạch đẹp hơn. Tiêu biểu như các địa chỉ: Chùa Am, đình Bơi (xã Nam Toàn); đền Đá (xã Tân Thịnh); đền Đức Ông, đền Đồng Phù (xã Nam Mỹ)... Thời gian qua, để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật rối cạn và rối nước trước nguy cơ bị mai một, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở VH, TT và DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH, TT và DL), Quỹ Ford tài trợ kinh phí, phương tiện máy móc, ánh sáng, âm thanh và xây dựng thủy đình cho phường múa rối thôn Nhất (thị trấn Nam Giang). Đồng thời, mở lớp đào tạo 60 diễn viên trẻ kế cận cho 2 phường rối làng Rạch và thôn Nhất; phối hợp với Viện Âm nhạc tổ chức đào tạo 35 diễn viên và nhạc công trẻ để bổ sung cho lớp nghệ nhân rối cạn Chùa Đại Bi đã cao tuổi (lớp diễn viên này do chính các nghệ nhân phường rối cạn Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang trực tiếp truyền dạy). Các di tích đã và đang trở thành điểm thu hút khách du lịch, điểm tham quan, nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống cho các thế hệ người dân Nam Trực, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.

Tại huyện Giao Thủy, các cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức tổng kiểm kê, khảo sát, lập hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích lịch sử trên địa bàn, triển khai các hoạt động quản lý và bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng; tổ chức tập huấn Luật Di sản văn hóa, công tác tổ chức và quản lý lễ hội cho lãnh đạo, cán bộ chuyên môn và ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa các xã, thị trấn. Tích cực triển khai các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương; khôi phục hội thi bơi chải cấp huyện hàng năm; sưu tầm, phục hồi các trò chơi văn hóa - thể thao dân gian tại các lễ hội lớn như: Hội làng Hoành Nha (Giao Tiến), hội làng Diêm Điền (Bình Hòa), hội làng Hà Cát (Hồng Thuận), hội làng Kiên Hành (Giao Hải), hội làng Hoành Đông (thị trấn Ngô Đồng).

Đẩy mạnh xã hội hóa để bảo tồn hiệu quả di sản văn hóa

Theo thống kê của ngành, toàn tỉnh hiện có 365 di tích được Nhà nước xếp hạng; có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 81 di tích cấp quốc gia, 282 di tích cấp tỉnh, 965 di tích lịch sử văn hóa đã được đưa vào danh mục kiểm kê; 4 hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia; 246 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh những giá trị di sản văn hoá vật thể, Thiên Trường xưa, Nam Định nay là nơi phát tích và bảo lưu nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian và các làng nghề truyền thống, góp phần tạo nên những giá trị văn hoá phi vật thể phong phú và độc đáo. Trong đó, “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy” với giá trị tinh hoa di sản văn hóa đặc sắc của đất và người Thiên Trường xưa - Nam Định nay, gắn liền với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Cha và Thánh Mẫu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 287 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần liên quan đến “Nghi lễ Chầu văn”. Trong đó, quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) vừa là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh, cũng là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động nghi lễ Chầu văn. Lễ hội Phủ Dầy có quá trình lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, do cộng đồng sáng tạo và lưu truyền qua các thế hệ. Về phương diện văn hóa, lễ hội Phủ Dầy mang giá trị nhân văn sâu sắc, đặc biệt coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người phụ nữ; có giá trị nhân văn sâu sắc; là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam.

Thời gian qua, công tác quản lý di tích, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh đã được các ngành chức năng, các địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần bảo tồn di sản văn hoá của dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đối với 365 di tích đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng, các địa phương đều thành lập Ban quản lý di tích; đồng thời ban hành quy chế quản lý di tích và tổ chức lễ hội; tăng cường kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích nhằm phát hiện, xử lý dứt điểm, kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện những hành vi khác trái pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, ngày 24-10-2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2335/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực Phủ Dầy. Theo đó, Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực Phủ Dầy tỷ lệ 1/2.000 do Công ty Cổ phần Kiến trúc, Đầu tư và Thương mại Việt Nam (VARIC - Hà Nội) lập, thời hạn quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khu vực quy hoạch chủ yếu trong địa phận hành chính xã Kim Thái, một phần các xã Minh Tân, Tam Thanh với quy mô là 498,4ha. Toàn bộ khu vực quy hoạch chia làm 5 phân khu (khu trung tâm, khu bắc, khu nam, khu đông, khu tây), được định hướng phát triển trên nguyên tắc kế thừa bản sắc không gian định cư truyền thống, tổ chức các cửa ngõ đón khách du lịch, thiết lập hệ thống bến bãi có sức dung nạp lớn và tính linh hoạt cao. Quy hoạch phân khu còn định hướng rõ cấu trúc giao thông đường bộ, phát triển không gian thương mại dịch vụ, xác lập không gian bảo vệ di tích, ổn định cư trú và nâng cao chất lượng sống, tổ chức không gian du lịch của khu vực Phủ Dầy. Năm 2019, UBND tỉnh tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần. Dự án được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích đất 92,5ha, gồm 3 phân khu chính: Khu công viên văn hóa Trần (25,6ha); khu Trung tâm lễ hội (23,6ha) và khu đệm, khu dịch vụ, hệ thống đường giao thông kết nối đến các phân khu, giao thông nội bộ... Tổng mức đầu tư của dự án hơn 734 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương (Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa) và ngân sách địa phương… Dự án được đầu tư xây dựng hướng đến các mục đích từng bước hoàn thiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của quần thể Khu di tích, qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam. Đồng thời, hình thành điểm du lịch văn hóa tâm linh phục vụ du khách trong nước và quốc tế; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 về lĩnh vực văn hóa đề ra nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nâng cao chất lượng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong giai đoạn mới; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp với các quy định của pháp luật và thuần phong mỹ tục của địa phương. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa các hoạt động văn hóa, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nhất là Di sản văn hóa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kiên quyết chống các biểu hiện tư nhân hóa, thương mại hóa, giữ gìn sự tôn nghiêm và nét đẹp văn hóa truyền thống của các lễ hội. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×