Nam Định: Du lịch tiếp tục “sứ mệnh” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
19/12/2022 | 09:42Nam Định nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại. Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường các nguồn lực cho phát triển du lịch; xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm thu hút đầu tư, nhất là sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, để phát triển du lịch, góp phần đưa Nam Định trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chú trọng chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đơn vị, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư về xây dựng phong trào ứng xử văn minh du lịch theo Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ VHTTDL đã được gửi đến các địa phương, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Các nội dung nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch bền vững, bảo vệ di sản, kỹ năng giao tiếp, ứng xử được lồng ghép phổ biến trong các hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch. Sở VHTTDL phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương xây dựng các chương trình, chuyên mục, tin, bài, phóng sự nhằm tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch; phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về hoạt động du lịch, nhân rộng mô hình hay, điển hình tốt về phát triển du lịch địa phương, cộng đồng du lịch văn minh thân thiện; khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho phát triển du lịch.
Xác định địa bàn trọng điểm phát triển du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù để có kế hoạch đầu tư phát triển, tránh tình trạng đầu tư dàn trải gây lãng phí, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, tỉnh đã cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, trong đó hướng vào đối tượng du khách chủ yếu (thị trường khách trọng điểm để có hướng tiếp cận, xúc tiến, quảng bá). Về loại hình du lịch biển, sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng, Nam Định có các sản phẩm du lịch: tham quan vùng bờ, các cồn nổi ngoài biển, các vùng đất ngập nước thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh đồng bằng sông Hồng, nghỉ mát, tắm biển, du lịch điền dã homestay. Điểm nhấn của loại hình du lịch biển là Vườn quốc gia Xuân Thủy, vùng đất ngập nước cửa sông Đáy, cửa sông Ninh Cơ, các khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm, những cánh đồng muối ở Nghĩa Hưng, Hải Hậu, trải nghiệm đời sống ngư dân tại điểm du lịch cộng đồng xã Giao Xuân... Về loại hình du lịch văn hóa, Nam Định có các sản phẩm du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, tham dự các lễ hội truyền thống. Trong đó, điểm nhấn là cụm di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh gắn với lễ hội Trần (thành phố Nam Định); di tích, lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường); quần thể di tích, lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản); di tích Cầu Ngói, lễ hội Chùa Lương (Hải Hậu); di tích, lễ hội Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh)... Trong loại hình du lịch văn hóa, Nam Định còn có du lịch làng nghề truyền thống gắn với các sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng vùng, miền. Bên cạnh việc tăng cường quản lý điểm đến, thiết lập an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch, huy động cộng đồng địa phương tham gia cung cấp dịch vụ du lịch, bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường du lịch Nam Định thân thiện, tỉnh đã đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành Du lịch. Từ sự hỗ trợ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Du lịch của Trung ương và các nguồn vốn khác của địa phương, đã góp phần làm thay đổi diện mạo các khu, điểm du lịch trong tỉnh; khuyến khích các nhà đầu tư phát triển dịch vụ khác để kết nối các khu, điểm du lịch trong tỉnh và khu vực tạo các tuyến, điểm du lịch hấp dẫn. Việc đầu tư, xây dựng, cải tạo hạ tầng giao thông đã giúp du khách tiếp cận với các địa điểm tham quan du lịch dễ dàng hơn và góp phần thu hút các nhà đầu tư quan tâm khai thác thị trường du lịch của tỉnh.
Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch, khảo sát, cung cấp thông tin về thị trường du lịch được triển khai tích cực. Đổi mới hoạt động du lịch, nhiều đơn vị đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn nghiên cứu hình thức phù hợp để đưa các môn nghệ thuật dân tộc (hát chèo, hát văn, múa rối nước...) vào phục vụ ở các khu, điểm du lịch; phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”. Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng trong khuôn khổ Dự án “Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy” với sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã được thực hiện tại một số hộ dân xã Giao Xuân (Giao Thủy), đạt được những kết quả tích cực và đang được nhân rộng ra các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy. Mô hình Ecohost Hải Hậu đã được triển khai tại thị trấn Yên Định (Hải Hậu), trong đó hướng tới việc tái dựng lại những ngôi nhà truyền thống vùng, miền, có khuôn viên, sân vườn rộng thoáng, sử dụng chất liệu tự nhiên trong kiến trúc nhà, vừa tạo việc làm cho cộng đồng vừa xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Thông qua thị trường khách du lịch, Ecohost sẽ là đầu mối tiêu thụ sản phẩm, hàng nông sản do cộng đồng địa phương làm ra để gia tăng lợi nhuận cho người dân. Ngoài ra còn có một số khu, điểm du lịch có sự tham gia của người dân như một số làng nghề: hoa, cây cảnh Vị Khê (Nam Trực), ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh), kèn đồng Phạm Pháo (Hải Hậu), muối Bạch Long (Giao Thủy), đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên (Ý Yên)...
Vấn đề đặt ra của hoạt động du lịch Nam Định những năm gần đây là có sự gia tăng về chất lượng kéo theo số lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch tăng song chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh không đồng đều. Trong tổng số lao động ngành Du lịch, lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 8,5%, trung cấp 15-20%, còn lại là lao động có trình độ sơ cấp và lao động phổ thông chưa qua đào tạo (lực lượng này chủ yếu làm việc tại các cơ sở tư nhân tại các khu du lịch biển). Lao động mang tính mùa vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch tuy góp phần giải quyết vấn đề thiếu nhân lực vào mùa cao điểm nhưng lại ảnh hưởng tới chất lượng chung của ngành Du lịch, đặc biệt là hình ảnh và thương hiệu du lịch. Để từng bước giải quyết thiếu hụt lao động có nghiệp vụ, hàng năm, ngành VHTTDL tỉnh phối hợp với Tổng cục Du lịch, các trường đào tạo du lịch tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; đội ngũ hướng dẫn viên tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực du lịch với các địa phương, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng giao tiếp, ứng xử theo hướng chuẩn hóa cho đội ngũ lao động. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ.
Với sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh, du lịch Nam Định hứa hẹn sẽ khởi sắc, tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong hành trình của du khách./.