Nam Định đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia
21/02/2020 | 16:07Nam Định đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia đền Miễn Hoàn; Ninh Bình báo cáo thống kê thiệt hại do hỏa hoạn tại di tích sử cấp Quốc gia đền, chùa thôn Năm; Hải Phòng tiến hành khai quật 13 cọc gỗ tại ao nhà ông Đào Văn Đến… là những thông tin nổi bật tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Nam Định: UBND tỉnh Nam Định vừa có tờ trình gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về việc xếp hạng di tích Đền Miễn Hoàn. Theo đó, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thiện nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích Đền Miễn Hoàn, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản. UBND Nam Định đề nghị Bộ VHTTDL xem xét, quyết định xếp hạng di tích Quốc gia cho di tích trên.
Ninh Bình: Mới đây, Sở VHTT Ninh Bình đã có văn bản báo cáo Bộ VHTTDL về vụ hỏa hoạn xảy ra tại di tích lịch sử cấp Quốc gia đền, chùa thôn Năm, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh. Đền, Chùa thôn Năm là di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1996, ngày 27/1/2019 di tích đã xảy ra hỏa hoạn. Theo thống kê thiệt hại ban đầu, vụ hỏa hoạn làm hư hỏng hệ thống mái của tòa Tiền đường; hệ thống cửa, nền nhà, tường bị ảnh hưởng; các hiện vật ở tòa Tiền đường bị cháy gồm: 01 đôi ngựa gỗ, 01 đôi hạc gỗ, 01 nhang án, 01 quán tẩy gỗ, 01 bộ bát bửu, 06 mâm mịch gỗ, 04 bàn thờ gỗ, 02 đẳng gỗ, 01 đôi câu đối gỗ, 01 bức đại tự, 01 long đình (mới); 01 bằng xếp hạng di tích, 05 lọng vải; đôi lộc bình bằng sứ và hòm công đức bằng nhôm kính bị vỡ. Nguyên nhân vụ hỏa hoạn được cơ quan công an điều tra, bước đầu xác định là do chập điện.
Sở VHTT đã phối hợp với UBND huyện Yên Khánh đề nghị Ban quản lý di tích đền chùa thôn Năm thực hiện các biện pháp bảo vệ hiện vật, đồ thờ tự còn lại trong di tích (ngai, bài vị, bát hương…); đồng thời khẩn trương khắc phục hậu quả xây dựng phương án tu bổ, tôn tạo di tích theo quy định của pháp luật.
Hải Phòng: Ngày 20/2, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng thành phố, huyện Thủy Nguyên đã tiến hành khai quật khẩn cấp 13 cọc gỗ tại ao nuôi cá của gia đình ông Đào Văn Đến ở thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên. Khu vực khai quật khoảng 400 m2, sát phía bờ ao. Trên diện tích này, người dân địa phương san gạt lớp bùn bám trên các cọc gỗ phát hiện được. Sau đó, cán bộ Viện Khảo cổ học đo chiều dài, kích thước, đánh dấu và vẽ lại sơ đồ bố trí của các cọc gỗ; đồng thời, lấy mẫu giám định niên đại các cọc gỗ này. Theo quan sát thời điểm bắt đầu khai quật, trong ao có 5 cọc nhô lên khỏi mặt bùn 30- 60 cm; 4 cọc cách mặt bùn 10-15 cm; 2 cọc nằm cách mặt bùn 5 -10 cm; 2 cọc nằm trong hốc đá kè bờ ao. Các cọc gỗ này có kích thước khác nhau, một số cọc bị gãy đầu.
Việc phát hiện, khai quật khẩn cấp các cọc gỗ tại khu vực Đầm Thượng, xã Lại Xuân góp phần kịp thời bảo tồn di tích, đồng thời có thêm tư liệu, chứng tích làm căn cứ để đánh giá tổng thể trận chiến trên sông Bạch Đằng.
Bắc Ninh: Báo Bắc Ninh ngày 20/2 đưa tin, với hệ thống di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa… đa dạng, phong phú, những năm qua, huyện Quế Võ luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Theo thống kê, toàn huyện có 160 di tích, trong đó 33 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 9 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Xác định được tầm quan trọng của các di tích trong đời sống cộng đồng, Quế Võ đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Công tác tu bổ, tôn tạo được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, ngoài thực hiện đúng theo quy định của Luật Di sản, công tác xã hội hóa được đẩy mạnh thu hút đông đảo người dân tham gia ủng hộ.
Để quản lý tốt các di tích, các địa phương đều thành lập Ban Quản lý di tích cấp xã do lãnh đạo UBND xã, thị trấn làm Trưởng ban, các ban, ngành, đoàn thể liên quan làm thành viên. Ban Quản lý di tích có nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ các hiện vật, tránh lấn chiếm diện tích đất tại các di tích… nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý thức bảo tồn di tích cũng như hiểu biết về ý nghĩa giá trị của các di tích. Khi nhận thức của người dân được nâng cao, trước hết các hoạt động của cộng đồng sẽ không làm tổn hại đến di tích và tùy theo khả năng mọi người có thể tham gia đóng góp vào bảo tồn, phát huy giá trị của di tích bằng những hình thức phù hợp. Song song với đó, Quế Võ chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị di tích cũng như tiềm năng phát triển du lịch. Tại các di tích đều có người trông coi để giới thiệu với du khách, đồng thời có bảng tóm tắt công trạng, thần tích các vị thần, thánh được thờ.
Quế Võ đã và đang tiếp tục quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích chính là làm tròn bổn phận với cha ông với thế hệ mai sau, đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước và tự hào về truyền thống quê hương