Nam Định: Đặc sắc văn hóa ẩm thực
22/03/2024 | 10:03Nam Định có khoảng 100 lễ hội mùa xuân, tổ chức từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch. Trong các lễ hội, văn hóa ẩm thực mang tính đặc trưng bản địa thể hiện qua các vật phẩm dâng các vị thần, thánh. Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa tinh thần mà còn thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, công lao của các vị anh hùng dân tộc, góp phần nuôi dưỡng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Ở làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) dịp rằm tháng giêng hàng năm, dân làng địa phương mở hội tưởng nhớ công đức Thành hoàng làng Hoàng Văn Quảng đã có công dấy binh, lập ấp và cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Độc đáo trong lễ hội là phần thi thổi cơm và làm cỗ chay dâng thánh, thần. Tục thổi cơm thi trong hội làng Ngọc Tiên diễn ra theo một quy trình khép kín từ việc lấy nước, tạo lửa, đến thổi cơm, làm bánh. Để bắt đầu phần thi thổi cơm và làm cỗ chay, các giáp phải trải qua hai phần thi “địch thủy” (lấy nước) và “địch hỏa” (lấy lửa). Khi có nước, có lửa thì thổi cơm thi mới được bắt đầu. Người tham dự phần thi thổi cơm đeo cần trúc lên vai, cố định niêu cơm treo trên cần trúc rồi giữ lửa vừa đi vừa nấu cho cơm chín. Cơm phải đạt yêu cầu: chín tới, không khô, không hấy, đơm đủ một bát cơm lồng, góp vào mâm cơm cúng Thánh. Ngoài cơm trắng là món chính, mâm cỗ chay còn có 4 loại bánh là bánh ống, bánh bìa, bánh phong, bánh giáo và một bát chè đường. Mỗi loại bánh có yêu cầu kích thước, hình dáng, màu sắc khác nhau nhưng lại được làm từ nguyên liệu chung là gạo nếp, đỗ xanh đường kính và quả gấc chín. Bốn loại bánh trên mâm cỗ chay tượng trưng cho các loại lương khô mà thánh tổ đã làm ra giúp nghĩa quân có đủ lương thực ăn đường ngay cả khi giặc dã mưa gió, lụt lội, không nổi lửa được.
Tại làng Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), từ năm 1995, lễ hội truyền thống ở địa phương được khôi phục và tổ chức 5 năm 1 lần từ ngày 14 đến 16 tháng 3 âm lịch nhằm tưởng nhớ công lao của vị tướng Đinh Lôi. Theo các bậc cao niên làng Hạ Kỳ, hội thổi cơm thi của làng Hạ Kỳ mô phỏng lại tích đoàn quân của tướng Đinh Lôi vừa hành quân vừa thổi cơm. Dẫn đầu tốp thổi cơm thi là một người múa sênh tiền; đi sau mỗi tốp là một người đầu chít khăn đỏ, trên đầu quấn xà cạp đỏ, quẩy gánh đồ đạc, đòn gánh là một đoạn tre quấn giấy xanh đỏ. Hai mẩu đòn gánh được tết hình rồng bằng rơm. Nồi cơm được treo trên một cần tre, đi bên cạnh là ba thanh niên cầm ba bó củi tre, lửa cháy bập bùng, chân múa nhịp nhàng, tay điều khiển ngọn lửa và khi đoàn rước về đến cửa đền thì cơm vừa chín tới. Mỗi nồi cơm thổi 0,3kg gạo tám xoan, đặc sản của Hạ Kỳ. Tất cả kết hợp, tạo nên một không khí sôi động, mang âm hưởng trang nghiêm, đậm sắc thái của cư dân nông nghiệp, gửi gắm ước nguyện về một năm bội thu, được mùa. Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp để mỗi người dân nhớ về cội nguồn và tự hào về lịch sử quê hương.
Là địa phương thuần nông nên lễ vật tế thần, tế mẫu của người dân Nam Mỹ (Nam Trực) trong lễ hội truyền thống di tích lịch sử Đền Đồng Phù là lễ hội chung của hai làng Đồng Phù và làng Vô Hoạn còn giữ được nhiều nét văn hóa ẩm thực bản địa. Trước khi diễn ra lễ hội truyền thống nơi đây, phụ nữ tập trung thành bản hội theo xóm để sửa soạn các lễ vật hành lễ ở các di tích: Đền Đồng Phù, Đền Đức Ông, Đền - Chùa Vô Hoạn, khu lăng mộ thờ Quế Hoa Công chúa Trần Thị Ngọc Trân, Chùa Sùng Khánh. Các lễ vật ở chùa thường chay tịnh như: Oản bột, xôi, hương hoa quả; ở đền, lăng gồm: thịt gà, thịt lợn, xôi nếp, trầu, rượu, hương, hoa quả. Trong đó, gà dâng cúng là gà trống, trọng lượng khoảng 1,5 đến 2kg, mào gà đỏ tươi, nhú cao đều, lông có màu đỏ mật, chân vàng tươi, đuôi dài. Đặc biệt, trong lễ hội, vào buổi chiều muộn ngày 10-3 âm lịch, khi lo xong công việc ở Đền Đồng Phù và Đền Vô Hoạn, nhân dân làm cỗ cúng tổ tiên và Quế Hoa Công chúa tại gia đình hoặc nhà thờ họ. Mâm cỗ cúng tại các gia đình ngoài các vật phẩm: thịt gà, thịt lợn, xôi, hương, hoa… còn có chè kho, bánh trôi, bánh chay. Trong đó, chè kho là vật phẩm quan trọng, không thể thiếu trong mỗi mâm cúng. Cách làm chè kho của người dân nơi đây cơ bản giống chè kho truyền thống nhưng vẫn có hương vị riêng của bản địa, nổi bật với màu vàng ươm và mùi thơm của gừng, đỗ.
Ở các vùng quê khác trong tỉnh nét đẹp văn hóa ẩm thực trong các lễ hội mùa xuân vẫn được nhân dân lưu giữ đến ngày nay. Trong các lễ hội làng Thượng Linh, Côi Sơn, Quả Linh (Vụ Bản) có hội chọn lợn, hội chọn gà và hội chọn cá... Lễ hội Đền Đá, xã Tân Thịnh (Nam Trực) có cuộc thi làm oản, làm bánh dày, thi làm cỗ dâng Thánh, chọn cau lễ... Nét đẹp văn hóa ẩm thực trong các lễ hội ở tỉnh ta mang sắc thái riêng, nhưng đều có điểm chung là tưởng nhớ công lao của những người có công với quê hương đất nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Nhiều năm qua, tại các địa phương tổ chức lễ hội đều có nhiều hoạt động thu hút thế hệ trẻ tham gia tìm hiểu truyền thống cha ông. Ở huyện Ý Yên, hàng năm, các trường tiểu học: Yên Đồng A, Yên Đồng B, THCS Yên Đồng và một số trường học các xã: Yên Nhân, Yên Tiến, Yên Khang, Yên Trị đã tổ chức cho học sinh tham quan di tích, tìm hiểu về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tín ngưỡng thờ Mẫu; các vật phẩm truyền thống trong các lễ hội... sau đó các em viết bài thu hoạch. Tại huyện Nghĩa Hưng, Phòng GD và ĐT đã ký chương trình phối hợp với Phòng VH-TT về đảm nhận việc chăm sóc các di tích lịch sử - văn hóa và giáo dục truyền thống cho học sinh qua các lễ hội tại địa phương. Ở huyện Xuân Trường, các trường tiểu học và THCS tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; tổ chức cho các em tìm hiểu ý nghĩa của lễ hội gắn với các di tích ở địa phương nhằm giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng của quê hương.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ VH, TT và DL và UBND tỉnh, hàng năm Sở VH, TT và DL đều ban hành các văn bản hướng dẫn, đề nghị chính quyền các địa phương chú trọng khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như: các nghi thức tế lễ, các loại hình văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, Sở VH, TT và DL thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức công tác quản lý và tổ chức lễ hội cho cán bộ Phòng VH-TT các huyện, thành phố, công chức văn hóa - xã hội các xã, phường, thị trấn. Các Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội tại các địa phương đã xây dựng kịch bản lễ hội khoa học, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và nét đẹp văn hóa truyền thống bản địa, tạo sức hấp dẫn cho du khách tham dự lễ hội. Công tác tổ chức lễ hội ở các địa phương trong tỉnh trong những năm qua đã đáp ứng nhu cầu của người dân về đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa. Ý nghĩa của phần “lễ” không chỉ mang tính chất tín ngưỡng thuần túy mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hướng về cội nguồn. Các phẩm vật dâng lên các anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân nhắc nhở mỗi người trong cộng đồng bài học về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng tự hào về truyền thống cha ông; từ đó tiếp thêm động lực hăng say học tập, lao động, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.