Nam Định: Bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể
23/11/2021 | 14:02Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của cộng đồng, góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.
Di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh ta đa dạng ở nhiều loại hình, từ lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống đến phong tục, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Trong số đó có 10 di sản đã được ghi danh, gồm 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), lễ hội Đền Trần (thành phố Nam Định), lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), lễ hội Chùa Đại Bi (Nam Trực), lễ hội Đền thờ Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không, nghề sơn mài Cát Đằng (Ý Yên), lễ hội Đền Chùa Linh Quang (Trực Ninh), nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định, nghệ thuật hát Ca trù; 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội” và các văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL), UBND tỉnh trong phân cấp quản lý, bảo tồn di sản, Sở VH, TT và DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố kiểm kê, quản lý, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với công tác kiểm kê di sản, từ năm 2012 đến nay, Sở VH, TT và DL đã chỉ đạo Phòng Quản lý di sản, Bảo tàng tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương, các địa phương tổ chức nghiên cứu, khảo sát, kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn để xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh. Trong 10 di sản văn hóa phi vật thể, Sở VH, TT và DL đã trực tiếp nghiên cứu xây dựng 6 hồ sơ, phối hợp với các cơ quan khác nghiên cứu xây dựng 4 hồ sơ.
Tháng 12-2016, tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa dân chủ liên bang Etiopia, trong phiên họp thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” chính thức được vinh danh ở tầm quốc tế. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào đối với tỉnh Nam Định - địa phương được coi là trung tâm Đạo Mẫu của cả nước mà còn là niềm vui chung của cộng đồng địa phương trong bảo vệ, giữ gìn, thực hành, phát huy giá trị di sản tại quê hương. Sau khi được vinh danh, thực hiện chỉ đạo của Bộ VH, TT và DL, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Nam Định đến năm 2030” trình các cấp thẩm quyền phê duyệt. Năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2335/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phân khu tại hơn 20 di tích đình, đền, chùa, phủ, lăng và những vùng phụ cận nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Cùng với đó, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh, Phòng Quản lý di sản (Sở VH, TT và DL) đã xây dựng các kế hoạch, đề án về kiểm kê di tích, bảo tồn một số loại hình văn hoá đặc trưng của Nam Định như: nghệ thuật Ca trù, hát Chèo, hát Chầu văn; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy giá trị di sản để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 5 năm “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh.
Ở tỉnh ta, các di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình lễ hội truyền thống như: lễ hội Đền Trần, lễ hội Chùa Đại Bi, lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, lễ hội Đền thờ Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không, lễ hội Đền Chùa Linh Quang hàng năm thu hút đông đảo du khách tham dự. Sở VH, TT và DL tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý việc tổ chức lễ hội truyền thống trên địa bàn. Đối với các di sản lễ hội lớn, quy mô vùng diễn ra trong thời điểm đầu Xuân mới (từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch), tiêu biểu như: Hội chợ Viềng Xuân, lễ hội Khai ấn Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), lễ hội Phủ Quảng Cung hàng năm đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước về tham quan, nghiên cứu. Do vậy, công tác quản lý, tổ chức lễ hội luôn được ngành VH, TT và DL, chính quyền các địa phương, Ban quản lý các di tích triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo nếp sống văn minh. Việc tổ chức lễ hội nhằm tạo thuận lợi cho người dân du xuân vãng cảnh, thực hành tín ngưỡng tâm linh truyền thống, ngăn chặn tình trạng thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng và các vi phạm an ninh trật tự, mê tín dị đoan…
Những năm gần đây, tại các địa phương diễn ra lễ hội gắn với sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thì đại diện cộng đồng có di sản đã thường xuyên cùng chính quyền địa phương, ngành VH, TT và DL các cấp trực tiếp đảm nhiệm việc tổ chức, điều hành, theo dõi, kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội và bảo vệ giá trị di sản. Đó là cơ sở tạo ra sự đồng thuận của cộng đồng để duy trì lễ hội theo hướng bền vững, văn minh và đem lại hiệu ứng tích cực trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Trước thực trạng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong cộng đồng dân cư có nhiều biểu hiện lệch lạc, năm 2018, Sở VH, TT và DL đã ban hành văn bản số 249/SVHTTDL-QLDSVH nhằm chấn chỉnh các biểu hiện phản cảm, sai lệch với bản chất của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong đó nhấn mạnh việc không được tổ chức hầu đồng ở những nơi công cộng, xa rời không gian linh thiêng gắn với tín ngưỡng. Năm 2020, Hội Bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Nam Định” được thành lập gồm 300 hội viên trên địa bàn tỉnh. Đây là tổ chức cộng đồng đầu tiên được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động với tôn chỉ mục đích là bảo vệ, phát huy di sản tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền giá trị di sản, đấu tranh, phê phán những biểu hiện làm sai lệch, xuyên tạc, biến tướng giá trị tốt đẹp của di sản.
Thời gian tới, ngành VH, TT và DL tỉnh, các địa phương tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa. Nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, tích cực phối hợp với cộng đồng, chủ thể của di sản để bảo tồn di sản. Tăng cường công tác kiểm kê, xây dựng hồ sơ di sản, đề nghị các cấp thẩm quyền công nhận, vinh danh. Tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm, biến tướng, trục lợi từ di sản. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân, đẩy mạnh xã hội hóa gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đẩy mạnh việc kế thừa, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể giữa các thế hệ (truyền miệng, ghi âm, in thành sách, tài liệu lưu trữ…) Phát huy nguồn lực, vai trò chủ thể của người dân trong thực hành tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng./.