Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Năm 2022 ghi dấu ấn nhiều hoạt động đối ngoại sôi nổi của Bộ VHTTDL

21/01/2023 | 21:08

Trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng đã có 18 chuyến công tác đối ngoại và để lại nhiều dấu ấn cho hoạt động ngoại giao văn hóa của Việt Nam.

Năm 2022 ghi dấu ấn nhiều hoạt động đối ngoại sôi nổi của Bộ VHTTDL - Ảnh 1.

Văn hóa là một động lực của phát triển bền vững

Chỉ tính riêng 4 tháng cuối năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có 4 chuyến công du tới 3 điểm đến quan trọng là Mexico, Hàn Quốc và Trung Quốc với mục tiêu khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của ngành văn hóa đối với sự phát triển bền vững trong các quan hệ song phương và đa phương.

Trong chuyến đi tới Mexico để dự Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hóa và Phát triển bền vững (MONDIACULT 2022) từ ngày 25/9-02/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Mexico Alejandra Frausto Guerrero vào sáng ngày 27/9. Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng thống nhất khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của ngành văn hóa đối với cả hai quốc gia, chia sẻ sự quan tâm, ưu tiên chung trong quá trình xây dựng, triển khai hệ thống các chính sách, giải pháp trụ cột về văn hóa, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Năm 2022 ghi dấu ấn nhiều hoạt động đối ngoại sôi nổi của Bộ VHTTDL - Ảnh 1.

Tiếp đó, trong khuôn khổ MONDIACULT 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã tham dự, có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chuyên đề "Văn hóa vì sự phát triển bền vững", tiếp xúc và làm việc với Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO và một số Trưởng đoàn, Bộ trưởng phụ trách văn hóa các nước tại Hội nghị. Tại Phiên thảo luận chuyên đề "Văn hóa vì sự phát triển bền vững", phát biểu thay mặt các quốc gia khu vực Châu Á, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tiếp tục khẳng định vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với phát triển bền vững, đã được UNESCO nhấn mạnh tại Tuyên ngôn Toàn cầu về Đa dạng Văn hóa (2001) và Công ước Bảo vệ và Phát huy Đa dạng các Biểu đạt Văn hóa (2005), cũng như trong quá trình cộng đồng quốc tế đang triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững tại Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc hiện nay.

Năm 2022 cũng ghi một dấu ấn quan trọng trong hợp tác văn hóa Việt Nam và Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 - 1/11, hai Bên đã ký kết 13 văn kiện quan trọng, trong đó có "Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023-2027" được đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và đồng chí Hồ Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ký ngày 31/10/2022 tại Bắc Kinh. Bản Kế hoạch được trưng bày tại Đại Lễ đường Nhân dân cùng 12 văn kiện quan trọng được đích thân hai Tổng bí thư dự khán, thể hiện quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước.

"Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023-2027" được hai Bộ chuẩn bị công phu, được đánh giá có nội dung toàn diện, tương xứng với quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy giao lưu, hợp tác văn hóa và du lịch, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Kế hoạch mang tính kế thừa hợp tác của giai đoạn trước, vừa phù hợp với tình hình mới, trên cơ sở Hiệp định Văn hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã ký ngày 02 tháng 12 năm 1992; Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc thành lập Trung tâm Văn hóa ký ngày 05 tháng 11 năm 2015, tôn trọng chủ quyền mỗi nước và phù hợp pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà mỗi nước là thành viên.

Trong giai đoạn tới, hai Bên tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đã ký, tiếp tục đẩy mạnh và góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa, tiến hành "Gặp gỡ thường niên Lãnh đạo Bộ" nhằm tăng cường lòng tin chính trị, thúc đẩy giao lưu, lan tỏa hợp tác trên lĩnh vực văn hóa và du lịch, đóng góp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy thị trường du lịch hai nước hồi phục nhanh chóng và lành mạnh.

Đánh giá năm 2022 là một năm quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc (kỷ niệm 30 năm 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có 2 chuyến đi tới Hàn Quốc, vào tháng 10 để tham dự Lễ hội Du lịch-Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc và tham gia đoàn tháp tùng Chủ tịch nước vào tháng 12 để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển hai nước.

Năm 2022 ghi dấu ấn nhiều hoạt động đối ngoại sôi nổi của Bộ VHTTDL - Ảnh 2.

Chiều ngày 16/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Park Bo Gyoon đã có cuộc hội đàm nhân dịp tham dự Lễ hội Du lịch-Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc 2022. Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác và nâng tầm mối quan hệ đối tác chiến lược và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực lên tầm cao mới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Bộ trưởng Park Bo Gyoon tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực sau:

Về lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin hiện nay Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vì vậy Bộ trưởng mong muốn phía Hàn Quốc sẽ chia sẻ các kinh nghiệm quý báu về quá trình xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt chú trọng vào các lĩnh vực công nghệ cao vì đây là các lĩnh vực rất thành công của Hàn Quốc.

Thứ hai, về du lịch, phải thường xuyên phối hợp, xây dựng hành lang pháp lý và các biện pháp ưu đãi để người dân Việt Nam đến Hàn Quốc và người dân Hàn Quốc đến Việt Nam một cách thuận tiện nhất. "Sau đại dịch, chúng ta sẽ nối lại nhiều chuyến bay giữa hai nước. Hy vọng, từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ đón được 01 triệu lượt khách Hàn Quốc đến với Việt Nam" - Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng về sự đột phá trong mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực Du lịch trong thời gian tới.

Về thể thao, Bộ trưởng mong muốn Hàn Quốc thông qua các liên đoàn giới thiệu nguồn Huấn luyện viên cho Việt Nam ở một số bộ môn bóng đá, võ thuật, bắn cung, đồng thời đẩy mạnh tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.

Và trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, vào chiều ngày 5/12, tại Phủ Tổng thống, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Park Boo Gyoon đã ký kết "Bản ghi nhớ hợp tác về Văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc giai đoạn 2023-2025" dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ VHTTDL Hàn Quốc được hai Bộ chuẩn bị công phu, có nội dung toàn diện, tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa và công nghiệp văn hoá… một cách mạnh mẽ, thực chất hơn nữa. Nội dung Bản ghi nhớ gồm: tăng cường trao đổi các đoàn nghệ thuật, ưu tiên nghệ thuật truyền thống để tham gia các Lễ hội được tổ chức tại mỗi nước, chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp giải trí, đặc biệt là điện ảnh, âm nhạc để triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và kinh nghiệm thực tiễn trong việc bảo vệ và ngăn chặn tệ nạn buôn bán trái phép di sản văn hóa.

Thành công đàm phán hồi hương bảo vật kim ấn

Trong năm 2022, một sự kiện văn hóa lớn thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng là việc website của hãng đấu giá Millon, Paris, Cộng hòa Pháp đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) (lô số 101) thuộc sưu tập "Nghệ thuật Việt Nam" vào 11 giờ ngày 31/10 (giờ Paris).

Ảnh minh họa 04.png

Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", được sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ VHTTDL đã cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan chủ động, nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm giải pháp "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trở về với đất nước. Xác định giải pháp thông qua con đường ngoại giao văn hoá, Bộ VHTTDL đã xây dựng phương án "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", xin ý kiến các Bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện và tổ chức Đoàn công tác liên ngành đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon, Pháp, thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương ấn vàng.

Theo đó, Đoàn công tác đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hiện đang lưu giữ tại văn phòng hãng đấu giá Millon (số 19 rue de la Grange-Bateliere Paris, Pháp). Kết quả nghiên cứu và đối sánh tư liệu, có thể xác định ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hiện đang rao bán tại Hãng đấu giá Millon là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong Biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền Thực dân Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 08/3/1952 hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Trên cơ sở kết quả xác định được tính xác thực của ấn vàng, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo"cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp. Đồng thời, thống nhất thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý liên quan để có thể hồi hương ấn vàng về Việt Nam theo quy định pháp luật của Việt Nam và Pháp.

Hồi hương được ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Nhiều sự kiện văn hóa Việt Nam đặc sắc tại quốc tế

Trong năm 2022, Tuần văn hóa Việt Nam tại hai nước láng giềng anh em Lào và Campuchia đã được Bộ VHTTDL Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị tại hai nước tổ chức đầy ý nghĩa để kỷ niệm Năm hữu nghị giữa Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia.

Ảnh minh họa 03.png

Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào đã diễn ra từ ngày 18-21/7 tại Thủ đô Viêng Chăn với nhiều hoạt động độc đáo, thể hiện nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của Việt Nam, đồng thời ca ngợi tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào. Trong đó có hai sự kiện quan trọng là triển lãm "Vẻ đẹp Việt Nam" và chương trình nghệ thuật "Hồn Sen Việt, Hương sắc Chăm Pa".

Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia năm 2022 cũng diễn ra từ ngày 09-14/8 tại hai địa điểm là thủ đô Phnom Penh và thành phố Siem Reap với nhiều hoạt động như chương trình thăm và làm việc tại Campuchia của đoàn lãnh đạo Bộ VHTTDL, dự Lễ khai mạc và các hoạt động trong Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia; Các chương trình biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc dân tộc kết hợp đương đại Việt Nam tại Thủ đô Phnom Penh và Thành phố Siem Reap; Tổ chức trưng bày Không gian giới thiệu văn hóa, đất nước, con người, tiềm năng du lịch, giáo dục Việt Nam… tại Thủ đô Phnom Penh; và Tổ chức ký Kế hoạch hợp tác văn hóa, nghệ thuật giai đoạn 2023-2027.

Các Tuần lễ văn hóa Lào tại Việt Nam và Campuchia tại Việt Nam cũng được diễn ra sôi nổi, khẳng định mối quan hệ đoàn kết, hợp tác hữu nghị truyền thống và láng giềng tốt đẹp giữa Việt Nam cùng hai nước bạn Lào và Campuchia. Các chương trình văn hóa được tổ chức thường xuyên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước.

Ảnh minh họa 05 fix 02.png

Xuyên suốt năm 2022, các chương trình văn hóa, lễ hội Việt Nam tại nhiều quốc gia như Áo, Tây Ban Nha và Nhật Bản cũng được tổ chức, nối lại cơ hội giao lưu nhân dân giữa các nước sau đại dịch Covid-19. Thông qua các sự kiện này, tình hữu nghị tốt đẹp đầy thiện chí và tin tưởng giữa nhân dân Việt Nam và quốc tế cũng ngày càng sâu sắc và góp phần vào lợi ích chung của các bên.

Trong năm 2022, lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng đã tham gia đoàn tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU và làm việc song phương, dự Hội nghị cấp cao ASEAN 40,41; tham gia đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Áo và Thụy Sĩ, cũng như tham gia đoàn trao đổi kinh nghiệm về dự án Luật phòng chống bạo lực gia đình tại Australia và tham gia Ban Giám khảo Cuộc thi quốc tế về piano, sáng tác và chỉ huy dàn nhạc tại Nga. Các hoạt động này đã thể hiện sự chủ động, tích cực của Bộ VHTTDL trong hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của ngành văn hóa Việt Nam trên bình diện toàn cầu.

An Bình (Thiết kế: Thu Mai)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×