Năm 2017, ngành Thể dục, thể thao triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ
06/02/2018 | 15:00Theo báo cáo công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2017 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2018, trong năm 2017, lĩnh vực thể dục, thể thao đã đạt được nhiều thành tích tốt.
Cụ thể, trong năm 2017, ngành thể thao tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển thể dục thể thao. Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến hồ sơ dự thảo Luật sửa đồi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách hoạt động thể dục thể thao tiếp tục được hoàn thiện; trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao.
Phong trào thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động. Triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe nhân dân năm 2017 nhăm xây dựng thói quen tập luyện thể dục thể thao cho toàn dân. Hoạt động thể dục thể thao quần chúng trên toàn quốc diễn ra sôi nổi, đa dạng, các chỉ tiêu về TDTT quần chúng có bước phát triển thể hiện ở sự gia tăng về số lượng người tập TDTT thường xuyên.
Phong trào thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động (Ảnh: Hà Nội mới)
Tổ chức 28 Hội thi, giải thể dục thể thao quần chúng với tổng số 10.325 vận động viên, 1.667 huấn luyện viên tham dự và tổ chức 34 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho trên 4.978 cán bộ, trọng tài, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, giáo viên thể dục thể thao.
Công tác xã hội hoá thể dục thể thao tiếp tục được đẩy mạnh dưới các hình thức thành lập các CLB thể dục thể thao; thiết chế thể dục thể thao tại cơ sở tiếp tục được quan tâm; xây dựng các cơ sở dịch vụ thể thao, lắp đặt dụng cụ tập luyện thể thao tại các địa điểm công cộng ở các thành phố lớn. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên được đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Triệu tập, tập huấn 2.104 lượt vận động viên, 404 huấn luyện viên, 28 chuyên gia tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự các Đại hội thể thao và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới, trong đó ưu tiên đầu tư cho 64 VĐV, 16 HLV xuất sắc của 19 môn thể thao. Tổ chức điều hành 183 giải thể thao trong nước, 24 giải thể thao quốc tế tại Việt Nam; 38 lớp tập huấn cán bộ, trọng tài, huấn luyện viên thể thao thành tích cao.
Cũng trong năm 2017, đoàn Thể thao Việt Nam cũng đạt được những thành tích nổi bật trên các đấu trường quốc tế: Trong năm 2017, các vận động viên Việt Nam đã giành được tổng số 1.045 huy chương gồm 425 huy chương vàng, 301 huy chưong bạc, 319 huy chương đồng. Đoàn TTVN giành được 166 huy chương các loại (59 HCV, 49 HCB, 60 HCĐ), phá 11 kỷ lục SEA Games, trong đó huy chương vàng ở các môn Olympic chiếm số lượng lớn, xếp thứ 03/11 quốc gia tham dự SEA Games 29. Giành 13 HCV, 08 HCB, 19 HCĐ xếp vị trí thứ 09/65 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á lần thứ 5; Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam thi đấu xuất sắc giành huy chương vàng SEA Games 29 tại Malaysia; đội tuyển U15 vô địch U15 Đông Nam Á; Đội tuyển Bóng đá Nam và Nữ quốc gia đều giành quyền tham dự VCK Asian Cup 2018.
Đội tuyển Bóng đá Nam và Nữ quốc gia đều giành quyền tham dự VCK Asian Cup 2018 (Ảnh: Nam Nguyễn)
Các đội tuyển U16, U19, U23 Nam quốc gia giành quyền tham dự vòng VCK châu Á năm 2018. Đội tuyển Bóng chuyền nữ lần đầu tiên giành HCĐ U23 châu Á. Các VĐV tiêu biểu như: Thạch Kim Tuấn giành 03 HCV và Trịnh Văn Vinh giành 01 HCV tại giải vô địch Cử tạ thế giới; Nguyễn Thị Ánh Viên giành 8 HCV và phá 3 kỷ lục tại SEA Games 29; VĐV Boxing Trần Văn Thảo giành đai vô địch chuyên nghiệp WBC châu Á; VĐV Lê Thanh Tùng lần đầu tiên giành HCV nội dung nhảy chống tại giải vô địch Thể dục dụng cụ châu Á và HCV nội dung nhảy chống nam tại Cúp Thể dục dụng cụ thế giới; Trần Lê Quốc Toàn giành HCV hạng 56kg tại giải vô địch Cử tạ châu Á; Nguyễn Thị Ngoan lần đầu tiên giành HCV tại giải Karate K1 thế giới...
Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 9 tại Malaysia giành 40 HCV, 61 HCB, 60 HCĐ, phá 10 kỷ lục của Đại hội, xếp thứ 4/11 đoàn tham dự, VĐV Lê Văn Công giành 1HCV tại ASEAN Para Games 9 và 01 HCV phá kỷ lục thế giới tại giải vô địch Cử tạ thế giới.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, ngành thể thao Việt Nam vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như về cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao hàng ngày cho người dân ở các địa phương còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên thể dục, thể thao ở cơ sở còn thiếu, đặc biệt là ở vùng sâu, xa, nông thôn, miền núi, hải đảo và đồng bào dân tộc.
Kinh phí mua sắm trang thiết bị tập luyện, thi đấu cho vận động viên đội tuyển, tuyển trẻ quốc gia còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp. Chế độ, chính sách tiền công, tiền thưởng đối với huấn luyện viên, vận động viên vẫn còn ở mức thấp.
Ứng dụng khoa học công nghệ và y học thể thao để nâng cao thành tích còn hạn chế. Việc triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí thực hiện.
Tiến tới năm 2018, ngành thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2018./.
Đăng Huy