Năm 2017, điện ảnh Việt mở rộng cánh cửa hội nhập
20/02/2018 | 08:00Năm 2017 là một năm đánh dấu thành công trong việc hợp tác quốc tế của ngành điện ảnh, với nhiều hoạt động tạo tiếng vang. Tuy nhiên, để chủ động hội nhập, nền điện ảnh còn cần nhiều yếu tố.
Tạo dấu ấn với quốc tế
Một trong những thông tin được nhắc đến nhiều nhất của điện ảnh trong năm 2017 là việc Việt Nam được chọn làm bối cảnh quay của bộ phim Hollywood (Mỹ) Kong - Đảo đầu lâu. “Bom tấn” có kinh phí lên tới 190 triệu USD đã quay tại nhiều thắng cảnh nổi tiếng trải dài từ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cho tới những vùng đất đẹp hoang sơ ở Ninh Bình, Quảng Bình.
Cảnh sắc hùng vĩ của Việt Nam sau khi bộ phim được quảng bá đã nhận được sự chú ý lớn từ khán giả quốc tế. Hiệu ứng từ bộ phim tiếp tục kéo dài khi đạo diễn Jordan Vogt-Roberts của phim được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bầu chọn là Đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2020. Đó là tín hiệu tích cực để các địa phương có tiềm năng xúc tiến khai thác các sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng gắn với phim trường, và cũng là cơ hội để quảng bá đất nước - con người Việt Nam, thu hút nhiều đoàn làm phim đẳng cấp từ khắp thế giới đến khảo sát, ghi hình. Đầu năm 2018, bộ phim Pháp “Những nơi tận cùng thế giới” dự kiến cũng sẽ khởi quay tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Năm 2017 cũng là một năm thành công trong việc hợp tác quốc tế của ngành điện ảnh với nhiều hoạt động tạo tiếng vang như: phối hợp với đối tác Hàn Quốc tổ chức Những ngày phim Việt Nam tại Hàn Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc; cử đại biểu tham dự Hội thảo xây dựng kịch bản và làm phim hợp tác Asean tại Myanma; Ký kết Thỏa thuận hợp tác sản xuất phim Việt Nam – Ba Lan.
Đặc biệt là việc Cục Điện ảnh đã vào cuộc, chủ trì chuỗi hoạt động tại LHP quốc tế Cannes, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam tổ chức gian hàng giới thiệu điện ảnh và đất nước, con người, bối cảnh quay các bộ phim bom tấn tại Việt Nam ở một liên hoan phim danh giá… Trong khuôn khổ các hoạt động đó, Cục Điện ảnh cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Điện ảnh Việt Nam với Trung tâm Điện ảnh và Hoạt hình Quốc gia Pháp. Ngoài ra, Đêm Việt Nam tại LHP Cannes thu hút hơn 600 nhà lãnh đạo điện ảnh, nghệ sĩ, nhà sản xuất, nhà phát hành đã quảng bá hết sức hiệu quả nền điện ảnh và du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, hoạt động nổi bật của ngành trong năm qua là phối hợp tổ chức thành công Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX và trao Giải thưởng Phim ASEAN lần thứ I. Với chủ đề “Điện ảnh kết nối cộng đồng ASEAN”, Giải thưởng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cộng đồng ASEAN và được cộng đồng đánh giá cao về ý tưởng cũng như việc tổ chức trang trọng, chất lượng. Còn theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan: “Qua Giải thưởng phim ASEAN, lần đầu tiên chúng ta đã hội nhập quốc tế rộng hơn, sâu hơn và thực chất hơn. Bởi vì không đơn giản chỉ là giải thưởng mà rõ ràng thấy rõ điện ảnh của Việt Nam đang ở đâu trong khu vực”.
Cần thêm những nhân tố để phát triển
Trong những điểm sáng của điện ảnh, cũng phải thừa nhận, còn nhiều khó khăn tiềm ẩn đòi hỏi cơ chế thay đổi. Nhìn lại những bộ phim được sản xuất trong năm qua, có 38 bộ phim truyện điện ảnh được sản xuất, ít hơn so với 2015 (42 phim) và 2016 (41 phim). Bên cạnh đó, không có bộ phim nào do nhà nước đầu tư sản xuất. Diện mạo điện ảnh Việt trong năm qua hoàn toàn trông chờ vào các bộ phim của các công ty tư nhân. Điều này, có mặt tích cực, song cũng tiềm ẩn những hạn chế.
Tích cực ở chỗ, nhà nước có thể hoàn toàn không đầu tư vào điện ảnh, góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các hãng phim đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hạn chế là sẽ không có những bộ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, những bộ phim từng làm nên diện mạo điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Ngoài ra, từ thực tế các bộ phim tư nhân sản xuất trong nhiều năm qua, những người làm điện ảnh vẫn còn lo ngại về chất lượng phim tư nhân. Nhưng cũng có thể lạc quan khi nhìn vào các bộ phim Việt trong năm qua, đề tài và thể loại phong phú, không nhiều tác phẩm yếu kém hoặc chọc cười, hài nhảm. Điều này cho thấy, các công ty tư nhân đã tích cực đầu tư vốn để nâng cao chất lượng phim.
Trên đà phát triển, điện ảnh Việt Nam cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn như: nạn vi phạm bản quyền điện ảnh và truyền hình; những vướng mắc trong quy trình đặt hàng sản xuất phim Nhà nước; cuộc cạnh tranh phát hành, phổ biến phim giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại… Trong đó, đặc biệt là câu chuyện “đầu ra” cho điện ảnh Việt. Rất nhiều lần, các doanh nghiệp phát hành và rạp chiếu phim trong nước lên tiếng vì bị các doanh nghiệp nước ngoài “chèn ép” ngay trên sân nhà.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Nhà nước không có chính sách can thiệp, điều tiết kịp thời, rất có thể, trong 5 năm tới, phát hành phim của Việt Nam sẽ khó tồn tại được. Việc thiếu “đầu ra” có nguy cơ khiến điện ảnh Việt Nam chỉ là thị trường tiêu thụ của các nền công nghiệp lớn và mất đi ngành công nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, cơ chế để bảo hộ đầu ra cho điện ảnh Việt cần có sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành liên quan. Và câu trả lời vẫn còn ở phía trước./.
Hồng Gấm