Tin từ Tổ Quốc

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Mỹ: Sân khấu tắt đèn mùa đại dịch ẩn giấu những "bùng nổ" trong tương lai?

23/09/2020 | 07:58

Đại dịch COVID-19 khiến các nhà hát của Mỹ phải dừng hoạt động nhưng những nghệ sỹ vẫn tin vào một tương lai tốt đẹp hơn và chuẩn bị sẵn sàng cho các dự án mới.

Giám đốc nghệ thuật Oskar Eustis của Nhà hát Public tại New York (Mỹ) ngày 10/3 đã phải nhập viện vì COVID-19. Ông được xuất viện 5 ngày sau đó, và nhà hát bị đóng cửa. "Tôi quay trở về một thế giới không có nhà hát và nó thực sự rất khác biệt", ông kể lại.

Eustis đã hồi phục nhưng nhà hát Public – giống như phần lớn nhà hát trên toàn thế giới, lại đang ở trong tình thế rất khó khăn. Sau khi dừng hoạt động, ban quản lý đã cố gắng để giữ cho các nghệ sỹ được hưởng lương trong một tháng. Nhưng "tới cuối tháng Tư, chúng tôi phải chấm dứt tất cả các hợp đồng", ông Eusits cho biết. Đến tháng Bảy, ông phải cho phần lớn nhân viên nghỉ dài hạn.

Thông thường, tháng Chín là lúc truyền thông đăng tải các thông tin và bình luận về các tác phẩm sân khấu cho mùa diễn cuối năm. Nhưng năm nay, do đại dịch COVID-19, mọi thứ trở nên im ắng bất thường tại các nhà hát trên toàn nước Mỹ.

Mỹ: Sân khấu tắt đèn mùa đại dịch ẩn giấu những "bùng nổ" trong tương lai? - Ảnh 1.

Nhà hát Public đóng cửa từ giữa tháng 3 nhưng vẫn sản xuất một số nội dung trực tuyến (ảnh: NPR)

Nhà hát Public đã sản xuất một số nội dung trực tuyến. "Điều kiện khó khăn không làm chúng tôi buông tay, không khiến chúng tôi tách rời khỏi sứ mệnh của mình", Eustis quả quyết. 

"Vì vậy chúng tôi phát sóng các vở kịch trên đài phát thanh. Chúng tôi diễn kịch qua Zoom (ứng dụng họp trực tuyến – BTV)… Chúng tôi làm mọi thứ có thể để tiếp tục giao lưu và để loại hình nghệ thuật của mình tồn tại", ông nói thêm. 

Eustis cảm thấy hạnh phúc khi có thể tiếp cận được với những khán giả bên ngoài New York. Ông thậm chí còn nhận được email khen ngợi các nội dung trực tuyến của nhà hát từ cả Kazakhstan. "Tôi không muốn đánh mất điều đó khi quay trở lại hoạt động. Thật tốt vì có được nhiều khán giả quan tâm đến vậy", ông cho hay.

"Chúng tôi đang đến với các bạn"

Tại Trung tâm Sân khấu Baltimore, Giám đốc nghệ thuật Stephanie Ybarra hiểu rằng, sẽ còn rất lâu khán giả mới có thể trực tiếp quay trở lại nhà hát. Tuy nhiên, cô hy vọng khi điều đó xảy ra, các câu chuyện có thể được kể theo những cách đơn giản hơn với ít phục trang và bối cảnh sân khấu hơn.

"Vào thời kỳ Shakespeare, mọi người 'đi nghe kịch' chứ không phải là 'đi xem kịch'", Ybarra nói. Khán giả lắng nghe một cách kỹ lưỡng. "Đối với tôi, phiên bản lý tưởng cho câu nói ấy ở thời kỳ hiện đại là 'hãy cùng nhau đi thưởng thức một câu chuyện'".

Ybarra không chắc liệu đây là một chương hoàn toàn mới hay là bước quay lại với quá khứ khi mà sân khấu còn dựa "hoàn toàn vào một câu chuyện thực sự hay, những diễn viên xuất sắc và những khán giả sẵn sàng theo dõi tới phút cuối". Nữ giám đốc cũng không biết điều gì sẽ xảy ra khi đại dịch kết thúc nhưng cô mong muốn, tương lai của sân khấu sẽ hướng vào trí tưởng tượng của người xem nhiều hơn. "Chúng tôi sẽ dựa ít hơn vào các bối cảnh sân khấu mà tập trung vào chuyển động cơ thể của các nghệ sỹ và những lời họ nói hoặc hát", cô chia sẻ.

Trước khi chuyển tới Baltimore, Ybarra điều hành Đơn vị Di động của Nhà hát Public. Đây là bộ phận chuyên sử dụng dàn diễn viên quy mô nhỏ và đạo cụ sân khấu đơn giản để trình diễn các tác phẩm của Shakespeare tại các khu công viên, trại vô gia cư và nhà tù. Ông Eustis cho rằng, hình thức này sẽ cần thiết khi các nhà hát hoạt động trở lại.

Mỹ: Sân khấu tắt đèn mùa đại dịch ẩn giấu những "bùng nổ" trong tương lai? - Ảnh 2.

Một tác phẩm của Trung tâm Sân khấu Baltimore (ảnh: NPR)

"Tôi nghĩ điều đầu tiên chúng tôi cần làm không phải là đòi hỏi mọi người đến với mình mà chúng tôi phải đến với mọi người…", ông nói. "Đến tận nơi mọi người sống là một cách để nói, chúng tôi không khăng khăng muốn các bạn đến với chúng tôi trong những không gian nhỏ, chật hẹp và đông đúc. Chúng tôi sẽ đến với các bạn và đem tới cho các bạn cơ hội được ăn mừng, thưởng thức và cảm giác được một lần nữa làm khán giả".

Những thay đổi cũng đang diễn ra tại Trung tâm Sân khấu Baltimore. Ybarra đang thay đổi quy định làm việc phù hợp hơn: các nhà biên kịch sẽ được trả tiền ngay trong thời gian luyện tập; giờ làm việc 6 ngày/tuần chuyển thành 5 ngày/tuần và 12 tiếng tập luyện giảm xuống còn 8 tiếng.

Mọi thứ không chỉ để sân khẩu trở nên dễ tiếp cận hơn, Ybarra chỉ ra. "Nó liên quan rất nhiều tới việc biến các đơn vị nghệ thuật và văn hóa của chúng tôi thành các đơn vị nghệ thuật, văn hóa và dân sự".

Mặc dù không rõ về tương lai, nhưng Ybarra dự đoán, "các nghệ sỹ sẽ đưa chúng ta tới một thứ gì đó mà không ai trong chúng ta từng tưởng tượng ra".

Nghệ sỹ Nataki Garrett hiện đang điều hành một nhà hát tại Oregon có sở trường là kết hợp các vở kịch kinh điển của Shakespeare với các tình tiết hiện đại. Garrett tin rằng, nhà hát tương lai cần phải đề cập tới các vấn đề môi trường, bao gồm cả cách khán giả tác động vào môi trường khi tới thưởng thức tác phẩm nghệ thuật.

"Hiện cách duy nhất để bạn đến với nhà hát của chúng tôi là bằng các phương tiện giảm khí thải", bà cho biết.

Theo Garrett, "các tổ chức văn hóa là sự nhấn mạnh về cách xã hội đang chuyển động. Và điều đó có thể được sử dụng theo một cách tích cực hoặc tiêu cực". "Tôi muốn được là một tổ chức có thể sử dụng ảnh hưởng của mình một cách tích cực nhất", bà khẳng định.

Minh Đức

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×