Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Muốn có thương hiệu văn hóa trước hết phải là tài năng, là sự nỗ lực vươn đến đỉnh cao của chất lượng nghệ thuật

20/04/2022 | 08:26

Đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia là một trăn trở của những người làm văn hóa. Đây cũng là chủ đề báo điện tử Tổ Quốc mở ra để nhận những ý kiến tham vấn, đóng góp tâm huyết của những nhà quản lý văn hóa, các văn nghệ sĩ. Nhân dịp này chúng tôi đã cuộc phỏng vấn với NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

- PV: Thưa ông, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, một trong những điều trăn trở của không ít người làm văn hóa là câu hỏi làm thế nào để Đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia. Vậy với vai trò Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT của cả nước thì Hội mình có khi nào đặt ra vấn đề này không?

NSND Vương Duy Biên: Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là cơ quan cao nhất về VHNT của nước nhà. Liên hiệp cùng với các Hội chuyên ngành Trung ương luôn quan tâm, phối hợp và định hướng giúp cho các Hội VHNT địa phương phát triển mạnh hơn, có chất lượng hơn. Liên hiệp hỗ trợ sáng tạo VHNT từ ngân sách của Trung ương, cùng phối hợp tạo điều kiện để các lĩnh vực VHNT của địa phương phát triển. Và từ sự phát triển đó, xuất hiện tài năng, có các tác phẩm, các vở hay, chương trình chất lượng thì dần dần sẽ trở thành thương hiệu.

Chủ trương của chúng ta là xây dựng công nghiệp văn hóa. Ở nhiều nước phát triển, công nghiệp văn hóa đã có. Chúng ta đều thấy công nghiệp văn hóa được sinh ra từ một nền công nghiệp. Như vậy các lĩnh vực VHNT cũng phải phát triển theo hướng chuyên nghiệp cao, từ đó mới dần hình thành và có điều kiện để phát triển công nghiệp văn hóa.

Muốn có thương hiệu văn hóa trước hết phải là tài năng, là sự nỗ lực vươn đến đỉnh cao của chất lượng nghệ thuật - Ảnh 1.

NSND Vương Duy Biên

Tôi ví dụ nhóm nhạc ABBA hay Modern Talking… thì họ không chỉ là thương hiệu quốc gia nữa mà còn là thương hiệu quốc tế. Họ ban đầu hình thành từ một nhóm nhạc bình thường, nhưng dần dần nổi tiếng không những ở nước Anh mà còn ra cả thế giới. Hay có những nghệ sĩ chỉ cá nhân thôi nhưng "cái tầm" của họ không những ở quốc gia đó mà còn là thương hiệu quốc tế. Vậy cái chốt của vấn đề, muốn có thương hiệu văn hóa thì trước hết phải là tài năng, là tác phẩm, là sự nỗ lực vươn đến đỉnh cao của chất lượng nghệ thuật.

- PV: Theo ông, để xây dựng thương hiệu quốc gia cho văn hóa chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

NSND Vương Duy Biên: Theo tôi, để xây dựng được thương hiệu quốc gia cho văn hóa thì đầu tiên chúng ta nên nghĩ nhỏ bé một tí, đó là xây dựng thương hiệu cho địa phương, cho ngành và bản thân các đơn vị nghệ thuật phải trở thành "thương hiệu cứng" đã. Nếu ở dưới hạ tầng còn đang rất nhiều vấn đề mà mình cứ vươn thẳng tới một thương hiệu quốc gia thì nó hơi khó, không có sơ sở và không bền vững.

Cái giỏi của người quản lý là biết đầu tư vào chỗ nào mà khả năng chỗ đấy trở thành thương hiệu. Ví dụ trong các nhà hát, lựa chọn nhà hát nào, loại hình nghệ thuật gì… để đầu tư trọng điểm.

- PV: Nếu chúng ta đi từ địa phương, cơ sở trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia thì có bị mất nhiều thời gian không thưa ông?

NSND Vương Duy Biên: Chúng ta phải đi bằng nhiều cách, nhưng không thể không nghĩ đến cái nền tảng. Một mặt nghĩ đến phong trào, một mặt nghĩ đến đầu tư trọng điểm.

Nói đến nền công nghiệp văn hóa nó đòi hỏi rất nhiều thiết chế, ví dụ lĩnh vực Mỹ thuật, để có thị trường lành mạnh thì chúng ta phải tạo thị trường. Trong khi nhiều năm trước hầu như họa sĩ chỉ làm công việc hưởng lương, phần sáng tác tự do phát huy sáng tạo của họ ít nhiều bị hạn chế.

Muốn có thương hiệu văn hóa trước hết phải là tài năng, là sự nỗ lực vươn đến đỉnh cao của chất lượng nghệ thuật - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Bảo Trung)

Để có thiết chế hoạt động phải có bảo tàng tư nhân, có đội ngũ sưu tầm, có sàn đấu giá thì mới tạo thành hoạt động chính thống của Mỹ thuật, hiện giờ việc này chưa chuyên nghiệp và mới là manh nha trong việc hình thành. Rất mừng là bây giờ có những lớp người yêu nghệ thuật đã đi mua tượng, mua tranh để trang trí và thưởng thức. Khi mức sống cao hơn, người ta tính đến nhu cầu nghệ thuật. Ngày nay các chung cư, tòa nhà cao cấp, khách sạn… người ta đã nghĩ đến tác phẩm nghệ thuật để đưa vào trang trí, dần dần nó sẽ đi vào đời sống.

Nghệ thuật nào cũng cần có thị trường. Nghệ thuật biểu diễn cũng cần có công chúng, xây dựng tác phẩm xong muốn tồn tại, bán được vé thì phải làm thế nào để công chúng đến. Phim ảnh cũng vậy, trước đây chỉ có phim nhà nước, giờ thì cả phim tư nhân và khán giả họ lựa chọn phim hay để xem. Bộ phim nào, hãng phim nào làm tốt thì trở thành thương hiệu.

-PV: Ông có thể đưa ra một vài gợi ý để đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia?

NSND Vương Duy Biên: Chúng ta có 3 khu vực văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, thì mỗi một nơi có thể lựa chọn một thứ (hoặc nhiều hơn) để xây dựng thương hiệu quốc gia. Xây dựng được thương hiệu quốc gia sẽ rất có lợi, vì thương hiệu không những là hình ảnh Việt Nam mà còn hấp dẫn cả du lịch. Du lịch cũng là một cái đích để thu hút khách, thu hút đầu tư, mà còn tạo động lực ngược lại cho văn hóa phát triển.

Mục tiêu xây dựng thương hiệu quốc gia là đúng, cần thiết nhưng để xây dựng được, lại cần bao nhiêu yếu tố mà nhiều nơi, nhiều chỗ chưa thực sự quan tâm.

Ví dụ thương hiệu quốc gia như nhà hát ở Luân Đôn (Anh), suốt năm, suốt tháng chỉ diễn kịch của Shakespeare vì nó trở thành thương hiệu. Hay đã đến Luân Đôn kiểu gì cũng xếp hàng đến bảo tàng các vĩ nhân Madame Tussauds London…

Muốn có thương hiệu văn hóa trước hết phải là tài năng, là sự nỗ lực vươn đến đỉnh cao của chất lượng nghệ thuật - Ảnh 3.

Ảnh minh họa (Lê Chung)

Để văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia chúng ta phải có thời gian và phải có sự đầu tư. Mà đầu tư thì đòi hỏi người lãnh đạo phải biết đầu tư vào cái gì để sau bao năm nữa nó thành thương hiệu. Chứ đầu tư dàn trải thì không ổn. Phải thay đổi phương thức đầu tư sáng tác. Chẳng hạn đưa ra một đề tài sau đó công bố, đưa cả về địa phương, ai có đề án hay thì đầu tư đột phá. Mức đầu tư đột phá phải lớn. Tôi nghĩ sự đột phá cũng là cách xây dựng thương hiệu quốc gia. Bên cạnh phong trào thì đầu tư đột phá sẽ đem lại hiệu quả.

Nhưng ở địa phương thì chất lượng nghệ thuật thế nào để có bản sắc ở địa phương? Lãnh đạo tỉnh đó phải quyết tâm, năng lực lãnh đạo địa phương ấy sẽ mang tính quyết định.

Một ví dụ rất rõ là đất nước Hàn Quốc, họ đã xây dựng phim trở thành thương hiệu quốc gia, và chúng ta thấy, đi kèm theo đó là cả ngành công nghiệp nhẹ đi theo như thời trang, mỹ phẩm, v.v… Phim Mỹ, Ấn Độ cũng vậy.

- PV: Ông có hi vọng gì về việc đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia trong thời gian tới?

NSND Vương Duy Biên: Tôi hi vọng trong thời gian tới lĩnh vực văn hóa sẽ có những thương hiệu quốc gia, nhất là với sự năng động, với sức trẻ, sự sáng tạo của thế hệ trẻ.

Cảm ơn ông!

Hiền Nguyễn (Thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×