Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Mười năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

28/08/2008 | 07:00

(PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh) Ngày 16-7-1998, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết ra đời nhanh chóng được các cấp ủy đảng, chính quyền trong cả nước triển khai, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đánh giá: sau Đề cương về văn hóa của Đảng năm 1943, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa là văn kiện chuyên đề văn hóa đầu tiên của Đảng “trúng ý Đảng, hợp lòng dân”, đặt ra chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sau 10 năm tổ chức thực hiện, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa của Đảng có sức lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, hình thành nhiều phong trào văn hóa ở các vùng miền, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế phát triển. Có được kết quả nói trên, một trong những nguyên nhân quan trọng là vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng được đề cao trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, biểu hiện ở một số vấn đề cơ bản như sau:

Một là, Đảng chỉ đạo Nhà nước xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương về văn hóa nêu trong Nghị quyết bằng luật pháp và những chính sách cụ thể.

Để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết đòi hỏi Đảng ta phải “đi sát nắm chắc tình hình hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sắc bén, giúp các cơ quan nhà nước thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng”.

Rút kinh nghiệm cách tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng ở những năm trước, đến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, Đảng ta đã chỉ đạo các cấp chính quyền, sau khi học tập, quán triệt Nghị quyết thì phải xây dựng chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết. Các chủ trương, quan điểm về văn hóa của Đảng nêu trong Nghị quyết phải được cụ thể hóa bằng các chiến lược, đề án, luật pháp và những chính sách cụ thể. Từ sự chỉ đạo của Đảng, chỉ sau 2 tháng Nghị quyết ra đời, ngày 17-9-1998, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chương trình hành động của Chính phủ đã bám sát phương hướng chung, 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản, 10 nhiệm vụ cụ thể, 4 nhóm giải pháp lớn của công tác văn hóa được trình bày trong Nghị quyết. Nội dung Chương trình hành động tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết và triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng các đề án phát triển sự nghiệp văn hóa, văn học, nghệ thuật, thông tin; xây dựng luật pháp và các cơ chế chính sách. Mỗi nhiệm vụ ở từng nhóm vấn đề nêu trên đều được xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và thời hạn thực hiện.

Đây là cách làm rất mới trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng lúc bấy giờ. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 của Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý và cách thức để các tỉnh, thành phố căn cứ vào đó xây dựng chương trình hành động cụ thể của địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở từng vùng miền. Việc xây dựng chương trình hành động cũng là cách làm thiết thực để sau mỗi năm, mỗi nhiệm kỳ đại hội, các cấp ủy đảng, chính quyền có căn cứ đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Khi xem lại nội dung xây dựng luật pháp và các cơ chế chính sách trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Chính phủ, chúng ta rất vui mừng là hầu hết các đầu việc nêu ra đến nay đều được thực hiện, chứng tỏ tính khả thi cao của văn bản. Ví dụ: về xây dựng văn bản luật pháp, Chương trình hành động của Chính phủ ghi: Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa dân tộc, Luật Quảng cáo, Luật Điện ảnh, Luật Xuất bản (sửa đổi), đến năm 2006 các bộ luật quan trọng nêu trên đã được Quốc hội thông qua. Luật Báo chí (sửa đổi) được thông qua năm 1999; Luật Di sản văn hóa dân tộc; Pháp lệnh Quảng cáo được thông qua năm 2001; Luật Xuất bản (sửa đổi) được thông qua năm 2004 và Luật Điện ảnh được thông qua năm 2006.

Ngoài các văn bản luật là những chính sách được ban hành dưới các hình thức: nghị quyết, nghị định của Chính phủ, chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề văn hóa, góp phần đưa các nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa của Đảng vào cuộc sống.

Hai là, Đảng chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết Trung ương 5 nêu ra 4 giải pháp lớn trong tổ chức, thực hiện. Đó là phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách văn hóa; tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa; nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa. Giải pháp phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đặt ở vị trí đầu tiên nhằm huy động mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị, từ trong Đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể xã hội tích cực tham gia phong trào. Rõ ràng, Đảng ta đánh giá rất cao vai trò và sức mạnh của đoàn kết toàn dân trong xây dựng đời sống văn hóa. Một nghị quyết của Đảng chỉ có thể đi vào cuộc sống, tạo ra hiệu quả xã hội, khi nghị quyết ấy được lòng dân và nhân dân tự giác thực hiện. Nhận thức rõ điều này, Đảng đã chỉ đạo Nhà nước hình thành tổ chức chỉ đạo phong trào văn hóa lớn này. Cuối năm 1999, Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được Chính phủ thành lập và đầu năm 2000 làm lễ ra mắt, phát động phong trào trong cả nước ở tỉnh Quảng Nam, nhân sự kiện khu phố cổ Hội An và khu di tích tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
 
Trong năm 2000 và những năm sau đó, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thành lập từ cấp tỉnh, thành phố xuống tới cấp xã, phường, thị trấn trong cả nước do phó chủ tịch ủy ban nhân dân làm trưởng ban, lãnh đạo ngành văn hóa thông tin và lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp làm phó trưởng Ban chỉ đạo, tạo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở; đồng thời thông qua sự điều hành của Ban chỉ đạo phong trào khắc phục tình trạng chồng chéo trong tổ chức thực hiện các phong trào văn hóa ở cơ sở. Ban chỉ đạo điều phối tạo được sự phối kết hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, ban, ngành trong hệ thống chính trị khi tổ chức thực hiện các phong trào văn hóa, đồng thời phát huy các nguồn lực xã hội cho văn hóa; từ đó việc đầu tư cho văn hóa có trọng tâm, trọng điểm hơn. Sau 7 năm ra đời và phát triển (2000 - 2007), phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tổ chức 1 lần tổng kết 5 năm, 2 lần sơ kết 2 năm; mỗi lần sơ, tổng kết, Ban chỉ đạo qua nắm tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp, về kinh phí hoạt động và công tác thi đua - khen thưởng. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và phân công trách nhiệm rõ ràng đến các thành viên trong Ban chỉ đạo, tạo điều kiện pháp lý cho Ban chỉ đạo các cấp hoạt động có hiệu quả hơn.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tập trung vào 7 phong trào chủ yếu: xây dựng người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến; xây dựng gia đình văn hóa; toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư (nay đổi tên gọi là toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư); xây dựng làng, bản, ấp, khu phố văn hóa; xây dựng công sở, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang có nếp sống văn hóa; toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; đẩy mạnh phong trào hoạt động, lao động sáng tạo.

Đến nay, các phong trào này phát triển khá tốt trên địa bàn dân cư và các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp, hằng năm có bình xét danh hiệu thi đua. Năm 2007, cả nước có 13.443.100 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 76,9%; 45.220 cơ quan, công sở đạt danh hiệu cơ quan, công sở văn hóa.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một cuộc vận động văn hóa lớn, phát huy được sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong việc thực hiện khẩu hiệu “Nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa”, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cho mỗi người dân, cho mỗi cộng đồng để văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội.

Ba là, Đảng tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo cho từng lĩnh vực văn hóa cụ thể khắc phục những yếu kém và đề ra chủ trương, giải pháp mới trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nội dung Nghị quyết Trung ương 5 đề cập 10 nhiệm vụ của công tác văn hóa: xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới; xây dựng môi trường văn hóa; phát triển sự nghiệp văn học - nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng; bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; chính sách văn hóa đối với tôn giáo; mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa; củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa. ở một Nghị quyết lớn của Đảng mang tầm chỉ đạo chiến lược nên mỗi nhiệm vụ kể trên, Nghị quyết cũng chỉ trình bày những nét khái quát lớn, thể hiện chủ trương, quan điểm và các biện pháp lớn của Đảng mà chưa có điều kiện đề cập đầy đủ và sâu cho từng lĩnh vực, từng nhiệm vụ cụ thể.
 
Học tập lời chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong tác phẩm lý luận Sửa đổi lối làm việc xuất bản đầu năm 1948, về cách lãnh đạo là phải “liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng”, chương trình toàn khóa của nhiệm kỳ các Đại hội IX, X của Đảng tiếp tục xây dựng các văn bản chỉ đạo cho từng lĩnh vực văn hóa, nhằm mục tiêu thực hiện có hiệu quả hơn các nhiệm vụ trình bày trong Nghị quyết Trung ương 5. Từ quan điểm và cách tiếp cận nêu trên, năm 2002, Ban Bí thư có Chỉ thị số 17-CT/TW về phát triển thể dục thể thao đến năm 2010; năm 2003, Ban Bí thư có Chỉ thị số 18-CT/TW tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về công tác văn học, nghệ thuật trong tình hình mới và Chỉ thị số 20-CT/TW về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới. Năm 2004, Ban Bí thư có Chỉ thị số 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện về hoạt động xuất bản.

Công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động của báo chí liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quan hệ quốc tế và tâm trạng của các tầng lớp nhân dân, do vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo như: năm 2001, Ban Bí thư có Thông tri số 01-TT/TW về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về công tác báo chí - xuất bản; trong các năm 2004 và 2006, đã ban hành hai Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí trong tình hình hiện nay; tiếp đó Ban Bí thư khóa X có Kế hoạch số 03 nhằm triển khai có hiệu quả Thông báo Kết luận số 168 của Bộ Chính trị về các vấn đề nêu trên. Trong năm 2005, Ban Bí thư có Chỉ thị số 52-CT/TW về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay; năm 2007, Ban Bí thư có Quyết định số 75-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí...

Tháng 6-2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Cũng trong các năm 2007 và 2008, Ban Bí thư đã có những thông báo kết luận về các vấn đề liên quan thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tâm linh ngoại cảm.

Những văn bản chỉ đạo của Đảng cho từng lĩnh vực văn hóa nói trên có giá trị cao trong chỉ đạo thực tiễn hoạt động văn hóa của nước nhà, kịp thời khắc phục những yếu kém và đề ra các chủ trương, giải pháp mới trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5.

Ngoài ra, Đảng ta còn thành lập Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cơ quan tư vấn cho Đảng nhằm thúc đẩy công tác lý luận, phê bình, định hướng hoạt động của văn học, nghệ thuật nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bốn là, Đảng luôn coi trọng tổng kết thực tiễn văn hóa, như việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã sơ kết 5 năm (1998 -2003) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), đặt đúng vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để hiểu đúng và nắm sát tình hình thực hiện Nghị quyết ở cơ sở trong nhiệm kỳ Đại hội IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xây dựng chương trình toàn khóa đã đưa vấn đề sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 vào Hội nghị Trung ương 10, tháng 7-2004. Quá trình sơ kết được tổ chức từ cấp chính quyền cơ sở lên tới cấp Trung ương nhằm đánh giá đúng tình hình thực hiện Nghị quyết để xây dựng những luận cứ khoa học và thực tiễn cho Ban Chấp hành Trung ương ra Kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa của Đảng.

Cuộc sơ kết lần này đã đưa ra nhận định quan trọng, đánh giá cao vai trò của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia thực hiện Nghị quyết Trung ương 5: Tính chủ động, sáng tạo, tính tích cực xã hội của nhân dân bước đầu được phát huy; dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được mở rộng. Sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân lao động vào các hoạt động văn hóa, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo được chuyển biến bước đầu và tiền đề rất quan trọng để văn hóa nước nhà tiếp tục phát triển đúng hướng và vững chắc”.

Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) của Đảng đã chỉ ra nhiều mặt yếu kém, khuyết điểm của văn hóa nước nhà, trong đó nhấn mạnh: “Sự phát triển của văn hóa chưa đồng bộ và tương xứng với tăng trưởng kinh tế, thiếu gắn bó với nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế và nhiệm vụ xây dựng Đảng”. Từ đó, Kết luận đặt ra những mục tiêu phải đạt tới trong những năm tiếp theo, trong đó có việc đặt đúng vai trò, vị trí của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển đất nước: “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ của 3 lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước”.

Như vậy, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa của Đảng có ý nghĩa nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về tầm quan trọng của văn hóa trong mối quan hệ với phát triển kinh tế và xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa đã kịp thời động viên toàn Đảng, toàn dân chủ động tham gia các nhiệm vụ văn hóa, mà nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội; từ đó vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực này cũng được khẳng định rõ nét.

Năm là, Đảng mở cuộc vận động lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập tư tưởng và đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần làm cho tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa thấm sâu vào cuộc sống.

Một trong 4 giải pháp lớn mà Nghị quyết Trung ương 5 nêu ra nhằm thực hiện 10 nhiệm vụ cụ thể trong nội dung của Nghị quyết là giải pháp nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa. Nghị quyết yêu cầu: “Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa, phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước như Bác Hồ đã dạy “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Phải đặt mạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”. Thấm nhuần và kế thừa quan điểm này, năm 2003, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 23-CT/TW về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Sau đó, việc học tập, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh diễn ra trong suốt các năm từ 2003 đến 2006. Tới Đại hội X của Đảng (2006), Nghị quyết Đại hội tiếp tục nhấn mạnh và đề ra nhiệm vụ: “Học tập, quán triệt, làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Cùng năm, ngày 07-11-2006, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo được hình thành. Lễ phát động Cuộc vận động này được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-2007). Những tháng sau đó, Ban chỉ đạo Cuộc vận động được thành lập ở tất cả các cấp ủy đảng và nhanh chóng triển khai đợt học tập, tuyên truyền tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà các cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Sang năm 2008, Ban chỉ đạo Cuộc vận động hướng dẫn các cấp ủy đảng sơ kết bước 1 Cuộc vận động để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo và thực hiện tiếp bước 2 nhằm hướng dẫn cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập sâu chuyên đề tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và nghe giới thiệu nội dung tác phẩm lý luận Sửa đổi lối làm việc, đề cập rất cụ thể nội dung công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng những có tác dụng quan trọng trong xây dựng văn hóa chính trị trong hệ thống chính trị ở nước ta, mà còn tác động tích cực làm lành mạnh đời sống văn hóa tinh thần của đất nước, làm cho dân tin vào Đảng, Đảng gần dân hơn, tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện đường lối đổi mới và các nhiệm vụ văn hóa của Đảng. Cuộc vận động lớn này còn góp phần khắc phục tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa của Đảng, chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng, đồng hành với sự nghiệp đổi mới đất nước, tư duy và năng lực lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng tạo nên những thành công trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa trong thời gian qua. Trên nền tảng đó, sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa sẽ tiếp tục được phát huy trong những năm tới để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo nên động lực mới, thúc đẩy toàn Đảng, toàn quân ta phấn đấu thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội./. 

(Theo Tạp chí cộng sản)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×