"Mừng nhất là Bộ trưởng rất thấu hiểu các vấn đề của ngành Văn hoá"
14/10/2017 | 09:49Sáng 13.10 đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện dẫn đầu đã có buổi gặp gỡ các nghệ sĩ lão thành tại TP.HCM. Tại đây, các nghệ sĩ đã chia sẻ nhiều tâm tư, tình cảm và những ý kiến đóng góp chân thành cho ngành điện ảnh Việt Nam nói riêng và văn hoá nghệ thuật nói chung.
Mở đầu cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng chia sẻ niềm vinh hạnh và vui mừng được gặp gỡ và lắng nghe các ý kiến của các nghệ sĩ. Bộ trưởng cho rằng, với các thế hệ nghệ sĩ NSND Trà Giang, Đoàn Dũng, Thế Anh; Huy Thành, Đào Bá Sơn; Minh Đức… là thế hệ vàng son của điện ảnh Việt Nam. Với các tác phẩm để đời và những vai diễn xuất sắc đã góp phần trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng CNXH.
Thẳng thắn và không né tránh khi đề cập những vấn đề ngành Văn hoá đang phải đối mặt, nhất là việc cổ phần hoá Hãng phim truyện VN, Bộ trưởng khẳng định: Điện ảnh hiện nay gần như bị nước ngoài chi phối, sản xuất với số lượng phim phát hành, phổ biến tại các rạp hầu như của nước ngoài. "Chúng ta không thể đối xử văn hoá như các ngành nghề khác. Một công ty cả ngàn tỷ đồng phá sản thì sẽ có một công ty khác thay thế, nhưng một nhà hát không tồn tại thì không thể có ngay một nhà hát khác. Đó là cả một quá trình lâu dài", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng chia sẻ muốn lắng nghe ý kiến các nghệ sĩ để phát triển nền điện ảnh nước nhà trong tương lai, nhất là việc cổ phẩn hoá Hãng phim truyện Việt Nam đang gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Bày tỏ niềm vui về cuộc gặp gỡ này, PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng: “Bộ trưởng tổ chức cuộc gặp gỡ này là rất tốt. Anh em nghệ sĩ đã mong lâu lắm rồi. Việc chuyển từ bao cấp sang thị trường, triển khai xã hội hoá một cách rộng rãi, trong đó có cả văn hoá là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên khi đưa ra các chính sách chung cho tất cả các ngành thì cũng phải tính đến cơ chế đặc thù riêng cho văn hoá. Làm phim bây giờ cực kì gian nan, cạnh tranh khốc liệt. Ngoài đam mê, tài năng thì phải có tiền. Tương lai phát triển điện ảnh Việt Nam theo nhu cầu phát triển tự nhiên của cuộc sống. Chúng ta nên khôi phục các hãng phim nhà nước. Tiếp tục tài trợ, nuôi dưỡng và phát động xã hội hoá để cả nhà nước và tư nhân cùng song hành phát triển điện ảnh".
Đồng quan điểm này, đạo diễn, NSND Đoàn Dũng chia sẻ: "Chúng ta nên nghiên cứu tính đặc thù của cổ phần hoá. Phải tính đến giá trị tinh thần của văn nghệ sĩ để có được những tác phẩm để đời, đi vào lòng người bao thế hệ chứ không thể đánh giá bằng giá trị vật chất. Chuyện của điện ảnh nhưng cũng là vấn đề của cả nền văn học nghệt thuật nước nhà nói chung".
Đạo diễn NSND Huy Thành tâm tư: “Trả lại vị trí của điện ảnh không ai làm được ngoài Nhà nước. Không thể đồng hoá văn hoá với các ngành khác, vì nó tạo ra giá trị tinh thần rất lớn cho con người. Không có đất nước nào mà không làm phim truyền thống. Nhà nước không chỉ làm phim mà còn phải phát hành và phổ biến phim. Không chỉ là chuyện hãng phim mà còn là các ngành văn học nghệ thuật khác. Chuyện hãng phim cũng đá "đánh động" cho các ngành văn học nghệ thuật khác. Bên cạnh những phim định hướng cũng rất cần có những tác phẩm sáng tạo tìm tòi để vươn ra thế giới. Tôi mừng là có cuộc gặp gỡ hôm nay. Và mừng nhất là Bộ trưởng rất thấu hiểu các vấn đề của ngành Văn hoá".
Riêng NSND Trà Giang xúc động khi kể lại câu chuyện liên quan đến việc cổ phần hoá Hãng phim truyện VN: "Những ngày qua khi tôi đi taxi, nơi mua sắm, thậm chí là quán cơm bình dân đâu đâu cũng nhận được câu hỏi: Hãng phim truyện Việt Nam giờ đã giải quyết đến đâu rồi? Điều đó làm tôi vừa mừng lại vừa nhói lòng. Mừng vì đông đảo công chúng vẫn còn quan tâm đến điện ảnh nước nhà và nhói lòng vì sao mọi chuyện lại diễn ra như vậy. Nếu các giá trị điện ảnh truyền thống bị mất hết thì lớp kế thừa làm sao phát triển được khi cái gốc không còn nữa".
Còn NSND Đào Bá Sơn tâm sự: "Tôi thường đến các rạp xem phim và vô cùng kinh ngạc bởi đa phần những người đến rạp hiện nay trong độ tuổi từ 14-27 tuổi, còn những độ tuổi trên đó hiếm lắm. Bởi vậy các phim Việt chiếu rạp hiện nay hầu hết cũng theo thị hiếu của nhóm đối tượng trên, còn các yếu tố khác như truyền thống, văn hóa… rõ ràng bị xem nhẹ. Và rõ ràng các phim do Nhà nước sản xuất bao năm qua đã đáp ứng tiêu chí đó nên không thể mang doanh thu ra để so sánh với các phim thị trường được. Phim Nhà nước đầu tư không thể “sống” được tại các rạp hiện nay. Nhưng thông qua các đài truyền hình địa phương cũng như được chiếu rộng rãi qua nhiều phương tiện chúng ta đã thấy được những ảnh hưởng trong việc định hướng giáo dục tính thẩm mĩ cho người dân trong nước cũng như quảng bá rất tốt hình ảnh, đất nước con người Việt Nam ra thế giới. Đây là một tài sản có giá trị tinh thần vô giá không thể mang ra so sánh. Qua đó đề xuất Nhà nước cần phải tiếp tục đầu tư cho thể loại phim này".
Kết luận buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ với ông đây là “cuộc gặp gỡ lịch sử”, là sự may mắn và niềm vinh dự. Cá nhân ông rất trân trọng những giá trị văn hoá mà cha ông đã tạo ra. Không phải chỉ ở Hãng phim truyện mà vấn đề quan trọng hơn là toàn bộ văn hoá nghệ thuật. Từ sự kiện này phải giải quyết vấn đề của điện ảnh: Hãng phim tư liệu và khoa học; Hãng phim hoạt hình…Tất nhiên không thể giữ như cũ mà phải đổi mới cơ chế điều hành nhưng không thể thiếu bàn tay của Nhà nước.
Quan điểm đánh đồng văn hoá với các ngành khác là không thể được. Hiện nay phát hành phim đang rơi vào tay nước ngoài. Cái này rất đáng lo. Từ sản xuất, phát hành, phổ biến…Nhà nước phải nắm. Ít nhất là giữ và định hướng nếu không thì "trắng tay". Ngành Văn hoá còn may mắn vì đang được cả xã hội quan tâm. Nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta không làm là có tội với lịch sử. Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ tiếp tục lắng nghe, thấu hiểu và sẽ cố gắng giải quyết những vấn đề nêu trên càng sớm càng tốt; đồng thời hứa với các nghệ sĩ sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp để sớm báo cáo Ban Bí thư, Chính phủ./.
(Nguồn: Báo Văn hóa)