Một số điểm mới trong quản lý XNK văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh
16/04/2012 | 17:04Ngày 12/4/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2012/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh. Nghị định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu văn hóa phẩm của Việt Nam đi các nước, đồng thời góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc mở rộng, tăng cường giao lưu văn hóa.
Nghị định số 32/2012/NĐ-CP, ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (sau đây gọi là Nghị định 32) thay thế Nghị định 88/2002/NĐ-CP trên cơ sở phù hợp với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, không trái với các quy định của Hiến pháp; thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật khác có liên quan. Việc đưa ra các nội dung của Nghị định mới dựa trên cơ sở nội dung đang thực hiện là Nghị định số 88/2002/NĐ-CP và thực tiễn quá trình quản lý cần phải sửa đổi, bổ sung để thay thế Nghị định số 88 cho phù hợp với tình hình mới, thông qua các ý kiến đóng góp tại Hội nghị tổng kết đánh giá hoạt động việc thực hiện Nghị định 88 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2002-2011.
Một số điểm mới nổi bật trong Nghị định 32:
Thể hiện sự thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho việc quản lý, thực thi pháp luật về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm. Nghị định đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật (các quy định Luật Di sản văn hóa, Luật Điện Ảnh, Luật Báo chí, Luật Xuất bản....), tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm.
Vì vậy, trong Nghị định mới, khái niệm Văn hóa phẩm bao gồm: Các bản ghi âm, ghi hình; các loại phim, băng từ, đĩa mềm, đĩa cứng, đĩa quang đã ghi nội dung; các sản phẩm công nghệ nghe nhìn khác đã ghi thông tin ở dạng chữ viết, âm thanh, hoặc hình ảnh; Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, tranh, nhiếp ảnh; Di sản văn hóa vật thể và các sản phẩm liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể.
Tăng cường quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm, đảm bảo thực hiện đúng theo Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa. Trên cơ sở kế thừa Nghị định 88 có bổ sung, điều chỉnh các quy định mới cho phù hợp, các điều khoản của Nghị định 32 đã hướng dẫn và quy định cụ thể và làm rõ hơn về việc nhập khẩu di vật, cổ vật và các quy định có liên quan (khoản 2 Điều 7 và Điều 8. Nội dung này góp phần gìn giữ giá trị di sản văn hóa của dân tộc đồng thời kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu văn hóa phẩm là di sản văn hóa, đảm bảo thực hiện đúng theo Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa.
Nghị định góp phần tiếp tục tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia các lĩnh vực hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng hưởng thụ các giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.
Góp phần từng bước hoàn thiện pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm, cải cách thủ tục hành chính. Ngoài việc đảm bảo phù hợp với các văn bản mới được ban hành, sửa đổi bổ sung như Luật Di sản văn hóa, Luật Xuất bản, Luật Điện ảnh... Nghị định 32 đã được điều chỉnh và phân quyền rõ ràng giữa các Bộ, ngành và cơ quan, đặc biệt là các cơ quan của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ngành Thông tin Truyền thông.
Từ tháng 8 năm 2007 cơ cấu tổ chức Chính phủ đã thay đổi, Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thông tin và Truyền thông ở các tỉnh/thành được thành lập. Cụ thể là công tác quản lý xuất khẩu, nhập khẩu xuất bản phẩm, báo, tạp chí thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông, các loại văn hóa phẩm khác thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bên cạnh đó Nghị định mới đã bỏ phần xin ý kiến của cơ quan chủ quản khi nhập khẩu văn hóa phẩm, trong trường hợp cần xin ý kiến của Bộ, ngành có liên quan sẽ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin ý kiến theo phương thức liên thông một cửa nhằm giảm tải hồ sơ, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu văn hóa phẩm.
Như vậy, Nghị định đã góp phần từng bước hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tách bạch rõ ràng công tác quản lý nhà nước trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm.
Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Nghị định đã cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng trong triển khai việc thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Việc ban hành Nghị định, đưa Nghị định vào thực tiễn đời sống xã hội sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm, từ đó bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng.
Nghị định được bổ sung, điều chỉnh trên cơ sở hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, hiện đại, phù hợp thực tiễn sẽ trực tiếp góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm, góp phần nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cơ quan hỗ trợ thực thi hoạt động quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm. Đặc biệt, Nghị định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu văn hóa phẩm của Việt Nam đi các nước, đồng thời góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc mở rộng, tăng cường giao lưu văn hóa.
HCTC