Mô hình sản xuất chè kết hợp du lịch trải nghiệm góp phần nâng tầm đặc sản chè Thái Nguyên
28/11/2020 | 10:21
Chè Tân Cương là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng từ nhiều năm qua. Với địa hình đồi thấp trùng điệp, những đồi chè đẹp mắt, vùng đặc sản chè Tân Cương đang dần chuyển mình thành những điểm du lịch sinh thái, thu hút nhiều khách du lịch đến trải nghiệm.
Tân Cương là một xã nông nghiệp miền núi, nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 11 km về phía tây. Xã có diện tích là 14,7 km2 với 1.456 hộ, 5.533 khẩu. Xã Tân Cương là một trong những địa phương đầu tiên của thành phố Thái Nguyên xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Tháng 8/2015, xã đã được UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chỉ mất chừng 15 phút là du khách đã có mặt ở vùng đặc sản chè Tân Cương với những đồi chè thấp, trùng điệp, những luống chè được trồng ngay ngắn đẹp mắt.
Tại xã Tân Cương, đến nay có một số gia đình, cơ sở sản xuất chè đón tiếp du khách tham quan, trải nghiệm. Ngay bên tuyến đường trục chính, cơ sở chè cơ sở sản xuất chè Tiến Yên do anh Bùi Trọng Đại làm chủ lúc nào cũng sẵn sàng đón tiếp du khách trải nghiệm thu hái, chế biến chè, dùng cơm và ngủ ngay tại gia đình. Mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng Đại có tư duy vượt lên so với cộng đồng. Cách đây mấy năm, TP Thái Nguyên tổ chức khóa tập huấn phát triển du lịch sinh thái với đại diện của khoảng 40 gia đình tham dự, nhưng đến nay ở xã Tân Cương chỉ vài hộ làm du lịch sinh thái.
Đến nay, anh Đại đã xây dựng hệ thống đường bê-tông nhỏ lên đến gần 1.000m trong khu vực đồi chè rộng hơn một héc-ta của mình để du khách tham quan chè, chụp ảnh cho sạch sẽ; đào ao tạo hồ nước, làm cầu, dựng lều trên hồ để làm nơi du khách ngồi thưởng trà, ngắm cảnh; tổ chức cho du khách trải nghiệm hái chè, chế biến chè, phục vụ cơm nước và chỗ nghỉ qua đêm.
Với những dịch vụ như vậy, dù chưa nhiều nhưng anh Đại vẫn thu được phí từ việc du khách tham quan mua chè của cơ sở về uống, làm quà biếu
Điểm check in tại vườn chè của nhà anh Đại.
Không chỉ tạo nên điểm du lịch sinh thái cho khách du lịch, cơ sở sản xuất của anh Đại còn tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân trong vùng.
Chị Đỗ Thị Lan (36 tuổi) - một người hái chè thuê cho cơ sở của ông Đại cho biết, nhà chị cũng có 5 sào chè, khi cây chè của gia đình chưa lên búp thì chị đi hái thuê, để bù vào những ngày gia đình chị đi thuê người khác, thu nhập từ hái chè là 200-250.000 đồng/ngày. Khi xóm phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình chị cũng hưởng ứng nhiệt tình. Xã làm con đường đi qua nhà nên chị hiến đất để làm đường. Cuộc sống nông thôn mới đã giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập nên bà con đồng lòng ủng hộ.
Ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư, Chủ tịch xã Tân Cương cho biết, Tân Cương là 1 trong những xã đầu tiên của TP đạt chuẩn nông thôn mới, từ đây cũng mang luồng gió mới, cuộc sống mới với bà con nông dân. Cả xã có gần 1.600 hộ dân, trong đó 90% người dân làm nông nghiệp. Xác định cây chè là lợi thế kinh tế của xã, mang lại lợi ích, thu nhập cao cho người dân nên UBND xã đã tận dụng mọi nguồn lực, khuyến khích bà con nông dân áp dụng triển khai nhiều mô hình kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng cây, thu hái, chế biến... từ đó cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ở cách đó vài km, nằm ở trung tâm của Vùng chè đặc sản Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt (xóm Nam Đồng, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên) đã chăm sóc, chế biến chè truyền thống từ nhiều năm nay, góp phần đưa sản phẩm trà Tân Cương ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương, chắp cánh cho thương hiệu chè Tân Cương ngày càng vươn xa.
Với vùng nguyên liệu chè an toàn VietGAP, để tạo ra các phẩm trà ngon, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt đã đầu tư đồng bộ hệ thống nhà xưởng rộng 2.000 m2 lắp đặt thiết bị máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại để chế biến chè như máy sao chè bằng ga của Đài Loan (Trung Quốc), máy đóng gói hút chân không, vò chè lấy nhiệt bằng điện, củi…
Theo dây chuyền sản xuất chế biến chè đặc sản khép kín được tự động hóa đến 70% góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất. Do đó, Hợp tác xã chế biến được từ 2 - 3 tấn chè búp tươi/ngày, bình quân mỗi năm Hợp tác xã chế biến được từ 700 - 900 tấn chè búp tươi, cung cấp ra thị trường từ 140 - 200 tấn chè búp khô.
Hiện HTX có 30 thành viên canh tác 10 ha chè VietGAP, doanh thu hằng năm đạt hơn 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 50 lao động thời vụ với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã liên tục đạt các danh hiệu thi đua cấp tỉnh và Trung ương.
Với nguyên liệu chè sạch, Hợp tác xã sản xuất ra các sản phẩm trà an toàn, chất lượng cao, đa dạng mẫu mã với giá thành từ 250.000- 2.500.000 đồng/kg
Không chỉ có cơ sở sản xuất hiện đại, một trong những điều thu hút và hấp dẫn du khách khi đến đây là được diện những bộ quần áo trang phục dân tộc, đeo gùi và đội nón lên đồi chè để được hòa mình vào công việc của bà con vùng chè cũng như ghi lại những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng của bản thân; được dạo bộ trên cây cầu nổi giữa nương chè xanh biếc...
Sau khi hái chè về, dưới sự hướng dẫn của cơ sở, du khách sẽ thực hiện quá trình sao chè bằng phương pháp truyền thống để hiểu hơn về lịch sử quá trình sản xuất chè.
Nắm bắt xu thế hiện nay của du khách khi đến với Thái Nguyên là được tham quan và trải nghiệm tại các vùng chè, đồng thời tận dụng những lợi thế sẵn có của vùng chè Tân Cương, Hợp tác xã chè Hảo Đạt đã xây dựng và đưa vào khai thác không gian văn hóa trà từ cuối năm 2019.
Ngoài việc tham quan, chụp ảnh ở các nương chè và tìm hiểu quá trình sản xuất tại xưởng sản xuất, du khách sẽ được tham quan không gian văn hóa trà độc đáo của Hợp tác xã. Nơi này biệt lập với khu sản xuất. Với kiến trúc đơn giản, không gian văn hóa trà gồm khu nhà gỗ 5 gian dành cho du khách thưởng trà và trưng bày các sản phẩm chè; khu tái hiện phương pháp sản xuất chè truyền thống và khu dành cho du khách trải nghiệm về văn hóa trà.
Minh Khánh