Mô hình nào cho cái "bắt tay" du lịch- điện ảnh?
05/07/2023 | 09:46Trong các chương trình, chiến lược phát triển văn hóa, xây dựng, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo và phát triển du lịch Việt Nam, chúng ta đều rất coi trọng phát triển văn hóa du lịch, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Việc xây dựng một mô hình hợp tác hiệu quả giữa điện ảnh và du lịch đang được các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý quan tâm.
Hợp tác du lịch- điện ảnh: xu thế tất yếu
Theo TS. Nguyễn Văn Tình, Nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL), thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng xây dựng và phát triển ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp to lớn và quan trọng cho ngân sách. Bên cạnh đó, du lịch tạo nên nhiều công ăn, việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh quốc gia, tôn vinh vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, đồng thời, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều năm qua, Chính phủ và Bộ VHTTDL đã ban hành những chủ trương, chính sách, chiến lược quan trọng nhằm tạo điều kiện cho du lịch Việt Nam phát triển. Trong tổng hòa các chủ trương, chính sách, chiến lược, chương trình phát triển văn hóa - du lịch thì xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua điện ảnh có vai trò hết sức quan trọng.
Theo TS Nguyễn Văn Tình, "điện ảnh" trong mối tương quan với quảng bá, xúc tiến du lịch thì không chỉ là phim truyện mà gồm cả phim tài liệu, phóng sự, phim truyền hình thực tế, game shows…thậm chí cả phim quảng cáo du lịch.
Dẫn chứng việc trước đây, Bộ VHTTDL đã thực hiện 4 clip quảng bá du lịch Việt Nam trên BBC và CNN. Để có một sản phẩm quảng cáo có độ dài 30 giây như vậy, phía CNN hay BBC đều cử cả một nhóm làm phim sang Việt Nam thực hiện. Họ có phác thảo kịch bản cho phía ta duyệt, có đạo diễn, quay phim, thu thanh, biên tập... nghĩa là một tác phẩm sáng tạo nghe - nhìn đích thực.
TS Nguyễn Văn Tình cho rằng, vai trò và mối quan hệ đầu tiên giữa điện ảnh và du lịch là làm cho khán giả, người xem hiểu biết về đất nước, con người thông qua phim ảnh. Những năm trước khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam, thông qua hệ thống các trường đại học, bảo tàng... phía Mỹ đã giới thiệu hàng loạt phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, như Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng mười, Thị xã trong tầm tay, Em bé Hà Nội... Kênh 4 Đài truyền hình BBC của Anh đã tổ chức giới thiệu Mùa phim Việt Nam với những phim truyện và đặc biệt là những phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam đã gây tiếng vang trong dư luận khán giả Anh và Mỹ.
Việc đầu tư của Nhà nước cho sản xuất phim Việt Nam là việc rất cần thiết và cần phải làm. Nhưng thực tế là việc đầu tư cho các phim mang tính chất tuyên truyền phục vụ mục đích chính trị, phục vụ các sự kiện lịch sử quan trọng trong những năm qua đã không hiệu quả. Đầu tư lớn nhưng phim làm ra không có khán giả.
"Có một vài phim có sự đầu tư của nhà nước cùng tư nhân đã mang lại hiệu quả rất khả quan như Chuyện của Pao và đặc biệt gần đây là phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Bộ phim này đã thực sự tạo nên một cơn sốt đối với khán giả và cho đến hôm nay bộ phim đã góp phần rất tốt cho việc thu hút du khách đến du lịch Phú Yên. Tôi cho rằng trong việc đầu tư của Nhà nước cho sản xuất phim điều quan trọng đầu tiên là các nhà quản lý ngành điện ảnh phải hiểu sâu sắc về chủ đề, nội dung kịch bản, thấy trước được tác động của bộ phim tương lai đối với khán giả và chọn được đạo diễn thật sự tài năng"- TS Nguyễn Văn Tình chia sẻ.
Mô hình nào cho cái bắt tay du lịch- điện ảnh?
"Chúng ta đã có Luật Điện ảnh mới được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, có nhiều điểm mới, phù hợp với bối cảnh hoạt động điện ảnh hiện nay. Tuy nhiên, tôi nghĩ, ta nên tiếp tục tạo điều kiện mở rộng hơn nữa việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất phim nước ngoài tại Việt Nam. Thực tế những năm qua cho thấy các nhà làm phim nước ngoài rất mê các bối cảnh tuyệt vời của đất nước ta. Họ đến Việt Nam không chỉ quay phim truyện mà cả các chương trình truyền hình thực tế, các game show, làm phim tài liệu, phóng sự, quảng cáo... Khi những phim này được phát hành quốc tế thì đây là kênh quảng bá du lịch hết sức hiệu quả cho đất nước và con người Việt Nam"- TS Nguyễn Văn Tình nhận định.
Ngoài ra, TS Nguyễn Văn Tình cho rằng, Viện phim Việt Nam đang có lượng phim lưu trữ lớn nhất nước, nhất là những bộ phim thuộc loại kinh điển của Việt Nam. Nếu có một dự án phục chế, phục hồi và số hóa những phim kinh điển của Việt Nam, cả phim truyện và phim tài liệu để lưu giữ lâu dài và có thể in ra những bản phim mới để khai thác cả trong và ngoài nước, phổ biến qua hệ thống truyền hình và các mạng xã hội...
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá văn hóa du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Xây dựng các phim ngắn theo các chủ đề như di sản văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực, lễ hội, làng nghề… Việt Nam để quảng bá.
PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng cần xây dựng trường quay có quy mô. Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú lấy dẫn chứng, không phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 1887, Handerson Wilcox đã là người khai thiên lập địa từ thửa đất đầu tiên tại Los Angeles để hình thành nên kinh đô Điện ảnh Hollywood nổi tiếng ngày nay. Với hệ thống phim trường đồ sộ, với đầy đủ cảnh trí thiên nhiên phong phú, rừng xen núi, đồi, thung lũng, thác, suối, biển cả, cây xanh, nhà cửa, thành quách, lâu đài, nhà cổ... bên cạnh những đoàn bối cảnh, đạo cụ, phương tiện phục vụ diễn xuất như: tàu, xe, ca nô, thuyền bè, các loài côn trùng, muông thú... nơi đây không chỉ bày dọn sẵn những bối cảnh phong phú, đa dạng cho các đoàn làm phim mà còn là địa danh tham quan hấp dẫn với hàng triệu, triệu khách du lịch toàn thế giới.
Tương tự, nhà nước Hàn Quốc đã đầu tư cho hệ thống hạ tầng cơ sở và chính sách cởi mở tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội hóa việc xây dựng trường quay.
Ví dụ, hệ thống trường quay liên hoàn cho bộ phim Nàng Dae Jang Geum với những bối cảnh cố định (làng cổ, thành quách, chùa chiền...), đều được giữ lại để làm địa điểm du lịch văn hóa. Mỗi năm trường quay này đã thu hút hàng vạn lượt khách du lịch mang về thu nhập khoảng gần 17,5 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người. Tại phim trường nêu trên, trang phục của các vua chúa, trang phục của các nhân vật quan trọng, đặc biệt là trang phục của nàng Dae Jang Geum luôn được các du khách thuê để chụp ảnh; các món ăn do Dae Jang Geum đã từng nấu được du khách xếp hàng để thưởng thức với giá cả không hề rẻ một chút nào (mỗi lần chụp ảnh 6 USD, mỗi món ăn 5 USD...). Rõ ràng, phim trường không chỉ phục vụ có hiệu quả cho việc làm phim, mà còn là những địa điểm du lịch văn hóa hấp dẫn thu hút khách du lịch, nhất là những người yêu phim truyện trên toàn thế giới...
"Có thể thấy với những giá trị cộng thêm, công nghiệp điện ảnh đã tích hợp chức năng quảng bá, bằng sự gắn kết tự thân với những hoạt động dịch vụ du lịch"- ông Đỗ Lệnh Hùng Tú nhận định.
Từ kinh nghiệm của một người trực tiếp làm phim, Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng, các nhà làm phim khi đến các địa phương thông thường gặp nhiều khó khăn trong các thủ tục hành chính. Có quá nhiều giấy tờ, các ban bệ, đôi khi không thống nhất về mặt yêu cầu thủ tục. Chẳng hạn, Luật điện ảnh đã không còn yêu cầu các hãng phim duyệt kịch bản phim để được cấp phép quay, nhưng các địa phương vẫn yêu cầu giấy kiểm duyệt khiến các hãng phim rất khó xử.
Ngoài ra, các địa phương cũng chỉ thường tập trung giới thiệu các địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng với các nhà làm phim, họ cũng mong muốn tìm những địa điểm quay phim mới lạ chưa từng xuất hiện trên phim. Nếu không được người địa phương giới thiệu, các nhà làm phim có thể mất nhiều thời gian để tự đi tìm khám phá, hoặc không bao giờ biết đến những địa điểm đẹp này.
"Kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm phim điện ảnh liên kết với du lịch có thể gồm: Nắm vững văn hóa địa phương; hợp tác địa phương; Sử dụng cảnh quay thực tế; Tiếp thị và quảng bá; Hợp tác với ngành du lịch"- Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ./.