Màu ký ức – Lời tri ân của thế hệ cầm bút hôm nay với các nhà báo liệt sĩ
19/07/2024 | 16:18Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27.7.1947- 27.7. 2024), hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925- 21.6.2025), Sáng 19.7, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL phối hợp cùng Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức chương trình Giao lưu, Tọa đàm, tri ân các nhà báo liệt sĩ với chủ đề "Màu ký ức".
Tham dự chương trình Giao lưu, Tọa đàm có nhà báo Phan Thanh Nam Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL, Phó tổng biên tập báo Văn Hóa; nhà báo Nguyễn Thị Hoàng Lan Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL, Tổng biên tập báo Điện tử Tổ Quốc; nhà báo Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL, Tổng biên tập tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật; nhà báo Hồ Quang Lợi- nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cùng các đại biểu và Hội viên của Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL.
Lời tri ân của thế hệ hôm nay
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Phan Thanh Nam nhấn mạnh: Với vai trò là những thư ký của thời đại, trong gần một thế kỷ qua, các thế hệ người làm báo Việt Nam đã cùng nhau viết nên những trang sử đầy tự hào của nền báo chí cách mạng nước nhà. Bảo tàng Báo chí Việt Nam- ngôi nhà di sản của các thế hệ người làm báo, nơi lưu giữ và trưng bày trên 35 ngàn tài liệu, hiện vật qua các thời kỳ của nền báo chí Việt Nam, kể từ khi thành lập đến nay đã trở thành điểm đến có sức thu hút với nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, của đông đảo các thế hệ người làm báo nước nhà.
Trong số trên 35 ngàn tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng, có những tài liệu, hiện vật dẫu đã nhuốm màu thời gian nhưng là ký ức vĩnh cửu về những thế hệ nhà báo đầu tiên của nền báo chí Việt Nam. Đặc biệt, có nhiều tài liệu, hiện vật vô giá của những nhà báo- chiến sĩ đã từng xông pha trên chiến trường, giữa mưa bom bão đạn, nhiều người đã đổ máu, đã hi sinh trên con đường đưa thông tin, hình ảnh đến với độc giả.
Đó không chỉ là những tài sản có giá trị không gì đong đếm được mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã dầy công sưu tầm, bảo quản, trưng bày mà còn là những thông điệp đắt giá, là tấm gương để các thế hệ làm báo hôm nay tri ân, soi chiếu và nhắc nhở chính mình trên hành trình tác nghiệp – ông Phan Thanh Nam chia sẻ.
Điểm nhấn đặc biệt trong không gian trưng bày của Bảo tàng chính là khu tưởng niệm các nhà báo liệt sĩ, nơi chúng ta trân trọng tri ân và tưởng nhớ những cây bút dũng cảm đã không tiếc máu xương, chẳng quản ngại hi sinh để dấn thân và cống hiến, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc, tự hào cho sự phát triển của nền báo chí dân tộc. Khu tưởng niệm được thiết kế với các vách kính ghép lại với nhau cùng tông màu đỏ chủ đạo, có khắc tên và cơ quan của các nhà báo liệt sĩ từ trước năm 1945 đến nay.
Xúc động nói về chủ đề của chương trình - Màu ký ức, ông Phan Thanh Nam cho rằng đây là lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay với những nhà báo- liệt sĩ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27.7. Đồng thời, chương trình cũng mong muốn gửi gắm thông điệp ý nghĩa tới thế hệ những người cầm bút hôm nay. Màu ký ức có sắc đỏ của máu cha ông đã hi sinh và cống hiến. Màu ký ức có màu xanh hi vọng, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho thế hệ trẻ, trong đó có những người làm báo đương đại. Màu ký ức cũng là sự tôn vinh những hi sinh bất khuất của các nhà báo, phóng viên chiến trường đã tận hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhiều câu chuyện xúc động
Trong chương trình, những câu chuyện mang màu ký ức đẹp đẽ và tự hào đã được các diễn giả, khách mời chia sẻ. Đó là những câu chuyện xúc động từ nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó tổng biên tập Báo Nghệ An và Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An, người đã miệt mài dành 15 năm tìm danh tính 511 đồng nghiệp là liệt sĩ. Nhà báo Trần Văn Hiền cũng được nhiều người biết đến với bài thơ "Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh".
Tại chương trình, nhà báo Trần Văn Hiền chia sẻ rất xúc động khi đến với Tọa đàm. Ông coi đây là cơ hội để thêm một lần trả nợ các nhà báo. Điều thôi thúc nhà báo Trần Văn Hiền đi tìm danh tính của hơn 500 đồng nghiệp liệt sĩ được bắt đầu từ hành trình đi tìm hai người bạn học cùng Đại học báo chí đã hi sinh. Ông rất day dứt và nghĩ rằng phải tìm họ, viết về họ, xem họ hi sinh trong hoàn cảnh nào. Và để tìm được thì ông phải kết nối, phải tìm hiểu và có những "chi tiết" mới viết được. Nhiều cơ may đến, ông được kết nối với những đồng đội của hai người bạn và hoàn thành dự định của mình. Nhưng điều trăn trở nữa cứ trở đi trở lại là còn rất nhiều nhà báo khác cũng đã hi sinh nằm lại chiến trường mà không có cơ hội được trở về quê hương. Điều thôi thúc như một món nợ ân tình này đã khiến ông quyết tâm lên đường trong hành trình tìm kiếm danh tính đồng nghiệp đã hi sinh suốt 16 năm.
Nhà báo Trần Văn Hiền cho biết, ông đã viết được 24 chân dung các nhà báo liệt sĩ, đã in thành sách, số liệt sĩ còn lại ông mong muốn được các nhà báo cùng chung tay viết tiếp. Ông đề xuất Hội Nhà báo Việt Nam có thể phát động cuộc thi viết chân dung các nhà báo đã hi sinh trên chiến trường.
Nhà báo Hồ Quang Lợi lại mang đến cho chương trình những ký ức tươi đẹp, xúc động về các nhà báo một thời. Như nhà báo Trần Kim Xuyến - nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và sau này đã được đặt tên đường tại Hà Nội.
Liên chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL cũng đã trao tặng nhiều hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại chương trình
Cùng với đó, nhà báo Hồ Quang Lợi cũng chia sẻ về những "ngòi bút đặc biệt" với những "số phận đặc biệt". Họ không quản ngại sự khốc liệt của chiến tranh, không màng đến tính mạng, sẵn sàng có mặt tại các mặt trận để viết báo. Đồng thời họ cũng là những ngòi bút đầy lãng mạn với nhiều bài thơ bất hủ, có thể kể đến như: Trần Đăng, Thâm Tâm, Hoàng Lộc, Dương Thị Xuân Quý... Tinh thần dấn thân, cống hiến hi sinh của các nhà báo chiến sĩ sẽ mãi được ghi nhận. Các thế hệ nhà báo đi trước đã hi sinh, cống hiến để cho chúng ta tiếp tục được cống hiến. Cho dù đội ngũ làm báo ngày hôm nay có những thay đổi nhưng tôi tin rằng lý tưởng làm nghề, tâm thức làm nghề và đạo đức làm nghề không bao giờ thay đổi" – nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết.
Các đại biểu khách mời, Ban tổ chức và các Hội viên đã tham quan Bảo tàng và dâng hoa tưởng nhớ các nhà báo liệt sĩ
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu khách mời, Ban tổ chức và các Hội viên đã tham quan Bảo tàng và dâng hoa tưởng nhớ các nhà báo liệt sĩ. Liên chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL cũng đã trao tặng nhiều hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại chương trình.